Thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp sẽ vận hành trong tháng 7
Đó là chia sẻ của bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tại Tọa đàm Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán do Báo Đầu tư tổ chức sáng 15/06/2023.
Ảnh chụp màn hình
|
Theo chia sẻ của bà Tạ Thanh Bình, Ủy ban đang xây dựng đề án chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2030.
Ý tưởng quan trọng của đề án là phát triển bền vững không chú trong vào tăng trưởng quy mô số lượng mà đi vào chất lượng để nâng khả năng chống chịu của thị trường với biến động của khách quan. Một trụ cột chính là chất lượng hàng hóa, theo đó, chất lượng quản trị công ty niêm yết được chú trọng.
Nội dung thứ hai là trong từng thị trường riêng biệt phải cố gắng tạo sản phẩm tốt hơn. Bà Bình dẫn chứng là thị trường chứng khoán phái sinh có nhiều biến động mạnh vì số lượng hàng hóa quá ít. Trên thị trường phái sinh hiện tại chỉ có 1 sản phẩm, nhà đầu tư quan tâm quá mức dẫn tới giao dịch sản phẩm thái quá.
Bà Bình chia sẻ sắp tới có thể thị trường phái sinh sẽ có một số sản phẩm mới như hợp đồng tương lai chỉ số VN100, hợp đồng tương lai một số tài sản cơ sở khác như cổ phiếu và hợp đồng quyền chọn.
Đồng thời, việc sớm đưa hệ thống KRX vào vận hành sẽ giúp triển khai sản phẩm mới và giám sát thị trường dựa trên tiến bộ của công nghệ thông tin.
Trong tháng 7 tới, UBCKNN sẽ đưa vào vận hành thị trường thứ cấp cho trái phiếu phát hành riêng lẻ. Thị trường này sẽ góp phần giải quyết nút thắt của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Khi thị trường vận hành, công ty chứng khoán thành viên sẽ kiểm soát tốt thành phần nhà đầu tư tham gia thị trường, đúng nghĩa là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ngoài ra, thị trường thứ cấp cũng sẽ tăng minh bạch cho trái phiếu doanh nghiệp và tăng tiếp cận từ đơn vị phát hành tới nhà đầu tư để nâng chất lượng thanh toán, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Song song đó, UBCKNN cũng đang đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc thị trường theo lộ trình Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ còn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức giao dịch trái phiếu và phái sinh.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có sự phát triển tương đối nhanh trong những năm gần đây và đạt được một số kết quả nhất định, quy mô thị trường chiếm khoảng 12.6% GDP năm 2022. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nhanh, thị trường đã giảm sút về thanh khoản, năm 2022 phát hành TPDN riêng lẻ giảm gần 45% so với năm trước, đạt 337 ngàn tỷ đồng, và quý 1/2023 chỉ đạt hơn 25 ngàn tỷ đồng.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai hoạt động thị trường trái phiếu năm 2023 tổ chức ngày 26/04, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính đánh giá, thị trường TPDN còn một số yếu tố nội tại cần khắc phục về cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư. Có hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật doanh nghiệp để phát hành TPDN với khối lượng lớn. Tính phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường tín dụng, trái phiếu, bất động sản ở mức cao, dẫn đến khi một thị trường gặp khó, sẽ kéo theo các thị trường khác. Vì vậy, cần thúc đẩy hoạt động của các nhà đầu tư tổ chức, giảm nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm bình ổn thị trường, nâng tính thanh khoản và nâng cao hiệu quả giám sát để minh bạch thị trường và sẽ thực thi các biện pháp để các doanh nghiệp nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, chủ động cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có dư nợ TPDN đến hạn lớn, yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý giám sát.
Yến Chi
FILI
|