"Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% năm 2023 là khó đạt được"
Sáng ngày 18/07, Diễn đàn Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 “Vượt gian khó đón tương lai” đã diễn ra tại TPHCM dưới sự chủ trì của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM phối hợp cùng với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS). Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kịch bản cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như của TPHCM trong nửa sau năm 2023.
Hội thảo Diễn đàn kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 sáng ngày 18/07. Ảnh: DK
|
Phát biểu tại phần tham luận, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2023 là khó đạt được. Ở kịch bản thứ nhất, để GDP Việt Nam đạt mục tăng trưởng 6% thì quý 3/2023 mức tăng trưởng phải đạt được là 6.8% và quý 4 là 9%. Ở kịch bản thứ 2, để GDP tăng trưởng 6.5%, thì quý 3 phải đạt được 7.4% và quý 4 là 10.3%.
Vị này đánh giá xu hướng thắt chặt tiền tệ hiện tại (Ngân hàng Trung ương Anh Quốc - BOE hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed) cho thấy thế giới vẫn đang cảnh giác cao độ với lạm phát, đây là xu thế chung; ngoại trừ Trung Quốc đang nới lỏng do kinh tế suy giảm.
Có 4 vấn đề ông Trung đưa ra, một là ổn định hệ thống ngân hàng, đây cũng là vấn đề quan trọng nhất; hai là đảm bảo hạ lãi suất trong điều kiện phù hợp với rủi ro người đi vay, ngoại trừ các lĩnh vực ưu tiên thì xuất khẩu, SMEs, ứng dụng công nghệ cao cũng cần chính sách lãi suất đặc thù để hỗ trợ phát triển; ba là, tiếp nối thành công của sự ổn định tỷ giá trong suốt năm 2022, nhằm không nhập khẩu lạm phát, ổn định môi trường vĩ mô qua đó hấp dẫn được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cuối cùng là đặt trong bối cảnh lạm phát.
Ngoài ra, ông Trung cũng đề ra 3 nhóm giải pháp kích cầu, không hướng đến chính sách tiền tệ. Một là, kích cầu tiêu dùng, giá hàng hóa tiêu dùng hài hòa với giảm VAT (chính sách tài khóa phản chu kỳ); hai là, về cầu đầu tư (chính sách tài khóa phản chu kỳ), tăng giải ngân cơ sở hạ tầng giao thông và tăng đầu tư hệ thống điện; ba là, kích cầu về mặt xuất khẩu bao gồm dịch vụ, du lịch và cầu xuất khẩu dịch vụ logistic.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM, nền kinh tế thế giới không riêng gì Việt Nam đang căng mình gánh chịu những hậu quả, hay tác dụng phụ của một liều thuốc kích thích kinh tế được thực hiện trong đợt dịch COVID-19. Việc tăng tổng cầu quá mạnh sau khi mở cửa trở lại làm cho chúng ta có kỳ vọng sai lầm về việc nền kinh tế đã phục hồi và các chính sách sau đó làm cho tình hình vốn đã xấu càng xấu hơn. Đây là đang sửa sai, và tạo ra nhiều bất ổn vĩ mô.
Trong đợt dịch, các Ngân hàng Trung ương đã bơm khoảng 25 ngàn tỷ USD ra nền kinh tế, được vị giáo sư ví von như “một cơn lũ tiền”, nhằm giúp người dân và nền kinh tế có thể vượt qua dịch bệnh. “Tiền từ những kho tiền của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương đã bơm thẳng đến tay người dân, thị trường tài chính, và không đi vào một dự án, một kênh sản xuất hay kênh hấp thụ vốn nào, tạo ra hệ lụy khủng khiếp là lạm phát ”.
Bên cạnh đó, các NHTW thế giới ban đầu đã đánh giá sai lạm phát, cho rằng lạm phát chỉ có tính nhất thời. Nhưng sau đó đến giữa năm 2022, Fed và sau đó BOE lại có cú “quay xe” đột ngột thắt chặt tiền tệ, sửa chữa cho kỳ vọng sai lầm, khiến lãi suất tăng quá nhanh. Vị giáo sư ví von như việc chúng ta chạy xe quá nhanh, sau đó thắng gấp thì sẽ gây ra tai nạn, và nạn nhân đầu tiên là Silicon Valley Bank và sau đó là Signature Bank và thứ 3 là Credit Suisse. Điều này tạo ra sự phân hóa mạnh trong chính sách tiền tệ của các NHTW. Nếu tiếp tục thắt chặt sẽ có những nạn nhân tiếp theo, song nếu nới lỏng thì bóng ma lạm phát vẫn còn đeo bám.
Đến lúc này, các NHTW các quốc gia phát triển tiếp tục thắt chặt tiền tệ kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát, còn các nước đang phát triển như Trung Quốc và Asean đang bắt đầu nới lỏng tiền tệ, NHNN Việt Nam cũng đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành.
Về việc liệu suy thoái đã kết thúc hay chưa, ông Báo chỉ ra rằng có thể mọi thứ (bao gồm động thái diều hâu của Fed) sẽ kết thúc vào cuối 2023, hầu như báo cáo kinh tế đã nâng quan điểm dự báo cho Mỹ, Trung Quốc do các nền kinh tế phục hồi tốt hơn mong muốn. Đến đầu năm 2024, Mỹ sẽ ngừng tăng lãi suất và kinh tế toàn cầu có thể phục hồi nhẹ.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng lưu ý, dù suy thoái có kết thúc thì tương lai vẫn còn nhiều bất ổn; chỉ số bất ổn kinh tế toàn cầu đã hơn gấp đôi kể từ năm 2009.
Về triển vọng 6 tháng cuối năm, ông Bảo cũng đồng tình với dự báo từ góc nhìn của các nhà làm chính sách và các tổ chức quốc tế, đâu đó xoay quanh 6.5%. Cụ thể, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6.5%, lạm phát 4.5%. Còn theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng trưởng năm 2023 là 5.8% và năm 2024 là 6.9%; của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 6.5% và năm 2024 là 6.8%. Hay dự báo của World Bank năm 2023 là 6.3%, còn của CIEM từ 6.47% - 6.83%; trong khi các trường Đại học và Viện nghiên cứu từ 6.2% - 7%.
Vị giáo sư đưa 5 triển vọng cho kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.
Thứ nhất, lạm phát toàn cầu, của Mỹ hay EU có xu hướng giảm; đây là tiền đề cho thấy NHTW sẽ thu hẹp và dừng thắt chặt tiền tệ trong năm nay. Fed được kỳ vọng chỉ tăng lãi suất tối đa thêm 2 lần nữa trong năm nay và việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ diễn ra vào năm 2024. Do đó, các điều kiện tài chính sẽ nới lỏng hơn từ giờ đến năm sau.
Thứ hai, mức tồn kho EU và Mỹ đã chạm đỉnh vào 04/2023, tồn kho giảm các doanh nghiệp sẽ tăng nhập khẩu hàng hóa, FDI có dấu hiệu ổn định và diễn biến tích cực; du lịch cũng có dấu phục hồi.
Thứ ba, đầu tư công và các gói hỗ trợ sẽ phát huy tác dụng, đầu tư công đang được đẩy mạnh tốc độ giải ngân.
Thứ tư, chính sách tiền tệ còn dư địa nhiều để tiếp tục nới lỏng khi lạm phát dang có xu hướng giảm, mặt bằng lãi suất thế giới có xu hướng giảm. Cho phép NHNN, giữ chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ tổng cầu, cộng với một loạt chính sách hộ trợ cho khu vực tài chính ngân hàng như Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp, xây dựng 1 triệu căn NOXH... Các chính sách tiền tệ này cũng như chính sách tài khóa sẽ phát huy tác đụng, và điểm rơi chính sách vào quý 3 và 4 năm nay.
Thứ năm, về triển vọng thị trường bất động sản, mặc dù các chủ đầu tư có thể thanh lý dự án với mức giá bi quan nhưng vẫn có giao dịch xảy ra, tạo thanh khoản, dòng tiền trở lại.
Các kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế TPHCM năm 2023
Nguồn: Tổng hợp
|
Duy Khánh
FILI
|