DSC: Cổ đông lớn nhất muốn nhượng 70 triệu quyền mua cp trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu
Ngày 21/06, CTCP Đầu tư NTP, tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Đức Anh - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán DSC (UPCoM: DSC) đăng ký bán toàn bộ 70 triệu quyền mua cp DSC trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Về mối liên hệ, ông Nguyễn Đức Anh là Chủ tịch HĐQT DSC, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư NTP. Hiện, ông Đức Anh chỉ trực tiếp nắm giữ gần 1.5 triệu cp DSC (tỷ lệ 1.5%).
Ông Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1995) giữ chức Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DSC từ năm 2021 đến nay
|
Nếu thành công trong việc đăng ký bán toàn bộ 70 triệu quyền mua, Đầu tư NTP sẽ không còn quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu của DSC. Khi đó, khả năng cao cơ cấu cổ đông của DSC cũng sẽ có biến động lớn sau đợt chào bán trên. Tỷ lệ sở hữu của Đầu tư NTP có thể giảm tối đa xuống còn 35%.
Theo danh sách cổ đông ngày 20/03/2023 do VSD cung cấp, cơ cấu cổ đông lớn của DSC gồm Đầu tư NTP đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 70 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 70% vốn. Cá nhân Văn Lê Hằng nắm hơn 10% (hơn 10 triệu cp).
Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 của DSC
|
Có thể nói động thái đăng ký bán quyền mua của Đầu tư NTP gây bất ngờ khi thị giá DSC (kết phiên 21/06 là 22,200 đồng/cp) cao hơn gấp đôi so với giá chào bán cho cổ đông (10,000 đồng/cp).
Chiều ngược lại, cùng ngày 21/06, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Thành viên HĐQT DSC đăng ký mua hơn 3 triệu quyền mua cổ phiếu DSC trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu. Hiện, bà Hà đang nắm giữ gần 1.5 triệu cp DSC (tỷ lệ 1.5%). Nếu mua thành công, số lượng cổ phiếu dự kiến mua tương ứng với số quyền mua sau khi giao dịch trên 6 triệu cp.
Theo kế hoạch ban đầu, giữa tháng 12/2022, HĐQT DSC đã thông qua phương án phát hành 100 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, cổ đông sở hữu 1 cp được mua 1 cp phát hành thêm. Số cổ phần phát hành thêm sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Đợt phát hành được dự kiến thực hiện trong quý 1/2023. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của DSC sẽ tăng gấp đôi lên 2,000 tỷ đồng.
Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán 1,000 tỷ đồng sẽ được DSC dùng 49% - tương đương 490 tỷ đồng - để bổ sung dòng tiền cho vay ký quỹ (margin); 49.5% tổng số tiền (495 tỷ đồng) sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh. Còn lại 1.5% được sử dụng vào các mục đích như bổ sung vốn nâng cao năng lực tài chính; bổ sung vốn cho việc cung cấp dịch vụ; bổ sung vốn cho các hoạt động hợp pháp khác. Thời gian dự kiến sử dụng trong năm 2023.
Mục tiêu lãi trước thuế 97 tỷ, quý 1 thực hiện hơn 14%
Điểm lại kết quả kinh doanh, quý 1/2023, DSC có doanh thu hoạt động hơn 67.4 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính kỳ này tăng tới 31%, lên hơn 26 tỷ đồng. Hệ quả, lãi sau thuế 3 tháng đầu năm giảm 19%, còn hơn 11 tỷ đồng.
Năm 2023, DSC đặt mục tiêu tổng doanh thu 281 tỷ đồng. Lãi trước thuế dự kiến 97 tỷ đồng, gấp gần 2.3 lần so với thực hiện năm 2022. Với kết quả lãi trước thuế hơn 14 tỷ đồng trong quý 1, Công ty đã thực hiện hơn 14% kế hoạch lợi nhuận năm.
Lãi ròng hàng quý của DSC giai đoạn 2020 đến nay |
|
Kết phiên 21/06, giá cổ phiếu DSC dừng ở mức 22,200 đồng/cp, tăng gần 24% so với đầu năm với khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 137 ngàn cp/ngày. Tuy nhiên, nếu so với mức đỉnh 56,900 đồng/cp (phiên 22/11/2022), thị giá vẫn thấp hơn 61%.
Diễn biến giá cổ phiếu DSC từ đầu năm 2023 đến nay |
|
Chứng khoán DSC tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng. Cuối năm 2020, Công ty đổi chủ khi cổ đông lớn là CTCP Việt Nam Equity và CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng thoái vốn. Thay vào đó là 3 cá nhân gồm ông Nguyễn Đức Anh, ông Tạ Văn Mạnh và bà Nguyễn Thị Thu Hà.
Tháng 3/2021, ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Chứng khoán Đà Nẵng thông qua đổi tên thành CTCP Chứng khoán DSC, đồng thời chuyển trụ sở chính về tòa Thành Công Building ở số 80 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đến tháng 8/2021, DSC phát hành thành công 94 triệu cp, tăng mạnh vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 1,000 tỷ đồng.
|
Thế Mạnh
FILI
|