Thứ Ba, 20/06/2023 08:45

VASEP đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp thủy sản

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 14/06/2023 đã có công văn số 59/CV-VASEP gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thuỷ sản trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, lãi suất ngân hàng và các khoản phí của ngân hàng quá cao.

Về vấn đề lãi suất, doanh nghiệp thủy sản chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu, thường vay USD. Từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2.1-2.8% lên 3-3.3%, thậm chí đến 4.5% và hiện tại, đa phần đang ở mức cao 4.1-4.9%, có những doanh nghiệp cao hơn 5% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất-xuất khẩu thủy sản.

Một vấn đề đáng quan ngại khác nữa là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó.

Bên cạnh lãi suất cao, các khoản chi phí của ngân hàng như phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0.05%), phí thanh toán L/C (0.1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),…

Mặt khác, việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng lại phải chịu áp mức trần này.

VASEP kiến nghị điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thêm vào đó, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý 2-3/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng, chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.

Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản và DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ SXKD và tạo cơ sở thúc đẩy sinh kế cho chuỗi nông-ngư dân phía trước.

Sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN.

Thứ hai, gói tín dụng 10,000 tỷ đồng để kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thu mua nguyên liệu thủy sản nuôi cho nông dân.

Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10,000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa trong năm 2023 và quý 1/2024, ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, các giải pháp giảm chi phí kinh doanh thông qua chính sách thuế, phí, mức đóng BHXH và thời điểm đóng BHXH.

Sau giai đoạn dịch COVID-19, nhiều chi phí đầu vào tiếp tục tăng và giữ mức cao khiến chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, trong khi giá bán nhiều sản phẩm thủy sản chủ lực tăng không đáng kể mà còn đang chịu áp lực giảm giá từ khách hàng, hệ lụy tác động tiêu cực đến người nuôi, ngư dân và nhà máy chế biến xuất khẩu, rất cần được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách thuế, phí và mức đóng BHXH để giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu vào của doanh nghiệp

Về vấn đề liên quan chính sách thuế, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí đến hết 2023.

Liên quan chính sách về các khoản đóng góp bắt buộc của doanh nghiệp đối với người lao động, VASEP kiến nghị giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết 2023; nghiên cứu sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống còn 0.5% và tạm dừng đóng BHTNLĐ và bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH; kiến nghị cho các doanh nghiệp giãn nộp BHXH từ 3-6 tháng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, VASEP kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi Việt Nam.

Đồng thời, đề nghị BHXH Việt Nam giãn thời gian đóng BHXH bắt buộc "thời hạn nộp BHXH hàng tháng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng" - quy định của BHXH Việt Nam đang gây áp lực rất lớn công tác lao động-tiền lương cuối tháng của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tăng khối lượng đối chiếu/điều chỉnh tăng giảm đóng BHXH ở kỳ sau (sau khi doanh nghiệp tính trả lương cho người lao động).

Thứ tư, các giải pháp liên quan khác để giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất-nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm.

VASEP cho biết hiện nay, các doanh nghiệp phải đối mặt thách thức từ vấn đề lao động, khi các đơn hàng giảm mạnh, tồn kho nhiều, áp lực chi phí tài chính cao - nhiều doanh nghiệp đứng trước thách thức phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, sa thải nhân công.

Song song đó là thách thức từ tăng chi phí của doanh nghiệp: chi phí nguyên vật liệu, lãi vay, logistic, điện, bao bì, nhân công... và những bất cập trong việc cấp phép và hướng dẫn thủ tục doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà để sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp (chế biến, trang trại nuôi tôm-cá) và không phát lên lưới điện chung.

VASEP có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục cho doanh nghiệp vay từ ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động, tránh việc sa thải người lao động.

Về vấn đề thuế VAT, chính sách giảm 2% thuế VAT được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nếu được triển khai với toàn bộ nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp khi nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. VASEP kiến nghị mở rộng phạm vi áp dụng giảm 2% với tất cả hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất VAT 10% và không loại trừ.

Cuối cùng, cho phép và hướng dẫn thủ tục để doanh nghiệp thủy sản có thể lắp đặt điện mặt trời áp mái không phát lên lưới (Zero export) để sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp (chế biến, trang trại nuôi tôm-cá).

Thứ năm, các vướng mắc trong quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Hiện nay, Nhà nước đang áp dụng các tiêu chuẩn mới về thẩm duyệt và nghiệm thu công trình PCCC trong doanh nghiệp. Các quy định về điều kiện đảm bảo PCCC này chưa phân loại theo mức độ rủi ro, chưa phân biệt về mặt quy mô và chức năng vận hành của từng công trình, điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp; một số quy định đưa ra các yêu cầu ngặt nghèo, không có tính khả thi trong thực tế.

Hiệp hội kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất giải pháp theo hướng.

Một là, rà soát, sửa đổi các quy định về PCCC để phân loại mức độ rủi ro về PCCC đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh; áp dụng các điều kiện về PCCC theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Hai là, đối với các nhà máy đã quy hoạch xây dựng từ trước, thiếu hoặc chưa bảo đảm quy định các công trình về PCCC, như bể PCCC, quy định lắp báo cháy tự động trong các kho đông lạnh… cần cân nhắc sự phù hợp, có lộ trình áp dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và khắc phục.

Ba là, đối với các đơn vị đã được thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC theo tiêu chuẩn cũ: kéo dài thời gian được hoạt động tối thiểu từ 2-3 năm để doanh nghiệp có thời gian và kinh phí nâng cấp, sửa chữa, thay thế hệ thống PCCC theo tiêu chuẩn mới đáp ứng yêu cầu của pháp luật.

Thứ sáu, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng dự án cũ của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Hiệp hội kiến nghị đơn giản hóa thủ tục (Điều 41: Điều chỉnh dự án đầu tư, Luật Đầu tư (sửa đổi) ban hành 17/6/2020) đối với dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy sản đã được cấp GCN đầu tư trước đây, đang hoạt động, nay đầu tư nâng công suất/đổi mới công nghệ (không phát sinh nhu cầu giao đất/thuê đất).

Kha Nguyễn (Theo VASEP)

FILI

Các tin tức khác

>   VNM: Link công bố Quy chế hoạt động của UBKT (19/06/2023)

>   HTN: Quy chế hoạt động của HĐQT (19/06/2023)

>   HTN: Quy chế nội bộ về quản trị công ty (19/06/2023)

>   HTN: Quy chế hoạt động của UBKT (19/06/2023)

>   TVB: Quy chế nội bộ về quản trị công ty (19/06/2023)

>   MHC: Quy chế nội bộ về quản trị công ty sửa đổi, bổ sung (16/06/2023)

>   Tổng Giám đốc ASIFMA: Nâng hạng thị trường chứng khoán cần được đặt lên hàng đầu (16/06/2023)

>   ICF: QUY CHẾ NỘI BỘ QUẢN TRỊ CÔNG TY (16/06/2023)

>   KSB: Quy chế hoạt động của HĐQT (15/06/2023)

>   KSB: Quy chế nội bộ về quản trị công ty (15/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật