Thứ Năm, 15/06/2023 13:32

Chủ tịch Lê Hoàng Linh: “Thời điểm này không thể mong TCL chia cổ tức cao, phải đợi ngoài 5 năm nữa”

“Nếu Công ty không trích quỹ đầu tư phát triển thì mức chia cổ tức chắc chắn trên 30% nhưng làm vậy thì không thể đầu tư. Cứ cố gắng vài năm chia cổ tức cao thì Công ty chỉ dừng lại tại đó, càng ngày càng lụi, cơ sở cũ không được nâng cấp, cơ sở mới không được phát triển”.

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Lê Hoàng Linh tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (HOSE: TCL) diễn ra vào sáng ngày 15/06.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TCL tổ chức sáng 15/06. Ảnh: Thế Mạnh

Chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 22.31%

Tại Đại hội, về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, cổ đông thông qua việc trích 30%, tương ứng hơn 37 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển; và dành 22.31% để chia cổ tức 2022 bằng tiền cho cổ đông, cao hơn mức 21% kế hoạch đề ra, tương ứng tổng chi hơn 67 tỷ đồng. Thời gian chốt danh sách là 15/08, và thời gian chi trả cổ tức dự kiến trước ngày 31/10/2023.

Sang năm 2023, mức chia cổ tức dự kiến tăng lên 22.71%, tương ứng tổng giá trị hơn 68.5 tỷ đồng.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về tỷ lệ chia cổ tức năm 2022 thấp hơn so với giai đoạn năm 2019-2021, Chủ tịch Lê Hoàng Linh cho biết giai đoạn đó Công ty ghi nhận tăng trưởng đột biến, do đó phần lợi nhuận để lại được nhiều. Theo Nghị định 140 Chính phủ yêu cầu chia hết, và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (công ty mẹ sở hữu 51% vốn TCL) cũng yêu cầu chia hết. Cần nhấn mạnh rằng, ngay cả khi chia cổ tức ở mức 42% trong năm 2021, Công ty vẫn đã trích được 30% vào quỹ đầu tư phát triển.

Đối với cổ tức năm 2022, Công ty hoàn toàn có thể chia 30% ngay bây giờ nhưng TCL không làm vậy mà muốn dành để trích quỹ đầu tư. Số tiền từ nguồn trích quỹ đầu tư sẽ được quay lại làm nguồn tăng vốn cho cổ đông. Sau khi đầu tư dự án có hiệu quả như dự án bên ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch tới khoảng năm 2028-2030, mức cổ tức sẽ cao hơn mức 30% nếu làm đúng làm tốt, có nguồn đầu tư.

Về đề xuất thưởng ESOP cho cán bô nhân viên, Ban lãnh đạo, Tổng Giám đốc Lê Văn Cường cho biết TCL phải tuân thủ quy định của Tổng Công ty cũng như quy định Nhà nước, thời điểm này chưa phải là thời điểm để bàn nội dung này. Công ty rất muốn nhưng để chia thưởng còn nhiều vấn đề.

Mục tiêu lãi gần 131 tỷ đồng, quý 1 thực hiện 23%

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, TCL dự kiến đem về hơn 1,409 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 131 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023, lần lượt tăng gần 4% và 5% so với thực hiện năm 2022.

Kết quả kinh doanh các năm và kế hoạch 2023 của TCL
(Đvt: Tỷ đồng)

Ban lãnh đạo TCL cho biết sản lượng container thông qua cảng Cát Lái dự kiến tăng so với năm 2022 là cơ sở để Công ty xây dựng kế hoạch sản xuất tăng trưởng tương ứng.

Dù vậy, cơ sở hạ tầng của TCL chủ yếu đi thuê có thời hạn ngắn, do đó điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và các chiến lược trong dài hạn của TCL và Tổng Công ty.

Về hoạt động kinh doanh tại ICD Tân Cảng Nhơn Trạch (TCNT) dự kiến tăng trưởng từ 15% so với năm 2022, với 380 ổ điện ICD sẵn sàng tiếp nhận thêm hàng lạnh, phấn đấu quý 4/2023 đưa 01 kho hàng 6,750 m2 vào khai thác và mở rộng bãi giúp tăng năng lực sản xuất cho ICD TCNT.

Bên cạnh đó, TCL sẽ phối hợp với đối tác mở rộng Depot TC Mỹ Thủy 2 và tích cực tìm kiếm các khu đất để mở rộng bãi chứa container và khu vực hoạt động cho Công ty.

