HFIC lãi gần 4.5 ngàn tỷ năm 2022
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) công bố tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận so với thực hiện năm trước.
Cụ thể năm 2022, HFIC ghi nhận doanh thu gần 11.2 ngàn tỷ đồng, tăng 54% so với thực hiện năm 2021. Khấu trừ cho giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 2.39 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 57%.
Nhiều chỉ tiêu khác của doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh. Trong đó, hoạt động đầu tư góp vốn mang về 95 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 494 tỷ đồng); lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết đạt 833 tỷ đồng, gấp 2.68 lần cùng kỳ.
Đáng chú ý nhất, Doanh nghiệp ghi nhận hoàn nhập dự phòng rủi ro cho vay tới gần 1.97 ngàn tỷ đồng (cùng kỳ mất 1.91 ngàn tỷ đồng). Đây là một trong những nguyên nhân chính giúp doanh nghiệp lãi ròng tới gần 4.5 ngàn tỷ đồng trong năm 2022 (cùng kỳ lỗ 939 tỷ đồng).
Thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của HFIC đạt 16.2 ngàn tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Trong đó, Doanh nghiệp nắm giữ 2.5 ngàn tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương, cùng hơn 1.07 ngàn tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Tồn kho cuối kỳ đạt 225 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm.
Về các khoản đầu tư, thời điểm cuối năm 2022, giá trị các khoản đầu tư vào công ty liên kết của HFIC lên tới hơn 4.4 ngàn tỷ đồng. Trong đó nhiều nhất là CTCP Chứng khoán TP.HCM (HOSE: HCM) với giá trị ghi sổ hơn 1.7 ngàn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 20.8%). Tuy nhiên, Công ty cũng ghi nhận giá trị hơn 209.5 tỷ đồng giá trị HCM trong khoản chứng khoán kinh doanh.
Theo giải thích tại thuyết minh, đây là số lượng cổ phiếu HCM mà HFIC chưa chuyển nhượng hết (10.47 triệu cp) theo nghị quyết ngày 27/06/2019. Công ty sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn trong năm 2023 với số lượng cổ phiếu này.
Trong khi đó, Công ty chuyển 32.8 triệu cp HCM (đợt phát hành tăng vốn năm 2021) sang phân loại cùng số lượng đã đầu tư trước đây (95.3 triệu cp) vào khoản mục đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Nếu tính cả số cổ phần chưa chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu tại HCM của HFIC là 23.09%.
Nguồn: HFIC
|
Các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết của HFIC
Nguồn: HFIC
|
Đứng thứ 2 là Cholimex (UPCoM: CLX) với giá trị 762 tỷ đồng (chiếm 49% tỷ lệ biểu quyết).
Doanh nghiệp cũng sở hữu nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp khác, như REE, CII, TDH, HDB, VAB, EIB, CLW, GDW…
Nợ xấu cuối kỳ ghi nhận 84 tỷ đồng, nhưng giá trị có khả năng thu hồi chỉ 19.7 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ vay cuối kỳ đạt 1.6 ngàn tỷ đồng, giảm 9%. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm 190 tỷ đồng, còn lại là nợ dài hạn là khoản vay lại từ Bộ Tài chính, chủ yếu dành cho 2 dự án HDP (687 tỷ đồng) và dự án LDIF (453 tỷ đồng).
Châu An
FILI
|