Khối ngoại có tháng thứ 2 bán ròng mạnh liên tiếp trên HOSE
Các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) tiếp tục bán ròng mạnh trong tháng 5 trên HOSE, làm đảo chiều trạng thái mua ròng từ đầu năm. Trong khi đó, trên HNX, khối ngoại đã quay lại mua ròng.
Theo thống kê từ VietstockFinance, trên HOSE, phe bán chiếm ưu thế trong phần lớn các phiên giao dịch của tháng 5 với mức bán ròng xấp xỉ 2,969 tỷ đồng, chỉ có 6/20 phiên khối ngoại mua ròng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã đảo chiều sang bán ròng 470 tỷ đồng.
Còn trên HNX, khối ngoại đã quay lại mua ròng ở mức 113 tỷ đồng trong tháng 5. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại vẫn duy trì lực mua ròng ở mức 1,110 tỷ đồng.
Động thái bán ròng của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào vùng trũng thông tin trong tháng 5, chủ yếu vận động trong biên độ hẹp xuyên suốt tháng. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái hạ lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm, nhưng chưa đủ sức khiến cho thị trường bứt phá.
Kết phiên ngày 31/05, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1,075.17, tăng nhẹ 3% so với đầu năm cũng như so với đầu tháng. Thanh khoản thị trường có sự cải thiện, khối lượng giao dịch trung bình đạt 726 triệu đơn vị/phiên, tăng gần 11% so với tháng trước; trong khi đó, giá trị giao dịch ở mức 12.2 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với trung bình tháng trước.
Các quỹ ETF ngoại cũng bán ròng mạnh trong suốt tháng 5 và nhiều quỹ vẫn có tỷ trọng tiền mặt khá thấp, chưa giải ngân thêm vào thị trường. Đơn cử, quỹ “triệu đô” VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) đã bán ròng liên tục nửa đầu tháng 5 và gần như không giao dịch trong tuần 19-25/05/2023. Tính tới ngày 31/05, tổng tài sản quản lý (AUM) của quỹ này ở mức 503.31 triệu USD. Tỷ trọng phân bổ vào cổ phiếu Việt Nam ở mức 99.9%, tỷ trọng tiền mặt rất nhỏ.
Một quỹ ngoại “tỷ đô” khác thuộc nhóm Dragon Capital là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng duy trì tỷ lệ tiền mặt nhỏ trong danh mục đầu tư. Theo báo cáo cập nhật tới ngày 18/05, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục đầu tư của quỹ này ở mức 0.97%, thấp hơn so với mức 1.45% hồi đầu tháng. Giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ tại thời điểm trên ở mức 1,691 triệu USD.
Trên HOSE, có 5 trong top 10 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất thị trường thuộc nhóm ngân hàng. Trong đó, hai cổ phiếu CTG và EIB bị bán ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt là 909 tỷ đồng và 776 tỷ đồng. Còn lại là một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VNM, NVL, MSN, DPM và KBC. Trong đó, cổ phiếu NVL được SSI Research dự báo có thể bị loại bỏ khỏi FTSE Vietnam Index do cổ phiếu thuộc diện bị cảnh báo trong đợt review danh mục quý 2/2023.
Chiều ngược lại, cổ phiếu STG của CTCP Kho vận Miền Nam được mua ròng nhiều nhất trên HOSE với tổng giá trị 1,285 tỷ đồng. Tại phiên 19/05, cổ phiếu này có hai lệnh mua thỏa thuận với khối lượng lần lượt hơn 10.8 triệu cp và gần 13.7 triệu cp tại cùng mức giá 52,500 đồng/cp. Tổng số cổ phiếu được mua đạt gần 24.5 triệu cp, tương ứng gần 25% vốn của STG. Bên mua là PSA Cargo Solutions Vietnam Investment Pte. Ltd, thành lập vào ngày 19/05/2022 tại Singapore.
Cổ phiếu nhóm “Vin” như VIC hay VHM cũng lọt top mua ròng nhiều nhất trên HOSE. Tháng 5 vừa qua, ghi nhận quỹ iShares MSCI Frontier & Select EM ETF có hai tuần liên tiếp mua ròng 2 cổ phiếu này với hơn 1.6 triệu cp VHM và hơn 1.35 triệu cp VIC. Ngoài ra, quỹ này cũng mua vào gần 2.7 triệu cp HPG trong tuần từ 19-26/05.
Trên HNX, cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất là VCS, bên bán chiếm giá trị áp đảo, giá trị bán ròng đạt gần 21.5 tỷ đồng. Cổ phiếu PVS xếp sau với hơn 16 tỷ đồng. Thứ 3 là cổ phiếu BVS với hơn 13 tỷ đồng.
Chiều mua, hai cổ phiếu bất động sản là CEO và DTD được mua ròng nhiều nhất, tương ứng khoảng 55 tỷ đồng và hơn 51 tỷ đồng.
Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường tại Chứng khoán KBSV, các quỹ ngoại thường đầu tư theo phương pháp “top-down”, do đó, với điều kiện vĩ mô kém tích cực, thị trường Việt Nam sẽ kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Song song đó, việc NHNN hạ lãi suất điều hành có thể dẫn đến rủi ro mất giá của VND so với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Điều này lý giải vì sao khối ngoại bán ròng trong suốt thời gian vừa qua.
Vị chuyên gia từ KBSV cho biết thêm, nếu tỷ giá không có dấu hiệu mất giá quá mạnh trong thời gian tới nhờ ngoại hối dồi dào đi cùng với sự hồi phục về mặt vĩ mô thông qua các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và NHNN, kỳ vọng khối ngoại có thể quay trở lại.
Duy Khánh
FILI
|