ĐHĐCĐ DPM: Kế hoạch lãi 2.25 ngàn tỷ và trả cổ tức 40% trong năm 2023
Sáng ngày 26/06, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo, HOSE: DPM) được tổ chức, với nội dung xoay quanh kế hoạch kinh doanh và phương án phân bổ lợi nhuận.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) được tổ chức vào sáng ngày 26/06
|
Nhìn lại năm 2022, hãng phân bón lớn nhất Việt Nam vừa trải qua giai đoạn kinh doanh thuận lợi nhất từ trước đến nay. “Thị trường phân bón thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch và chiến sự tại Ukraine đã hạn chế nguồn cung phân bón nhập khẩu, đẩy mức giá bán sản phẩm lên cao. Điều này giúp cho biên lợi nhuận của các nhà sản xuất phân bón trong nước tăng lên”, ông Lê Cự Tân, Tổng Giám đốc DPM, cho biết.
Trong môi trường đó, Đạm Phú Mỹ lãi ròng gần 5.6 ngàn tỷ đồng và dự định chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 70%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu nhận được 7,000 đồng.
Trước đó, DPM đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 40% nên chỉ phải chia 30% cổ tức tiền cho cổ đông. Dự kiến, DPM phải chi ra 1,173 tỷ đồng để trả phần cổ tức còn lại.
Kế hoạch lãi sau thuế 2,250 tỷ đồng, trả cổ tức 40%
Bước sang năm 2023, tình hình kinh doanh đã trở nên thách thức hơn với Đạm Phú Mỹ.
Ông Tân chia sẻ: “Năm 2023 diễn ra trong bối cảnh các yếu tố về thị trường phân bón, giá khí có những khó khăn tiếp nối từ quý cuối năm 2022 cùng với những tác động của tình hình chính trị thế giới. Đặc biệt, về nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn, các nguồn khí giá rẻ sụt giảm sản lượng”.
Vì thế, DPM đặt kế hoạch giảm so với cùng kỳ, với doanh thu hợp nhất đạt 17,372 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2,250 tỷ đồng. Tuy vậy, mức chi trả cổ tức năm 2023 vẫn dự kiến ở mức cao 40%.
Nguồn: DPM
|
Về hoạt động đầu tư, DPM dự kiến chi ra 492 tỷ, trong đó 282 tỷ đồng dùng để mua sắm tài sản, trang thiết bị và 209 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản.
Trả lời thắc mắc của cổ đông về kế hoạch đầu tư 5 năm tới, Chủ tịch Hoàng Trọng dũng ước tính lượng vốn DPM cần khoảng 7,000 tỷ đồng để đầu tư các dự án. Công ty sẽ cân đối từ vốn từ có và vốn vay.
Cụ thể, với dự án FS H2O2 dự kiến có công suất là 40,000 tấn, tổng vốn đầu tư cần là 800 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho rằng đây là dự án tiềm năng khi khai thác lợi thế sẵn có của nhà máy Đạm Phú Mỹ là nguồn hydro.
Dựa trên nguồn khí CO2 và amoniac sẵn có, DPM cũng đang dự kiến thực hiện dự án với công suất sơ bộ 200,000 tấn/năm. Công ty dự định nghiên cứu trong năm nay, nếu được thì 2024 - 2026 sẽ triển khai thực hiện và bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối 2026.
Dự án nhựa melamin dự kiến có quy mô đầu tư 33 tỷ đồng, sản xuất từ dung dịch ure, cũng dựa trên chuỗi công nghệ sẵn có của nhà máy. Vị lãnh đạo đánh giá nhu cầu các sản phẩm trên trong nước khá tốt, riêng melamin công ty đang tìm kiếm các thị trường nước ngoài để giải tỏa công suất tiêu thụ.
Ngoài ra, DPM còn dự định làm dự án thu gom khí để sản xuất ra khí hydro, heli từ nguồn sẵn có trong phân xưởng amoniac. Sản phẩm cho ra để phục vụ sản xuất oxy già.
Phát hành cổ phiếu tăng vốn
Đại hội cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, mục đích là để đảm bảo tình hình chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ của công ty tại ngày 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu đạt 13,779 tỷ đồng, cao gấp 3.5 lần vốn điều lệ là 3,914 tỷ đồng.
Theo tiết lộ của ông Hoàng Trọng Dũng, Chủ tịch HĐQT DPM, việc tăng vốn có thể được thực hiện dưới hình thức cổ phiếu thưởng.
Tại đại hội lần này, ông Louis Nguyễn miễn nhiệm Thành viên HĐQT, còn ông Lê Cự Tân hết nhiệm kỳ Thành viên HĐQT. Do đó, ĐHĐCĐ bầu bổ sung ông Nguyễn Ngọc Anh và ông Hồ Quyết Thắng vào HĐQT.
Thiên Vân
FILI
|