Cổ phiếu một công ty rượu bị đưa vào diện cảnh báo
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Rượu Hapro (UPCoM: HAV) vào diện cảnh báo từ ngày 05/07. Do BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Cụ thể, trên BCTC kiểm toán 2022 cho năm tài chính kết thúc ngày 31/03/2023, kiểm toán cho biết tính đến ngày 31/03/2023, HAV chưa hạch toán phân bổ chi phí trả trước của các năm trước vào kết quả hoạt động kinh doanh cho năm tài chính kết thúc ngày 31/03/2023 với số tiền gần 6.2 tỷ đồng (ngắn hạn hơn 5.5 tỷ đồng và dài hạn là 654 triệu đồng), cho năm tài chính kết thúc ngày 31/03/2022 số tiền hơn 7 tỷ đồng (ngắn hạn 5.6 tỷ đồng và dài hạn 1.4 tỷ đồng).
Điều này làm cho chỉ tiêu chi phí trả trước ngắn hạn và chi phí trả trước dài hạn trên bảng cân đối kế toán (CĐKT) tại ngày 31/03/2023 và 31/03/2022 bị trình bày cao hơn với số tiền tương ứng.
Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng CĐKT tại ngày 31/03/2023 bị trình bày cao hơn với số tiền gần 6.2 tỷ đồng (tại ngày 31/03/2022 là 7 tỷ đồng). Đồng thời, lợi nhuận kế toán trước thuế trên báo cáo kết quả kinh doanh cho năm tài chính kết thúc ngày 31/03/2023 đang trình bày cao hơn với số tiền gần 6.2 tỷ đồng (cho năm tài chính kết thúc ngày 31/03/2022 trình bày cao hơn với số tiền 7 tỷ đồng).
Nguồn: BCTC của HAV
|
Bên cạnh đó, kiểm toán cho biết với những tài liệu mà HAV cung cấp, chưa thu thập được bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi của các tài sản đang được phản ánh trên khoản mục “Tài sản thiếu chờ xử lý” trên bảng CĐKT tại thời điểm ngày 31/03/2023 với giá trị gần 3.2 tỷ đồng (tại ngày 31/03/2022 là 3.2 tỷ đồng).
Do đó, kiểm toán không thể đưa ra ý kiến về khả năng thu hồi của các tài sản thiếu này tại thời điểm 31/03/2023 cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đối với BCTC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/03/2023.
Phản hồi về vấn đề này, ngày 29/06, HAV có công văn gửi về UBCKNN và HNX, cho biết khoản chi phí trả trước ngắn hạn 5.5 tỷ đồng và dài hạn 654 triệu đồng cần phân bổ là khoản chi phí của nhiều năm trước, do hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của HAV vẫn còn thua lỗ, do vậy chưa hạch toán, HAV sẽ từng bước tháo gỡ và hạch toán dần trong những năm tiếp theo. Còn về vấn đề tài sản thiếu chờ xử lý với giá trị 3.2 tỷ đồng, đây là khoản hàng hóa ký gửi của những năm trước, HAV vẫn đang củng cố hồ sơ để giải quyết.
“Vì những lý do trên, CTCP Rượu Hapro đã không đồng ý với ý kiến kiểm toán đưa khoản trên vào chi phí trong năm 2022” - trích công văn gửi UBCKNN và HNX.
Ngoài ra, trên BCTC kiểm toán 2022, kiểm toán còn nêu lên vấn đề cần nhấn mạnh. Tại ngày 31/03/2023, nợ phải trả quá hạn là 1.2 tỷ đồng, lỗ lũy kế của Công ty gần 19.2 tỷ đồng. Trong năm tài chính kết thúc cùng ngày, HAV lỗ 358 triệu đồng. “Khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào việc cho thuê hạ tầng và hợp tác kinh doanh trên đất hợp pháp tại địa điểm lô B5A Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro, Gia Lâm, Hà Nội. Những điều kiện trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.
Nguồn: BCTC HAV
|
CTCP Rượu Hapro có tiền thân là Xí nghiệp rượu Hapro được Tổng Công ty Thương mại Hà Nội thành lập vào 06/2005. Đến tháng 02/2007, CTCP Rượt Hapro được thành lập trên cơ sở của Xí nghiệp này. Khoảng 10 năm sau, tức năm 2017, Công ty được UBCKNN chấp thuận đăng ký công ty đại chúng rồi được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp giấy chứng nhận Đăng ký chứng khoán với số lượng cổ phiếu đăng ký gần 3.3 triệu cp.
Kha Nguyễn
FILI
|