Chứng khoán Phú Hưng: VN-Index có thể chạm mốc cao nhất là 1,376 điểm năm 2023
Tại Hội thảo trực tuyến về triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) nửa cuối năm 2023 của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS), các chuyên gia nhận định tích cực về TTCK nửa sau năm 2023. VN-Index nửa cuối năm có thể chạm mốc cao nhất 1,376 điểm.
Ảnh chụp màn hình
|
Ông Tuấn Phạm – Phó Phòng Nghiên cứu và phân tích của PHS cho biết TTCK đã đi trước so với nền kinh tế, bắt đầu tạo đáy và đang chuẩn bị đi lên. Đây là giai đoạn suy thoái của nền kinh tế với việc suy giảm sản lượng, niềm tin tiêu dùng giảm và chính sách tiền tệ (CSTT) nới lỏng.
PHS cũng điều chỉnh hạ dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 xuống còn 5%, do lĩnh vực sản xuất chịu áp lực nhu cầu yếu từ các thị trường xuất khẩu chính, ngành bất động sản chịu tác động tiêu cực từ việc thắt chặt CSTT. Song, khối dịch vụ được kỳ vọng là trụ đỡ chính nhờ hưởng lợi từ lượng khách du lịch nước ngoài (chủ yếu là khách Trung Quốc), đầu tư công cũng là một trụ đỡ khác trong năm 2023.
Về chính sách tiền tệ, ông Tuấn Phạm cho biết việc CSTT bắt đầu nới lỏng, thanh khoản hệ thống được cải thiện, do đó kỳ vọng giá trị giao dịch trong nửa cuối năm 2023 sẽ cải thiện.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần hạ lãi suất điều hành, qua đó hạ chi phí vốn, giúp các các NHTM hạ lãi suất huy động từ đó hạ lãi suất cho vay, dòng tiền tiết kiệm quay lại thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, việc NHNN mua ròng khoảng 10 tỷ USD từ đầu năm đến nay (từ 6 tỷ hợp đồng giao ngay và 4 tỷ giao kỳ hạn chuyển tiếp từ năm 2022) sẽ bơm ra thị trường 235 ngàn tỷ đồng, giúp cho thanh khoản toàn bộ nền kinh tế được khởi sắc và thị trường chứng khoán được hưởng lợi.
Ảnh chụp màn hình
|
Về mặt định giá của TTCK, tính tới ngày 31/05/2023, chỉ số VN-Index giao dịch ở mức P/E là 12.9 lần, tăng đáng kể so với mức 10 lần hồi cuối năm 2022, nhưng vẫn còn thấp hơn so với trung bình 10 năm là 15 lần. Trong quý 1/2023, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng tích cực hơn so với mức giảm 30% của quý 4/2022. Ông Tuấn Phạm kỳ vọng thị trường vẫn có tiềm năng đi lên nhất định, P/E có thể sẽ tiến tới mức trung bình 10 năm là 15 lần.
Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của toàn thị trường ở mức 5%, thấp hơn so với dự phóng trước đó trong báo cáo chiến lược hồi cuối năm 2022 của PHS là 10.9% do dự báo nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Với mức tăng trưởng này, VN-Index có thể giao dịch với P/E quanh mức 13 lần, tương ứng mức điểm cao nhất có thể đạt được là 1,376 điểm.
Vẫn nên thận trọng
Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thể hiện góc nhìn cẩn trọng về TTCK. Ông Hiếu cho biết, trong 3 năm vừa qua, điểm số thị trường VN-Index tăng rồi giảm với mức biến động lớn, chứng tỏ thị trường không có sự ổn định và bền vững, bởi một TTCK ổn định và bền vững không có sự dao động lớn như thế.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam tương đối còn non trẻ, chỉ mới được 30 năm, mặc dù điểm tích cực của TTCK trong thời gian qua là giảm gánh nặng rất lớn cho hệ thống ngân hàng, nhưng mặt khác cũng tạo ra sự bất ổn, nhất là trong năm 2022 khi thị trường trái phiếu rơi vào tình trạng rất bất ổn với những vụ đại án như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Điều này, đẩy thị trường chứng khoán vào giai đoạn vô cùng khó khăn và làm mất niềm tin của nhiều nhà đầu tư.
Song song đó, thành phần lớn trên TTCK (cổ phiếu và trái phiếu) là những nhà đầu tư cá nhân, có tâm lý bầy đàn, chạy theo số đông cũng tạo nên sự bất ổn của thị trường, thay vì là các nhà đầu tư tổ chức dẫn dắt thị trường. Các nhà đầu tư cũng bị dẫn dắt nhiều bởi khối ngoại, nếu khối ngoại bán, thì nhà đầu tư cũng bán và ngược lại.
Sức khỏe nền kinh tế chưa tốt, vị chuyên gia này đánh giá mức tăng trưởng GDP năm 2022 (8.02%) là không cao, do mức thấp nền thấp năm 2021 (bị tác động bởi dịch bệnh). Mức tăng trưởng 3.32% của đầu năm 2023 cũng là mức thấp. Bên cạnh đó, ông Hiếu dẫn chứng số liệu cho thấy chỉ trong 5 tháng đầu năm số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản gấp đôi cả năm 2022. Năm trước, trung bình 1 tháng có khoảng 11 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Cuối cùng, vị chuyên gia cho biết việc hạ lãi suất có tác động đến thị trường chứng khoán nhưng vấn đề không nằm ở câu chuyện hạ lãi suất, hạ lãi suất không phải là mũi tên đánh trúng đích mà vấn đề là các doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, nói cách khác là không có khả năng vay vốn. Trong 5 tháng đầu năm 2022, NHNN đã có 3 lần hạ lãi suất điều hành, nhưng lãi suất cho vay không hạ nhiều, chưa đủ vực dậy được sức khỏe của nền kinh tế.
Kha Nguyễn
FILI
|