TP HCM gặp khó khăn trong việc di dời nhà ven kênh
TP HCM có 7 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch kêu gọi đầu tư từ năm 2015 nhưng đến nay chưa dự án nào được triển khai.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, phần lớn các tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ không thực hiện mở rộng biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư nên phải thực hiện chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách. Trong khi đó, nhóm này chiếm tỉ trọng lớn với 62% cơ cấu nguồn vốn (26.919/43.200 tỉ đồng).
TP HCM gặp nhiều khó khăn trong việc di dời nhà ven kênh rạch.
|
Thực tế cho thấy việc sử dụng và phân bổ nguồn vốn ngân sách cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB). Ngoài ra, tỉ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% cho giai đoạn 2017-2020 nên việc chi đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng bị cắt giảm đáng kể.
"Tình hình chung hiện nay, mặc dù các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch để thực hiện chỉnh trang đô thị, giải quyết tiêu thoát nước để chống ngập được đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư nhưng so với các dự án hạ tầng, công ích khác lại không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu" - Sở Xây dựng nhận định.
Trong thời gian tới, trường hợp được Quốc hội cho phép TP HCM được sử dụng nguồn vốn dự kiến tăng thêm (119.410 tỉ đồng) trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 thì TP HCM mới có khả năng bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh theo quy định.
Sở Xây dựng cũng cho hay chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa. 3 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch: Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, Cầu Dừa trước đây dự kiến triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BT) đã chuyển sang hình thức đầu tư công càng tạo áp lực thêm cho nguồn ngân sách thành phố.
Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách nên ảnh hưởng tiến độ.
|
Việc di dời nhà và trên kênh rạch sẽ không thực hiện theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) như giai đoạn trước đây. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch, trong khi quỹ đất này là rất nhỏ hẹp, nên càng khó khăn hơn trong việc mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.
Ngoài ra, các dự án có quy mô bồi thường lớn, không nhiều nhà đầu tư đủ năng lực và kinh nghiệm tham gia thực hiện, mặc dù thành phố đã tạo điều kiện giao cho các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu cùng thực hiện dự án như Rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, Bờ Nam Kênh Đôi nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
TP HCM có 7 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch kêu gọi đầu tư từ năm 2015 nhưng đến nay chưa dự án nào được triển khai, chủ yếu do pháp luật về đầu tư chưa quy định cụ thể về trình tự các bước thủ tục thực hiện dự án chỉnh trang đô thị.
Bên cạnh đó, trình tự thực hiện các thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách rất phức tạp, kéo dài gồm nhiều giai đoạn nên ảnh hưởng tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.
QUỐC ANH
Người lao động
|