Dịch vụ
Hoạt động khó khăn - Doanh nghiệp nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 7 tháng đầu năm 2023, cả nước có 131,900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1.4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm có 89,600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 42,300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Thống kê cũng cho thấy, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2023 đạt 9.3 tỷ đồng, giảm 17.3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong chiều ngược lại, trong 7 tháng năm 2023, cả nước 66,800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 36,000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. 10,400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy sau 7 tháng có 113,300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính bình quân mỗi tháng có 16,200 doanh nghiệp đóng cửa.
Đứng trước những khó khăn, thách thức từ thị trường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường đứng trước lựa chọn khó khăn đó là tạm ngừng kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp?
|
Tạm ngừng kinh doanh và giải thể khác nhau như thế nào?
Theo chia sẻ từ ông Trần Nhân (Co-founder của Song Kim, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tạm ngừng kinh doanh trên toàn quốc), việc tạm ngừng kinh doanh và giải thể doanh nghiệp là hoàn toàn khác nhau, theo đó:
- Căn cứ khoản 1, điều 41 Nghị định 01/2021 NĐ-CP, tạm ngừng kinh doanh là doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 1 khoảng thời gian nhất định, và không chấm dứt tư cách pháp nhân. Trong thời gian tạm ngừng, doanh nghiệp không phải nộp báo cáo thuế, đóng thuế. Khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không được thực hiện các hoạt động kinh doanh, không được thuê mướn lao động.
- Căn cứ khoản 6, điều 41, Nghị định 01/2021/NĐ-CP, giải thể là tình trạng doanh nghiệp chấm dứt tư cách pháp nhân cũng như các quyền và nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp. Tất cả các nghĩa vụ về thuế, tiền lương, BHXH, các khoản vay… doanh nghiệp cần phải hoàn thành trước khi giải thể.
Nên chọn tạm ngừng kinh doanh hay giải thể?
Khi hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, có thể do nội tại doanh nghiệp, hoặc do các yếu tố khách quan của nên kinh tế. Việc lựa chọn giải thể hoặc chỉ tạm ngừng kinh doanh sẽ phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.
- Nếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không còn đủ khả năng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, hoặc do nội tại của chủ doanh nghiệp, không còn muốn kinh doanh với pháp nhân hiện tại. Doanh nghiệp sẽ tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp. Khi đã giải thể, muốn trở lại hoạt động thì phải thành lập một doanh nghiệp mới.
- Ngược lại, nếu do ảnh hưởng khách quan từ nền kinh tế, việc kinh doanh của doanh nghiệp tạm thời không hiệu quả. Doanh nghiệp sẽ chọn phương án tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Và chờ đợi thì trường “ấm lên”, sẽ tiếp tục kinh doanh trên pháp nhân này.
Ưu điểm khi tạm ngừng kinh doanh so với giải thể doanh nghiệp
So với việc giải thể doanh nghiệp, việc thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh sẽ có những ưu điểm như sau:
- Vẫn giữ được thâm niên hoạt động của công ty.
- Giữ được giá trị pháp lý của các hồ sơ đăng ký độc quyền thương hiệu, bằng sáng chế,…
- Không cần thực hiện các thủ tục quyết toán giải thể thuế phức tạp và mất nhiều thời gian, chi phí.
- Trong thời hạn tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không phải kê khai thuế, không nộp lệ phí môn bài, báo cáo tài chính và quyết toán thuế TNDN, TNCN.
Quy định về việc tạm ngừng kinh doanh theo Luật Doanh Nghiệp 2020
Việc tạm ngừng kinh doanh sẽ được căn cứ vào khoản 1 điều 66 Nghị Định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
"Điều 66. Đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
1.Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm."
Kết luận:
- Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của 1 lần thông báo là 1 năm
- Không giới hạn thời hạn tạm ngừng kinh doanh liên tục (Trước 2021, thời hạn tạm ngừng liên tục không quá 2 năm)
- Thủ tục tạm ngừng kinh doanh cần nộp trước 03 ngày làm việc (tính trên thời điểm tạm ngừng kinh doanh)
Quy trình tạm ngừng kinh doanh
Doanh nghiệp sẽ nộp bộ hồ sơ tạm ngừng kinh doanh đến phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Bộ hồ sơ tạm ngừng kinh doanh sẽ tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, bao gồm:
- Thông báo tạm ngừng kinh doanh. (Phụ lục II-19 – Ban hành kèm theo thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)
- Quyết định tạm ngừng kinh doanh
- Biên bản hợp hội đồng quản trị về việc tạm ngừng kinh doanh (áp dụng đối với công ty cổ phần); biên bản họp hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH 2 TV)
- Giấy ủy quyền cho người đại diện thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh (nếu người nộp hồ sơ không phải là đại diện pháp luật công ty)
Kết luận:
Việc tạm ngừng kinh doanh công ty/doanh nghiệp là thủ tục cần làm để tiết kiệm chi phí, trong điều kiện khách quan của kinh tế có nhiều khó khăn. Thủ tục thực hiện việc tạm ngừng kinh doanh đơn giản, dễ thực hiện so với việc giải thể doanh nghiệp.
Và quan trọng hơn hết, việc thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp bảo toàn được thâm niên hoạt động. Có thể ra hoạt động trở lại ngay khi kinh tế có khởi sắc.
FILI
|