Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Các ý kiến cho rằng nhiều quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân quá lạc hậu so với hiện nay vì lạm phát hằng năm đã “bào mòn” tiền lương của người dân.
Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (dự kiến diễn ra vào tháng 10-2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (dự kiến vào tháng 5-2026).
Nhiều quy định của luật hiện đã lỗi thời, bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh: Q.HUY
|
Nhiều ý kiến cho rằng lộ trình này quá dài, dự kiến phải mất đến ba năm nữa Luật Thuế TNCN mới được thông qua. Trong khi đó, nhiều quy định của luật hiện đã lỗi thời, bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế, gây thiệt thòi cho người dân.
LS Trần Xoa
|
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang:
Phải nâng mức giảm trừ gia cảnh
Luật Thuế TNCN hiện nay quá nhiều quy định đã lạc hậu, bất cập cần phải sửa ngay. Quy định đáng quan tâm nhất là mức giảm trừ gia cảnh với cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc vẫn đang bị đánh giá là chưa theo kịp tốc độ tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ.
Hiện mức giảm trừ gia cảnh được Bộ Tài chính tính theo mức thu nhập bình quân đầu người nhân với hệ số 2,5 lần. Nếu theo phương pháp này thì thu nhập bình quân của người dân Việt Nam trong năm 2022 được công bố là hơn 4.110 USD/người/năm (tương đương gần 96 triệu đồng/người/năm), tính trung bình khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Khi nhân với hệ số 2,5 lần thì mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 20 triệu đồng/tháng. Do đó, trước mắt cần phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh với cá nhân người nộp thuế phải nâng từ 11 triệu đồng/tháng lên 20 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc nâng lên 8 triệu đồng/người/tháng (bằng 40% người nộp thuế).
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn
|
Ông Nguyễn Thái Sơn nguyên cán bộ thuế:
Cần xem lại thuế thu nhập vãng lai
Thu nhập vãng lai được hiểu là khoản thu nhập, tiền công, thù lao được nhận ở các nơi không thông qua hợp đồng lao động.
Tình trạng lượng hồ sơ quyết toán, hoàn thuế những năm qua liên tục tăng lên đến từ sự bất cập thu nhập trừ thuế thu nhập vãng lai ở mức quá thấp. Theo quy định, thu nhập vãng lai chỉ 2 triệu đồng phải khấu trừ thuế ngay 10%.
Đến cuối năm, cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Nếu số thuế đóng dư sẽ được hoàn. Ngưỡng chịu thuế vãng lai 2 triệu đồng là lạc hậu, dẫn đến nghịch lý là so với số người nộp thuế TNCN, các cá nhân tự đi nộp hồ sơ quyết toán thuế dù rất ít nhưng lại gây ra quá tải trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Thu nhập vãng lai 2 triệu đồng bị khấu trừ thuế 10% được áp dụng từ năm 2013, đến năm 2017, Bộ Tài chính có đề xuất tăng lên 5 triệu đồng. Thế nhưng đến nay mức thu nhập khấu trừ thuế này vẫn không được điều chỉnh, dẫn đến tình trạng người nộp thuế đóng dư, bị giữ cả năm; cơ quan thuế quá tải, chi phí vận hành giải quyết hoàn thuế cũng tăng lên.
Luật Thuế thu nhập cá nhân dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (dự kiến diễn ra vào tháng 10-2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (dự kiến vào tháng 5-2026).
|
LS Nguyễn Đức Nghĩa
|
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA):
Tiền học phí, thuê nhà… cần được khấu trừ thuế TNCN
Luật Thuế TNCN (sửa đổi) cần đề xuất quy định khấu trừ tiền học phí, tiền điều trị bệnh nan y, hiểm nghèo hay lãi vay mua nhà… khi tính thuế TNCN với điều kiện có hóa đơn, chứng từ.
Quy định khấu trừ các khoản chi phí trên là hợp lý vì đó chính là chi phí cuộc sống mà người dân đang phải trả hằng tháng. Khấu trừ các chi phí trên không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách mà còn mang giá trị nhân văn, có tác động tích cực nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội khác.
Nếu quy định các chi phí được khấu trừ thì người nộp thuế phải lấy hóa đơn. Đây là một trong những biện pháp khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. Khi đó, các nhà kinh doanh và các tổ chức phải xuất hóa đơn khi bán hàng, tránh được thất thu thuế rất lớn. Việc cho phép khấu trừ các khoản chi phí hợp lý sẽ tạo sự công bằng, hợp lý trong chính sách thuế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
|
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, chuyên gia kinh tế:
Giảm trừ gia cảnh nên theo mức lương tối thiểu vùng
Hiện đa phần người làm công ăn lương đều có thu nhập tính thuế rơi vào bậc 3, 4, 5 với mức lương không quá cao nhưng lại đóng thuế suất khá cao. Vì thế, Luật Thuế TNCN (sửa đổi) nên bỏ ba bậc thuế có thuế suất 15%, 25% và 35%, nên điều chỉnh giãn cách thành bốn bậc thuế 5% (thu nhập tính thuế dưới 10 triệu đồng/tháng), 10% (trên 10-30 triệu đồng/tháng), 20% (trên 30-60 triệu đồng/tháng) và cao nhất là 30% (trên 60 triệu đồng/tháng).
Điều hành thuế TNCN theo lạm phát cũng không hợp lý, vì mỗi năm mức sống của người dân lại tăng lên. Một bất hợp lý hiện nay là mức lương tối thiểu theo bốn vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau. Vì thế, mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mỗi năm khi tăng lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tự động tăng theo (nhân với hệ số nhất định), thay vì quy định cứng ở mức cố định.•
Doanh thu 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế: Bất hợp lý
Quy định hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế là quá thấp, mức này đã quá lạc hậu khi áp dụng từ năm 2015 đến nay chưa thay đổi.
Tính ra thu nhập trung bình, thu nhập trên 8,3 triệu đồng/tháng là phải nộp thuế. Trong khi mức giảm trừ gia cảnh cá nhân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế chỉ đặt ra một mức và tính chung cho một hộ/cá nhân kinh doanh. Có hộ kinh doanh 1-2 người nhưng cũng có hộ 5-7 người thì vẫn tính chung ngưỡng trên 100 triệu đồng/năm như vậy là bất hợp lý.
Chuyên gia thuế TRẦN XOA
|
QUANG HUY
Pháp luật TPHCM
|