S&P 500 gần như đi ngang trước nhận định mới nhất của Chủ tịch Fed
Chỉ số S&P 500 gần như đi ngang vào ngày thứ Tư (28/06), khi nhà đầu tư xem xét nhận định mới nhất về chính sách tiền tệ từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones mất 74.08 điểm (tương đương 0.22%) còn 33,852.66 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0.04% xuống 4,376.86 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.27% lên 13,591.75 điểm.
Ông Powell vào ngày thứ Tư cho biết chính sách hạn chế hơn vẫn sẽ được đưa ra khi Fed tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, bao gồm khả năng nâng lãi suất tại các cuộc họp tiếp theo. Ông Powell đã phát biểu trước một hội thảo với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) Andrew Bailey, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda tại Diễn đàn ECB về Ngân hàng Trung ương ở Sintra, Bồ Đào Nha.
Kim Forrest của Bokeh Capital Partners chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều đang xem xét những nhận định từ 4 ngân hàng trung ương lớn. Và có vẻ như thị trường thực sự muốn tăng cao hơn, nhưng nhìn chung, thông điệp ‘chúng ta cần có lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn’ là đóng vai trò như giới hạn kìm hãm đà tăng ngày hôm nay”.
Nhóm cổ phiếu các công ty sản xuất con chip ghi nhận sắc đỏ một ngày sau khi Wall Street Journal đưa tin rằng Mỹ đang xem xét những hạn chế xuất khẩu mới sang Trung Quốc. Cổ phiếu Nvidia, vốn được lợi từ trí tuệ nhân tạo, giảm hơn 1% và chứng chỉ quỹ iShares Semiconductor ETF cũng giảm.
Tuy nhiên, Nasdaq Composite đã đi ngược xu hướng và khép phiên tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp. Cổ phiếu Alphabet tiến hơn 1%, còn cổ phiếu Tesla tăng hơn 2%. Cổ phiếu Netflix vọt hơn 3%.
Nhà đầu tư đang chuẩn bị khép lại nửa đầu năm thành công nhất đối với Nasdaq Composite trong 40 năm qua, khi họ đón nhận làn sóng lạc quan xung quanh trí tuệ nhân tạo đã hỗ trợ đáng kể cho một số cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 14% và gần 30% từ đầu năm đến nay.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|