Đẩy mạnh những mặt hàng Việt Nam có lợi thế
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 1,286 tỉ USD, tăng 78% so với cùng kỳ 2022; cao nhất trong các thị trường xuất khẩu rau quả.
Do đó, đại diện Vinafruit dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể đạt mức 2,5 tỉ USD nhờ sự đóng góp của mặt hàng mới là sầu riêng và loại quả này vẫn đang thu hoạch nhiều từ nay đến tháng 11. Ngoài ra, còn có chuối, xoài, vải thiều…, mỗi mặt hàng vài trăm triệu USD.
Dù vậy, Tổng Thư ký Vinafruit đánh giá ngành rau quả Việt Nam chưa khai thác hết lợi thế khi mới là nguồn cung cấp thứ 3 cho Trung Quốc (sau Chile và Thái Lan) và khoảng cách còn khá xa. Do đó, cần tổ chức lại sản xuất bài bản theo yêu cầu thị trường Trung Quốc về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc mới nâng giá trị xuất khẩu mỗi năm lên 5 tỉ USD. "Đặc biệt, công tác đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc với trái cây tươi cần tiếp tục với những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc có nhu cầu cao như bưởi, dừa tươi, dứa, chanh leo…" - ông Nguyên nói.
Với ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dư địa tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc còn lớn do nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 23 tỉ USD thủy sản, trong đó Việt Nam mới chỉ chiếm 7% thị phần. Cơ hội để tăng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn nhiều, thậm chí có thể tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu trong 2-3 năm tới, tương đương 2,4-2,7 tỉ USD/năm. Trong vài năm tới, Trung Quốc có thể sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam nhưng áp lực cạnh tranh cũng rất lớn vì các nhà xuất khẩu các nơi cũng đổ về thị trường lớn này. Thủy sản Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế địa lý đẩy mạnh xuất khẩu hàng tươi, sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch, khi thị trường thích nghi với bối cảnh mới. Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, sự kiểm soát chặt chẽ và những hạn chế do dịch COVID-19 đã khiến cho kinh tế và ngành sản xuất kinh doanh của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, sau đại dịch, người tiêu dùng bị giảm thu nhập nên giảm chi tiêu. Bên cạnh đó, ngành sản xuất và chế biến xuất khẩu của Trung Quốc cũng được đặt lên ưu tiên hơn so với nhu cầu nhập khẩu cho tiêu thụ nội địa. Đó là lý do khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 514,5 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Một lý do nữa là lượng tiêu thụ kém, hàng tồn kho của Trung Quốc cũng còn nhiều nên giá nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, bị hạ xuống thấp hơn so với năm 2022. "Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cũng có tín hiệu tốt dần lên vì mỗi tháng đều tăng dần so với tháng trước đó. Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình sẽ sáng sủa hơn khi tồn kho tại Trung Quốc giảm cùng nhu cầu tiêu dùng cho dịp lễ hội cuối năm" - bà Lê Hằng dự báo.
Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam và quốc tế (VIENC), Chủ tịch Tập đoàn 365 Group - nếu muốn giữ vững và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thanh long thì người sản xuất và doanh nghiệp phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm. "Với sản phẩm tiềm năng là sầu riêng, Trung Quốc đang mở rộng khai thác từ nhiều nguồn cung với các phương thức vận chuyển khác nhau cho nên Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành và giữ uy tín sản phẩm" - ông Cường lưu ý.
T.Nhân N.Ánh
Người lao động
|