Thứ Sáu, 30/06/2023 16:00

Dịch vụ

ĐHĐCĐ Vinapharm: Bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dược phẩm

Sáng ngày 30/6/2023, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP (Mã chứng khoán DVN – sàn UPCoM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Vinapharm có tân Tổng Giám đốc sau khi chuyển sang SCIC

Ngày 2/6/2023, quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP (Vinapharm) đã được chuyển giao từ Bộ Y tế sang SCIC.

Việc chuyển giao vốn Nhà nước tại Vinapharm được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 471/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2023 về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước về SCIC.

Sau khi chuyển giao đơn vị quản lý về SCIC, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Vinapharm đã xem xét, thông qua sửa đổi, bổ sung Điều lệ và một số Quy chế hoạt động để đáp ứng yêu cầu về quản trị của Vinapharm trong thời gian tới. Theo Điều lệ mới được Đại hội thông qua, Vinapharm thay đổi người đại diện pháp luật từ Chủ tịch HĐQT sang Tổng Giám đốc.

Cũng tại Đại hội, Vinapharm đã thực hiện kiện toàn lại Ban lãnh đạo. Trong đó, số lượng thành viên HĐQT sau khi bầu bổ sung là 6 thay vì 5 thành viên như trước đây, số lượng thành viên Ban Kiểm soát mới là 4 thay vì 3 thành viên như trước đây.

Ông Đinh Xuân Hấn được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Văn Sơn nghỉ hưu theo chế độ. Đồng thời HĐQT Vinapharm bổ nhiệm bà Hàn Thị Khánh Vinh đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc và trở thành người đại diện theo pháp luật của Vinapharm.

Theo tìm hiểu, bà Hàn Thị Khánh Vinh sinh năm 1975, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Kế toán Quốc tế tại Trường Đại học Công nghệ Swinburne – Melbourne (Úc), và là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kế toán, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà có hơn 27 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Tài chính Kế toán và có hơn 7 năm gắn bó, làm việc và nắm giữ vị trí Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính và Đầu tư tại Vinapharm. Bà Hàn Thị Khánh Vinh là thành viên chủ chốt cùng Ban lãnh đạo điều hành hoạt động của Vinapharm và quản trị, quản lý các công ty thành viên, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường vị thế của Vinapharm trên thị trường dược phẩm trong và ngoài nước.

Hàn Thị Khánh Vinh, tân Tổng Giám đốc Vinapharm.

Hàn Thị Khánh Vinh hiện giữ các chức vụ gồm thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc tại Vinapharm, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (mã DP1), thành viên HĐQT CTCP Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam, thành viên HĐQT CTCP Sanofi Việt Nam, thành viên HĐQT CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) và thành viên HĐQT CTCP Dược phẩm OPC (mã OPC).

Trên cương vị mới cùng với kinh nghiệm lãnh đạo tại các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh, phân phối dược phẩm, cũng như sự am hiểu tại Vinapharm trong nhiều năm qua, bà Hàn Thị Khánh Vinh được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp Vinapharm gặt hái được nhiều thành công mới.

Phát biểu tại Đại hội, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cung cấp một số thông tin chung về ngành Dược Việt Nam, các chính sách mới được Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang rà soát, sửa đổi nhằm thúc đẩy ngành Dược Việt Nam phát triển, đồng thời chia sẻ niềm tin của Cục trưởng về sự phát triển của Vinapharm sau khi được chuyển giao về SCIC quản lý: “Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống và những tiềm lực đã được Tổng công ty xây dựng trong hơn nửa Thế kỷ, với sự quản lý phần vốn chuyên nghiệp của SCIC, cùng với quyết tâm của Chính phủ, Bộ Y tế trong nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính nhằm phát triển ngành Dược Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành công hơn nữa trên con đường hội nhập và phát triển, góp phần để người dân Việt Nam được sử dụng thuốc có chất lượng cao với giá thành hợp lý”.

Ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc SCIC

Bên cạnh đó, với tư cách là cổ đông đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty, phát biểu tại Đại hội, ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc SCIC đã phát biểu chỉ đạo: “Về phía SCIC, chúng tôi nhận thức rõ với vai trò cổ đông, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành với Tổng công ty Dược Việt Nam; về cơ chế, Tổng công ty Dược Việt Nam sau khi chuyển giao về SCIC sẽ không còn là doanh nghiệp Nhà nước theo nghĩa của Luật Doanh nghiệp, mà giờ Tổng công ty Dược Việt Nam sẽ là doanh nghiệp do doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có vốn đầu tư tại đó, việc ra các Quyết định quản trị liên quan tới thoái vốn, phân chia lợi nhuận… sẽ theo một cơ chế hoàn toàn mới, cơ chế nhanh hơn, gọn hơn. SCIC với tư cách là một doanh nghiệp quản lý trong danh mục đầu tư khoảng 120 doanh nghiệp, SCIC cam kết hỗ trợ kết nối để Tổng công ty Dược Việt Nam có thêm nhiều cơ hội hợp tác để đầu tư trong thời gian tới. Với tư cách cổ đông lớn, SCIC đề nghị HĐQT, Ban điều hành cần sớm xây dựng đề án tái cơ cấu; đầu tư, phát triển hệ thống phân phối; sắp xếp lại các khu đất đang quản lý và sử dụng theo Nghị định 167 và 67 của Chính phủ, đồng thời rà soát, ban hành những quy trình, quy chế để nâng cao hiệu quả quản trị, thích ứng với bối cảnh quản trị mới”.

Lên kế hoạch lãi tăng mạnh trong năm 2023

Bên cạnh kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo, về kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023, Vinapharm đã đặt kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập 5,917.8 tỷ đồng, tăng 4.34% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 334.52 tỷ đồng, gấp 2.5 lần lợi nhuận thực hiện trong năm 2022.

Vinapharm đặt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trên cơ sở các thông tin dự báo doanh thu ngành dược Việt Nam trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 8%, đạt 169 nghìn tỷ đồng (7.2 tỷ USD).

Đối với hoạt động tái cơ cấu giai đoạn 2023-2026, Vinapharm đang nghiên cứu phương án để tăng sở hữu tại các đơn vị thành viên có tốc độ tăng trưởng tốt, tỷ lệ cổ tức cao, định hướng phát triển bền vững; tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp dược ngoài danh mục các đơn vị thành viên hiện tại để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn và tận dụng các cơ hội đầu tư tốt trên thị trường; rà soát, nghiên cứu, đánh giá và xem xét việc thoái vốn tại những công ty hoạt động kém hiệu quả và/hoặc không phù hợp chiến lược để thu hồi vốn đầu tư và sử dụng nguồn vốn này để đầu tư vào các công ty/dự án khác có hiệu quả cao hơn.

Trên thị trường chứng khoán, giá mở cửa phiên giao dịch ngày 30/6, cổ phiếu DVN đang được giao dịch ở mức 18,600 đồng/cổ phiếu.

FILI

Các tin tức khác

>   PHP: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (30/06/2023)

>   HEJ: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (30/06/2023)

>   HEJ: Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt nam-CTCP (Thay đổi lần thứ 8) đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. nhiệm kỳ 2022-2027 thông qua (30/06/2023)

>   ĐHĐCĐ ITD 2023: "Nóng” chuyện công nợ (30/06/2023)

>   SSH: Đính chính Nghị quyết Hội đồng quản trị số 10/2023/SSH/NQ-HĐQT ngày 23/06/2023 (30/06/2023)

>   VOC: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (30/06/2023)

>   VGV: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (30/06/2023)

>   ACB: Nghị quyết HĐQT về việc sửa đổi nội dung vốn điều lệ tại điều lệ công ty (30/06/2023)

>   ILS: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (30/06/2023)

>   HII: Thông báo ký kết hợp đồng kiểm toán BCTC 2023 (30/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật