Cơn sốt cổ phiếu meme trở lại, cổ phiếu của một chuỗi bán lẻ đã phá sản tăng 300% trên sàn OTC
Nhà đầu tư đã dùng gần 200 triệu USD để giao dịch một cổ phiếu vốn đã vô giá trị về mặt lý thuyết. Đó là Bed Bath & Beyond, chuỗi bán lẻ đồ gia dụng đã phá sản từ đầu tháng 5/2023 và hủy niêm yết cổ phiếu.
Diễn biến này bỗng gợi lại cơn sốt cổ phiếu meme cách đây 1 năm.
Bed Bath & Beyond nằm trong số các thương hiệu tiêu dùng không được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng lại là cái tên phổ biến với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong thời dịch bệnh. Các nhà đầu tư nhỏ tung hô trên mạng xã hội để đẩy giá vượt qua mức mà các chuyên gia xem là hợp lý.
Nhiều công ty trong số này sử dụng sự phấn khích của nhà đầu tư để phát hành cổ phiếu huy động vốn, từ đó vực dậy hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Bed Bath & Beyond đã nộp đơn bảo hộ phá sản theo Chương 11 trong tháng 5/2023, còn cổ phiếu đã bị hủy niêm yết.
Điều đáng ngạc nhiên là việc nộp đơn phá sản không thể kìm hãm sự phấn khích của binh đoàn nhỏ lẻ. Theo dữ liệu của Bloomberg, trung bình khoảng 18 triệu cp Bed Bath & Beyond được sang tay mỗi ngày trên thị trường OTC kể từ khi hủy niêm yết. Những nhà đầu tư trên Reddit truyền tay nhau những giả thuyết mang tính đầu cơ cực cao về các kế hoạch xoay chuyển chuỗi bán lẻ này.
Giao dịch diễn ra sôi động hơn khi chứng khoán Mỹ thăng hoa trong 6 tháng đầu năm, trong đó Nasdaq Composite ghi nhận nửa đầu năm tăng mạnh nhất trong 40 năm. Điều này vẫn diễn ra bất chấp hàng loạt đợt nâng lãi suất của Fed. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường đã xuất hiện bong bóng và định giá quá cao.
“Đây có thể là một biến thể của hiện tượng cổ phiếu meme”, Anthony Chukumba, Chuyên viên phân tích tại Loop Capital Markets và trước đó theo sát công ty Bed, Bath & Beyond, cho hay.
“Chúng ta có thể tranh cãi về giá trị của Tesla và GameStop vì các công ty này vẫn còn hoạt động”, ông cho biết. “Nhưng làm sao phải tranh cãi về giá trị của Bed Bath & Beyond khi chúng ta đã biết rõ”.
Trong hồ sơ gửi lên tòa án hồi tháng 5/2023, Bed Bath & Beyond ghi nhận nợ ở mức 5.2 tỷ USD, trong khi tài sản chỉ ở mức 4.4 tỷ USD. Và theo thứ tự ưu tiên, cổ đông sẽ là bên nhận cuối cùng khi thanh lý tài sản.
Hơn 12,000 cp được giao dịch trên sàn OTC của Mỹ - hiện do OTC Markets Group vận hành. Sàn này được chia làm 3 thị trường, với các cổ phiếu rủi ro nhất và kiểm soát ít nhất nằm trên thị trường Pink Open Market (POM).
Khi một doanh nghiệp tuyên bố phá sản, cổ phiếu bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chính và sau đó được giao dịch trên Pink Open Market với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá gốc. “Các cổ phiếu này vẫn được giao dịch cho tới khi thanh lý xong tài sản - vốn có thể cần tới nhiều tháng hoặc nhiều năm”, Steve Sosnick, Trưởng bộ phận chiến lược tại Interactive Brokers, cho hay.
Liệu các cổ đông có nhận được chút nào từ tiền thanh lý tài sản hay không? Điêu này còn phụ thuộc vào lượng tiền trả cho các chủ nợ - vốn là bên ưu tiên hơn.
Tuy nhiên, trái phiếu của Bed Bath & Beyond đang được giao dịch ở mức dưới 2 xu trên 1 USD. “Thị trường trái phiếu đang gửi đi thông điệp: cổ phiếu Bed Bath & Beyond đã vô giá trị”, Sosnick nói thêm.
Tính tới tuần trước, công ty này không còn sở hữu thương hiệu Bed, Bath & Beyond. Nhà bán lẻ trực tuyến Overstock.com đã mua lại sở hữu trí tuệ thương hiệu “Bed, Bath & Beyond” với giá 22 triệu USD và thông báo kế hoạch khởi động lại thương hiệu. Giá cổ phiếu Overstock.com tăng vọt hơn 60%.
Tuy nhiên, việc đánh mất sở hữu cái tên Bed, Bath & Beyond không làm nản lòng những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu Bed Bath & Beyond. Kể từ khi hủy niêm yết, giá cổ phiếu đã tăng gần 300%. Giá trị giao dịch hàng ngày trung bình trong tháng qua là 4.8 triệu USD.
Đây không phải là doanh nghiệp phá sản đầu tiên thu hút sự chú ý của bình đoàn nhỏ lẻ. Các nhà đầu tư cũng giao dịch hàng trăm triệu USD cổ phiếu của các ngân hàng đã sụp đổ như First Republic, Silicon Valley Bank và Signature Bank, nhưng không có cổ phiếu nào thu hút như Bed Bath & Beyond.
Trong các cuộc trao đổi trên Reddit, thỉnh thoảng cái tên Hertz lại xuất hiện. Đây là doanh nghiệp đã nộp đơn phá sản trong năm 2020, nhưng cổ phiếu lại tăng vọt nhờ binh đoàn nhỏ lẻ. Từ đó, Hertz phát hành cổ phiếu huy động vốn và tái cấu trúc doanh nghiệp.
Cơn sốt cổ phiếu meme nổi lên từ tháng 1/2021 và bắt nguồn từ sự ganh đua giữa nhà đầu tư nhỏ lẻ và các quỹ đầu cơ.
Mọi chuyện khởi đầu khi những thành viên có ảnh hưởng của r/WallStreetBets (thuộc diễn đàn Reddit) nhận ra rằng một lượng đáng kinh ngạc cổ phiếu của GameStop đang bị bán khống bởi rất nhiều người (trong số họ là những tổ chức/quỹ đầu tư có uy tín ở Phố Wall).
Sau đó, các Redditors (những người dùng Reddit) thực hiện mua một loạt cổ phiếu GameStop, kỳ vọng rằng họ có thể làm tăng giá trị của cổ phiếu này, đủ để kích hoạt một đợt “Short squeeze” (mua cổ phiếu đã vay để chốt vị thế bán khống) và mang lại lợi ích cho những người đang nắm giữ cổ phiếu GameStop - và cùng với đó là “chơi đểu” những nhà đầu tư tổ chức giàu có kia.
|
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FILI
|