Thứ Bảy, 24/06/2023 11:15

Đầu tư nâng cấp: Đừng quên các nút thắt cổ chai

Tình trạng khá phổ biến trong nhiều năm qua là sau khi các dự án hạ tầng được đầu tư nâng cấp thì bên trong thông thoáng nhưng lại kẹt ở các nút thắt cổ chai bên ngoài. Hàng ngàn tỉ đồng đầu tư vào các dự án này phải chờ đến vài năm sau khi các dự án hạ tầng kết nối hoàn thành đồng bộ mới phát huy được tác dụng.

Mới đây, phương án mở rộng cao tốc TPHCM-Trung Lương từ bốn làn lên tám làn xe đã được thống nhất với tổng vốn đầu tư gần 9.800 tỉ đồng từ ngân sách đầu tư công. Dự kiến, dự án sẽ khởi công năm 2025 và hoàn thành trong năm 2027.

Đây là một tin vui cho người dân các tỉnh phía Nam vì hiện nay cao tốc này đã quá tải với hơn 50.000 lượt xe/ngày, tai nạn xảy ra khá thường xuyên. Tại nhiều thời điểm ùn tắc, xe chỉ chạy được 60-70 ki lô mét/giờ thay vì 100 ki lô mét/giờ như thiết kế.

Do lượng xe tăng vọt, từ nhiều năm nay cánh tài xế thường xuyên đi trên cao tốc TPHCM-Trung Lương đều ngán ngẩm cảnh kẹt xe ở cả đầu vào lẫn đầu ra cao tốc này. Lý do rất đơn giản là do hạ tầng giao thông bao gồm đường dẫn và các nút giao không đủ khả năng đáp ứng lưu lượng xe lớn dồn từ cao tốc ra.

Ở đầu Tiền Giang, cảnh kẹt xe từ đường dẫn cao tốc vào quốc lộ 1A và ngược lại diễn ra như cơm bữa. Kẹt xe tại đây sẽ gây ùn tắc kéo dài trên quốc lộ 1A có khi kéo dài nhiều cây số.

Kẹt xe còn nghiêm trọng hơn ở đường dẫn ra vào cao tốc này ở phía đầu TPHCM. Đoạn đường dẫn sau khi ra khỏi cao tốc đến nút giao quốc lộ 1A chỉ dài 4 ki lô mét nhưng có tới ba ngã tư cắt ngang phải dừng chờ đèn giao thông. Vì bị giao cắt liên tục như vậy, xe ra khỏi cao tốc bị kẹt thường xuyên kéo dài hàng cây số, đặc biệt là ở nút giao Tân Tạo-Chợ Đệm.

Vì vậy, dự án đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM-Trung Lương lên tám làn xe cần kèm theo kế hoạch đầu tư đồng bộ các đường dẫn, nút giao ở hai đầu ra khỏi cao tốc để hoàn thành cùng lúc. Nếu không, lượng xe tăng cao sẽ gây tắc nghẽn cả hai đầu của cao tốc TPHCM-Trung Lương và như vậy, hiệu quả của gần 10.000 tỉ đồng đầu tư cao tốc lại phải chờ vài năm rất lãng phí.

Một bài học nhãn tiền từ việc đầu tư xong vẫn bị thắt cổ chai là sân bay Tân Sơn Nhất. Tuần qua, tại kỳ họp Quốc hội, một đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, tại sao số lần cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng để nâng cấp đường băng và hạ tầng liên quan lại ít hơn trước khi sửa chữa, từ mức trung bình 44-46 lần cất cánh, hạ cánh mỗi giờ trước khi sửa chữa xuống còn 40-42 lần cất cánh, hạ cánh hiện nay.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc cất hạ cánh với tần suất 44-46 chuyến ở sân bay Tân Sơn Nhất dẫn đến nhà ga quá tải, kết nối trong ngoài nhà ga không đáp ứng được, phải điều chỉnh giảm chuyến bay trong khung giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc.

Dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành từ đầu năm 2022 nhưng các dự án kết nối đường nối vẫn bị chậm trễ dù được phê duyệt từ lâu.

Trong bảy dự án kết nối giao thông để giải tỏa áp lực kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất thì đến cuối năm 2022, mới có dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa được khởi công. Sự không đồng bộ này đã tạo ra nút thắt cổ chai bên ngoài sân bay và góp phần làm vô hiệu hóa hiệu quả của hàng ngàn tỉ đồng đầu tư nâng cao năng lực tiếp nhận máy bay của sân bay Tân Sơn Nhất.

Với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm sẽ được đưa vào hoạt động trong vài năm tới, nếu không chú trọng gỡ các nút thắt cổ chai đồng bộ với các hạ tầng mới, hiệu quả của hàng chục ngàn tỉ đồng đầu tư sẽ phải nằm chờ nhiều năm trước khi phát huy đầy đủ tác dụng. Đây cũng là một dạng lãng phí, từ bài học nhãn tiền của các dự án trước, cơ quan chức năng cần tránh lặp lại đối với các dự án sắp triển khai.

Mục Nhĩ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   ĐBQH: Không được xây dựng do quy hoạch treo khiến người dân bức xúc (21/06/2023)

>   Phương án nào cho cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long? (21/06/2023)

>   Bình Dương: TP Thuận An bắt đầu chi bồi thường dự án Vành đai 3 (20/06/2023)

>   Hà Nội: Hạn chế dân cư ở nội thành phải bằng quy hoạch (19/06/2023)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước đang thi công 1,756 km cao tốc (18/06/2023)

>   Thủ tướng: Mục tiêu thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 là khả thi (18/06/2023)

>   Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 3 dự án giao thông quan trọng (18/06/2023)

>   Khởi công mở rộng đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận, kết nối các điểm du lịch nổi tiếng (17/06/2023)

>   Khởi công tuyến cao tốc gần 45,000 tỷ đồng tại ĐBSCL  (17/06/2023)

>   TP.HCM có thể thu hơn 30.000 tỷ từ khai thác quỹ đất dọc đường vành đai 3 (16/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật