Bộ GTVT đề nghị TPHCM có phương án ‘cơ chế đặc thù’ cho cầu Thủ Thiêm 4 Bộ GTVT đã có ý kiến gửi UBND TPHCM về đề xuất đầu tư dự án xây dựng Cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, trong đó có phần ngân sách nhà nước hỗ trợ phần bồi thường, tái định cư… Tuy nhiên, do TPHCM vừa được Quốc hội phê duyệt cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó cho phép thành phố được áp dụng hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) để xây dựng công trình hạ tầng nên đề nghị TPHCM bổ sung thêm phương án này để so sánh, đánh giá.
Góp ý với hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 (TPHCM) hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT nhấn mạnh vị trí của cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn nằm trong Quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến 2020 và tầm nhìn sau 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của TPHCM.
Vị trí dự kiến xây cầu Thủ Thiêm 4, phía trên hình là cảng Tân Thuận (quận 7) còn bên dưới hình là khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức). Dự kiến cầu có chiều dài hơn 2 km, rộng 28 m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành, vận tốc thiết kế 60 km/h. Theo đề xuất của Sở GTVT TPHCM, cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư 4.950 tỉ đồng và đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT. Ảnh: Lê Vũ |
Tuy nhiên, việc nghiên cứu đầu tư dự án này có liên quan chặt chẽ đến kế hoạch di rời, chuyển đổi công năng các Khu bến trên sông Sài Gòn. Do đó, đề nghị rà soát, bổ sung làm rõ sự phù hợp của dự án với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 (QH 1), tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng biển TP Hồ Chí Minh và quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh (QH2).
Hiện nay, theo QH1, Khu bến trên sông Sài Gòn thuộc Cảng biển TP HCM có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất và vùng nước trên sông Sài Gòn, đoạn từ hầm Thủ Thiêm đến Mũi Đèn Đỏ được quy hoạch thực hiện di dời, chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TPHCM. Khu bến trên sông Sài Gòn quy hoạch đến năm 2030 thực hiện di dời, chuyển đổi công năng các bến cảng với lộ trình phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của thành phố, có lộ trình đầu tư các bến cảng phục vụ di dời.
Vừa qua, CTCP Cảng Sài Gòn là đơn vị quản lý và khai thác khu Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội và khu Cảng Tân Thuận đã có văn bản đề nghị xem xét bổ sung chức năng cảng du lịch quốc tế của khu Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội. Do đó, Bộ GTVT gửi văn bản đề nghị UBND TPHCM, Cục Hàng hải … tham gia ý kiến đối với đề nghị của CTCP Cảng Sài Gòn. Song đến nay Bộ GTVT chưa nhận được ý kiến của UBND TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan. Sau đó, CTCP Cảng Sài Gòn tiếp tục có công đề nghị Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, cho phép Cảng Sài Gòn được khai thác 200m cầu tàu phía hạ lưu sông Sài Gòn sau khi xây cầu Thủ Thiêm 4 và cho phép Cảng Sài Gòn xây dựng Đề án Ga hành khách tại khu vực Nhà Rồng Khánh Hội.
Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT thành phố khẩn trương tham mưu xử lý kiến nghị của CTCP Cảng Sài Gòn nêu trên, báo cáo UBND TP HCM xem xét, thống nhất phương án xử lý để làm cơ sở quyết định tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4; đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với định hướng phát triển của TPHCM theo quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được thành phố thực hiện.
Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của TPHCM đề xuất đầu tư Dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức PPP, loại Hợp đồng BOT trong đó phân chia thành 2 dự án thành phần. Dự án 1: xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 phần nhịp chính và cầu dẫn phía Thành phố Thủ Đức theo hình thức BOT và dự án thành phần 2 dùng ngân sách nhà nước bồi thường hỗ trợ và tái định cư và xây dựng phần đường dẫn, cầu dẫn phía Quận 7.
Bộ GTVT góp ý: Việc phân chia dự án thành phần của dự án cần đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng sửa đổi…nhất là phần vốn nhà nước tham gia hỗ trợ xây dựng công trình cần bảo đảm phù hợp với Luật PPP. Đồng thời cần lưu ý việc quản lý, thanh toán đối với phần vốn đầu tư công hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong trường hợp tách thành tiểu dự án trong dự án PPP.
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 đang được các cơ quan quản lý nghiêng về phương án 3 (điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại vị trí trước nút giao với cầu Tân Thuận 2) sẽ làm giảm áp lực giao thông lên nút giao với cầu Tân Thuận 2 và nút giao với đường Huỳnh Tấn Phát hiện đang trong tình trạng quá tải.. Ngoài ra, trong điều kiện kinh phí cho phép, đề nghị nghiên cứu thêm phương án xây dựng cầu cạn nối thẳng từ đầu cầu Thủ Thiêm 4 dọc theo đường Huỳnh Tấn Phát và kết nối vào đường Vành đai 2.
Bộ GTVT cũng lưu ý việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, trong đó đã cho phép thành phố được áp dụng loại Hợp đồng BT để xây dựng công trình hạ tầng và được thanh toán bằng ngân sách nhà nước theo quy định của Hợp đồng sau khi công trình hoàn thành nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng. Do đó, đề nghị Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung cơ chế đặc thù để bổ sung thêm phương án đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BT làm cơ sở so sánh, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Mặt khác, việc đầu tư xây cầu Thủ Thiêm 4 có thể ảnh hưởng tới phương án tài chính và thời gian hoàn vốn của một số dự án trong khu vực (ví dụ như đối với cầu Phú Mỹ, khi giá vé qua cầu Thủ Thiêm 4 chỉ bằng 70% giá vé cầu Phú Mỹ). “Đề nghị đơn vị tư vấn dự án cầu Thủ Thiêm 4 rà soát và bổ sung thêm nội dung phân tích, đánh giá ảnh hưởng để đảm bảo phương án tài chính của các dự án BOT đã và đang triển khai trong khu vực”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nêu rõ.
Lan Nhi TBKTSG
|