Thứ Năm, 29/06/2023 09:30

CPI bình quân quý 2/2023 tăng 2.41%

Theo Tổng cục Thống kê, giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0.27% so với tháng trước. CPI bình quân quý 2/2023 tăng 2.41% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3.29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4.74%.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4.74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3.29%)

Trong mức tăng 0.27% của CPI tháng 6/2023 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Mười nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0.57%, trong đó: Lương thực tăng 0.09%; thực phẩm tăng 0.72%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0.42%.

- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0.34%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 1.82% (du lịch trong nước tăng 2.11%; du lịch ngoài nước tăng 1%); nhà khách, khách sạn tăng 0.24% do nhu cầu đi du lịch trong dịp hè tăng cao.

- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0.26%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0.09%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0.12%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0.88%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0.18%.

- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0.19%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng điện lạnh do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng. Trong đó, giá quạt điện tăng 1.66% so với tháng trước; giá điều hòa nhiệt độ tăng 0.28%; máy đánh trứng, trộn đa năng tăng 0.61% và thiết bị gia đình lớn có động cơ tăng 0.14%.

- Nhóm giao thông tăng 0.16% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong nước vào ngày 01/6/2023, 12/6/2023 và 21/6/2023 làm cho giá xăng, dầu trong nước tăng 0.5%. Bên cạnh đó, phí thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0.02%; phí học bằng lái xe tăng 0.22%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0.62%. Ở chiều ngược lại, giá nhóm phương tiện đi lại giảm 0.14% so với tháng trước, trong đó giá xe ô tô mới giảm 0.32%; xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0.17%.

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0.16% do thời tiết nắng nóng, oi bức nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng, cụ thể: Giá nước giải khát có ga tăng 0.25% so với tháng trước; giá nước uống tăng lực tăng 0.24%; nước quả ép tăng 0.22%. Bên cạnh đó, rượu các loại tăng 0.01%; bia các loại tăng 0.3% và thuốc hút tăng 0.09%.

- Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0.11% do nhu cầu tiêu dùng tăng vào mùa hè. Trong đó, giá mũ nón tăng 0.24% so với tháng trước; giày dép tăng 0.15%; dịch vụ may mặc tăng 0.21%; dịch vụ giày dép tăng 0.3% và quần áo may sẵn tăng 0.08%.

- Nhóm giáo dục tăng 0.11% do giá dịch vụ giáo dục trung cấp tăng 0.94%, giá dịch vụ giáo dục nghề nghiệp tăng 0.88%; giá văn phòng phẩm tăng 0.16%.

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0.07% do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 04/5/2023. Ở chiều ngược lại, giá gas trong tháng giảm 8.15% so với tháng trước do từ ngày 01/6/2023, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 35,000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 110 USD/tấn (từ mức 555 USD/tấn xuống mức 445 USD/tấn); giá dầu hỏa giảm 2.41%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0.13% do giá thép giảm khi giá quặng sắt trên thị trường thế giới giảm.

- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0.01% do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, nhu cầu thuốc cảm cúm tăng.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0.23% do giá điện thoại cố định và di động giảm.

CPI bình quân quý 2/2023 tăng 2.41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6.03%; giáo dục tăng 5.81%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3.51%; đồ uống và thuốc lá tăng 3.43%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3.36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2.6%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2.23%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2.21%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0.62%.

Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là bưu chính viễn thông giảm 0.47%; giao thông giảm 8.34%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3.29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0.24% so với tháng trước, tăng 4.33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4.74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3.29%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18.27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 9.99% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   GDP quý 2/2023 của Việt Nam tăng 4.14% (29/06/2023)

>   Thủ tướng đề nghị nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao kết nối Việt Nam và Trung Quốc (28/06/2023)

>   Nghị quyết mới giúp TPHCM tháo gỡ 2 'điểm nghẽn' lớn nhất (27/06/2023)

>   Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF: Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như một hình mẫu (27/06/2023)

>   Kỳ vọng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao (26/06/2023)

>   Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước (25/06/2023)

>   Quốc hội thông qua việc giảm 2% thuế VAT từ 01/07 đến hết năm 2023 (24/06/2023)

>   Bế mạc Quốc hội khoá XV kỳ 5: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách" (24/06/2023)

>   Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM  (24/06/2023)

>   Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi): Sẽ khắc phục được nhiều tiêu cực trong đấu thầu (23/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật