“Giấu” thông tin liên quan trái phiếu, một doanh nghiệp văn phòng phẩm bị phạt 85 triệu đồng
CTCP Văn phòng phẩm Hải Phòng đã bị xử phạt 85 triệu đồng. Do không gửi nội dung công bố thông tin đúng quy định cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
CTCP Văn phòng phẩm Hải Phòng (VVP Hải Phòng) có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc công bố thông tin bất thường liên quan đến trái phiếu HPS_Bond2018.
Theo văn bản, VVP Hải Phòng đã phát hành lô trái phiếu HPS_Bond2018 ngày 21/03/2018 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, có giá trị 300 tỷ đồng, kỳ hạn 6 năm (đáo hạn vào 21/03/2024).
Trước đó 07/07, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định xử phạt hành chính với VVP Hải Phòng về việc doanh nghiệp không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể, VVP Hải Phòng không gửi nội dung công bố thông tin cho HNX theo quy định gồm BCTC bán niên 2022, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu và tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2022. Qua đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt VVP Hải Phòng 85 triệu đồng cho vi phạm trên.
CTCP Văn phòng phẩm Hải Phòng được thành lập ngày 07/07/2010 có trụ sở chính tại tổ 1, khu dân cư Phương Lung, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất bột giấy, giấy và bìa. Công ty ban đầu do ông Trần Hồng Thủy làm người đại diện theo pháp luật; các cổ đông sáng lập gồm CTCP Devyt, Công ty TNHH Kim Nam – Devyt (tên cũ là Công ty TNHH Kim Nam), CTCP Văn phòng Phẩm Bãi Bằng, CTCP Phát triển Kinh doanh Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, CTCP Văn phòng phẩm Bãi Bằng.
Trong có cấu cổ đông được công bố vào tháng 09/2013 ghi nhận ba cổ đông sáng lập gồm CTCP Devyt nắm 80%, còn lại chia đều cho Công ty TNHH Kim Nam – Devyt và CTCP Văn phòng phẩm Bãi Bằng, những cổ đông khác đều đã thoái vốn.
Tháng 04/2015, ông Li Pak Yeung Vernon (quốc tịch Hồng Kông) thay ông Thủy là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc công ty. Đồng thời, Công ty tăng vốn điều lệ lên 72 tỷ đồng. Hai năm sau, ông Nguyễn Thế Việt Dũng thay ông Li Pak Yeung Vernon giữ chức vụ trên.
Tháng 06/2022, VVP Hải Phòng tăng vốn lên 144 tỷ đồng. Một tháng sau đó, bà Đào Thị Hồng Yến thay ông Dũng giữ chức vụ trên cho tới nay.
Được biết năm 2022 (niên độ tài chính 01/10/2021 – 30/09/2022), VVP Hải Phòng đạt lợi nhuận sau thuế 54.5 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm trước đó. Vốn chủ sở hữu tính đến cuối niên độ là gần 211 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu 3.4 lần, dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 0.41 lần.
Nguồn: HNX
|
Thanh Tú
FILI
|