Bài toán minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Nhiều công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện tốt yêu cầu công bố thông tin, trong đó, có cả những ông lớn.
Gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục ra quyết định xử phạt với nhiều doanh nghiệp vì lỗi công bố thông tin liên quan tới hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 tới 13/07 có 18 doanh nghiệp bị xử phạt hành chính vì những vi phạm này.
Con số đặc biệt tăng trong tháng 6 và đầu tháng 7, có tới một nửa số trường hợp bị xử phạt trong 2 tháng này. Doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực bị xử phạt, trong đó, đáng chú ý có cả doanh nghiệp lớn như CTCP Tập đoàn Trường Hải (THACO).
Các vi phạm chủ yếu là không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn với các tài liệu được yêu cầu công bố thông tin gồm báo cáo tài chính, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.
Điểm đáng nói là các doanh nghiệp bị xử phạt không phải vì công bố thiếu một trong số những báo cáo trong danh mục yêu cầu mà là toàn bộ các báo cáo được yêu cầu.
Theo quy định, trong trường hợp tổ chức phát hành niêm yết trái phiếu không phải là công ty đại chúng hoặc niêm yết sẽ phải công bố định kỳ 6 tháng, 1 năm cho tới khi trái phiếu đáo hạn đối với báo cáo tài chính, báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được yêu cầu công bố bất thường trong vòng 24h khi xảy ra các sự kiện gồm: Bị tạm ngừng một phần, toàn bộ hoạt động kinh doanh, bị đình chỉ hoạt động. Hoặc có sự thay đổi thông tin so với thông tin đã công bố khi chào bán trái phiếu làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ lãi, gốc trái phiếu.
Không thực hiện công bố thông tin, doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị xử phạt theo điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020. Theo quy định này, doanh nghiệp bị xử phạt vì không công bố thông tin dẫn tới ảnh hưởng quyền lợi của trái chủ, nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần có thông tin từ doanh nghiệp để thẩm định liệu các khoản đầu tư. Ảnh minh họa
|
Những vi phạm bị xử phạt kể trên cho thấy các doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn chưa thật sự quan tâm tới hoạt động công bố thông tin với trái chủ dù luật đã có quy định.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cuối năm 2022 vào khoảng 14.81% GDP, vào khoản 1.45 triệu tỷ đồng.
Tới cuối quý 2/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ước tính đạt gần 1.1 triệu tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp không còn nhỏ, hơn nữa, thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu riêng lẻ sắp đi vào hoạt động sẽ giúp việc giao dịch dễ dàng hơn. Lúc đó, nhu cầu minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ còn cao hơn. Đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đúng các yêu cầu công bố thông tin bởi nhà đầu tư cũng cần có thông tin để thẩm định liệu khoản đầu tư của mình có đáng tin cậy không.
Thực tế nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết và đôi khi còn theo tâm lý đám đông dẫn đến ham lãi suất cao, khi xảy ra rủi ro thì câu chuyện đã quá muộn. Vụ khủng hoảng TPDN ở Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã làm lung lay không ít niềm tin của nhà đầu tư. Bởi vậy, doanh nghiệp muốn huy động vốn từ TPDN phải lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư trước nhất đến từ sự minh bạch.
Chí Kiên
FILI
|