Thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt ở nước ngoài Cần nhiều nỗ lực và giải pháp để đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt trên thế giới
Ngày 28-6, Ủy ban Về người Việt Nam tại nước ngoài TP HCM tổ chức hội nghị Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP HCM năm 2023 (cuộc vận động - PV). Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động - kêu gọi cộng đồng kiều bào, các hội đoàn, doanh nhân, doanh nghiệp (DN) tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến chân thành, thẳng thắn và tâm huyết để đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt. Tích cực kết nối, giới thiệu hàng Việt Đáp lại lời kêu gọi của Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, các DN, hiệp hội DN Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ những bài học, kinh nghiệm đưa hàng Việt ra thế giới. Kể câu chuyện mặt hàng tương ớt hiệu con gà nổi tiếng ở Mỹ bị đứt hàng hồi tháng 8-2022, ông Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA), cho biết VENUSA đã nhanh chóng giúp DN phân phối tại Mỹ tìm được nguồn hàng thay thế từ Việt Nam. "Tôi liên hệ về Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), thật bất ngờ là chỉ trong 1 giờ đã được hỗ trợ kết nối thành công với DN sản xuất và tiến hành đàm phán mua hàng. Chủ DN cũng tạo điều kiện thanh toán rất tốt" - ông Phú cho biết. Theo ông Phú, từ khi thành lập đến nay, VENUSA đã phối hợp tốt với chính quyền TP HCM hỗ trợ DN các ngành hàng rau củ quả tươi, nông sản chế biến, hàng tiêu dùng trong nước thâm nhập thị trường Mỹ. Ngoài ra, hội còn giới thiệu, kết nối nhà mua hàng Mỹ với nhà sản xuất Việt Nam; làm đại diện tại Mỹ cho một số nhà máy, DN trong nước. Mô hình này khá hiệu quả nên sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng tại Thái Lan |
Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), người có nhiều năm xúc tiến đưa hàng Việt Nam sang Hàn Quốc, đã đúc kết DN muốn bán hàng vào những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật, châu Âu, Mỹ… trước tiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn của họ. VKBIA là cánh tay nối dài của các DN Việt trong việc liên kết với các tập đoàn nước ngoài, mang sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài và đem về giá trị thực cho DN Việt, phát triển hàng Việt. "VKBIA mong muốn thành lập trung tâm xúc tiến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại Hàn Quốc để tăng cường phối hợp với các tập đoàn phân phối lớn của Hàn Quốc lẫn DN của người Việt tại đây nhằm giới thiệu thêm nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đến thị trường Hàn Quốc" - ông Linh bày tỏ. Ở góc độ DN, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO thương hiệu cà phê Meet More (Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu), bộc bạch công ty ông từng mất rất nhiều thời gian để thâm nhập thị trường Úc, Mỹ. "Thời gian đầu, chúng tôi thất bại do không đủ nguồn lực tài chính để đồng hành với DN nước ngoài làm marketing cho sản phẩm nên đã chuyển hướng chiến lược sang chọn nhà phân phối là các DN của người Việt tại nước ngoài. Đến nay, 80% đối tác tại nước ngoài của công ty là DN của người Việt, việc hợp tác phân phối hàng hóa rất thuận lợi. Trong đó, có một nhà phân phối lớn tại châu Âu không chỉ nhập cà phê mà còn nhập sản lượng lớn bưởi, dừa… từ Việt Nam" - ông Luận cho biết. Từ thành công của DN mình, CEO Meet More chỉ ra yếu tố quan trọng nhất để phát triển hàng Việt ở thị trường nước ngoài là chọn đúng nhà phân phối. Bên cạnh đó, cần đánh đúng vào tinh thần dân tộc, niềm tự hào khi tiêu dùng hàng Việt chất lượng. "Thay vì kêu gọi ưu tiên dùng hàng Việt, chúng tôi đổi slogan thành "tự hào dùng hàng Việt" và đã thuyết phục được những ông chủ người Việt lẫn cộng đồng người Việt ở nước ngoài" - ông Luận đúc kết. Cần chiến lược lâu dài Trao đổi trực tuyến tại hội nghị, các đại sứ, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhấn mạnh cần có chiến lược lâu dài để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động. Ông Phan Chí Thành, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Thái Lan, thông tin Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Hàng Việt đang đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của thị trường Thái. "Triển vọng đối với thị trường Thái Lan rất sáng sủa. Các DN kiều bào tại Thái Lan phát triển tốt và có tiềm lực lớn. Đơn cử, trong lĩnh vực sắt thép, tôn, các DN Việt kiều chiếm thị phần tương đối lớn ở Thái. Tuy nhiên, chưa phát huy được sự kết nối giữa DN kiều bào và DN trong nước" - ông Thành nêu. Trả lời câu hỏi làm sao gia tăng hiệu quả tiêu dùng hàng Việt trên thế giới, các tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, Úc, Nhật… cho rằng các DN có thể tận dụng khai thác các khu vực đông người gốc Việt và người gốc Á sinh sống, có kế hoạch đưa hàng vào hệ thống phân phối của người gốc Việt… Ông Nguyễn Phú Hòa - Tham tán Thương mại, Phó Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Úc - cho biết thời gian qua, thương vụ Việt Nam tại Úc đã phối hợp chặt chẽ với các DN để quảng bá hàng hóa Việt, giúp bán nông sản Việt với giá cao hơn. Ông Hòa dẫn chứng gạo ST25 của Việt Nam đã phủ khắp nước Úc, sầu riêng Việt Nam cũng thâm nhập thị trường thành công. Sắp tới, thương vụ sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến tiêu thụ quả vải, nhãn, dừa Việt Nam, mở ra triển vọng thâm nhập thị trường Úc. "Các DN Việt nên tích cực tham gia các hội chợ quốc tế để tiếp cận thị trường, thu thập thông tin, giới thiệu chào hàng với các nhà mua hàng quốc tế. Nếu không có điều kiện tham gia trực tiếp, DN có thể gửi thông tin đến thương vụ để được hỗ trợ chào hàng. Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các DN có tâm huyết để cùng nhau xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt" - ông Hòa đề nghị. Đại diện Bộ Ngoại giao, ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ, góp ý cần thúc đẩy thành lập các hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài để làm đầu mối, kết nối kênh tiêu thụ hàng Việt và phòng tránh rủi ro thị trường. “Hiện người Việt đang sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã có hàng chục hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Các hội này cần nâng cao năng lực hoạt động, mở rộng khả năng quy tụ DN để hỗ trợ nhau đồng thời phát triển hàng Việt ở thị trường quốc tế” - ông Hùng nhấn mạnh. |
Bài và ảnh: Phương An Người lao động
|