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tich Lê Hoàng Linh cho biết trong 5 năm gần đây, Công ty tăng trưởng rất tốt, đặc biệt là lợi nhuận luôn tăng trưởng từ 5-8%. Năm 2023, có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn để hòa vốn, TCL vẫn đặt kế hoạch chỉ tiêu doanh thu lẫn lợi nhuận tăng trưởng tối thiểu 5% trở lên so với năm ngoái, ngay cả các năm ảnh hưởng dịch COVID Công ty vẫn luôn làm tốt.

Về kết quả quý 1/2023, TCL ghi nhận doanh thu thuần hơn 357 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Điểm sáng là doanh thu tài chính tăng tới gần 73%, hơn 299 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, Công ty báo lãi sau thuế hơn 30 tỷ đồng, tăng hơn 28%. Với kết quả này, TCL thực hiên được gần 23% kế hoạch lợi nhuận năm.

Quỹ đất phát triển ICD Tân Cảng - Long Bình 12ha, thời hạn thuê còn 40 năm

Chia sẻ về vị thế hiện tại của Công ty, Tổng Giác đốc Lê Văn Cường cho hay, tại khu vực Cát Lái, TCL sở hữu 2 Depot Tân Cảng - Mỹ Thủy 1 & 2 có tổng diện tích khoảng gần 20 ha, dung lượng bãi 20,000 TEU, và là một trong những depot có sản lượng thông qua lớn nhất khu vực phía Nam, riêng tại TPHCM lớn nhất.

Đối với dịch vụ hàng hóa chất, TCL cũng đang khai thác dịch vụ liên quan đến bảo quản, xếp dỡ, giao nhận, vận chuyển nội bộ mặt hàng này và Công ty cũng là đơn vị duy nhất của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn làm dịch vụ này.

Với dịch vụ đóng rút container hàng gạo, TCL là đơn vị đóng rút lớn nhất miền Nam với sản lượng 70,000-80,000 container/năm, với toàn bộ đơn hàng là gạo xuất khẩu, chiếm 40% thị phần và khẳng định là đơn vị dẫn đầu.

Ngoài ra, còn dịch vụ đóng rút container hàng lạnh, triển khai tại khu Mỹ Thủy, Nhơn Trạch, Công ty đã triển khai rất sớm từ 2016, và sớm đón đầu xu hướng.

Về ICD Tân Cảng – Nhơn Trạch, với giai đoạn 1 (11ha) đã khai thác hết, giai đoạn 2 (15ha) Công ty đã nhận đất từ giữa năm ngoái, và đưa vào 1 phần bãi, cũng như có những đầu hàng rỗng.

Theo quy hoạch sẽ có 5 kho, trong đó có 3 kho (mỗi kho 6,750 m2); 2 kho (18,000 m2). TCL đang lập kế hoạch xây dựng kho đầu tiên, tuy nhiên chậm so với kế hoạch chiến lược 5 năm của Công ty, một trong những nguyên nhân là dịch COVID kéo dài, và ảnh hưởng đến nay làm các nhà máy vẫn chưa hoạt động hết công suất, do đó tốc độ phát triển đầu tư bị chậm so với kế hoạch. Công ty sẽ nghe ngóng tín hiệu thị trường để có những bước đi phù hợp, đảm bảo hiệu quả an toàn vốn.

Thông tin về quỹ đất phát triển ICD Tân Cảng – Long Bình, Tổng Giám đốc TCL cho biết Công ty đã có quỹ đất 12 ha, và đang lập báo cáo khả thi, và điều chỉnh một số quy hoạch nhất định để khai thác khu vực này. Nếu cố gắng triển khai kịp trong năm nay, đây sẽ là điểm đầu tư dài hạn của TCL, và thời gian thuê đất còn khoảng 40 năm.

Mặt khác, TCL đã thông qua kế hoạch đầu tư năm 2023, dự kiến dành ra 74.8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó 30 tỷ đồng cho dự án đầu tư 01 kho hàng và hạ tầng kỹ thuật quanh kho; 30 tỷ đồng cho dự án Depot TCL – Long Bình, và 14.8 tỷ đồng cho công trình Đầu tư bãi container chuyên dụng tại Tân Cảng - Nhơn Trạch.

Bên cạnh đó, Công ty dự kiến chi 4.9 tỷ đồng để mua sắm thiết bị công nghệ (mua vành răng cho cẩu Liebherr); và 4.4 tỷ đồng để sửa chữa lớn (nạo vét bến Tân Cảng Nhơn Trạch). Như vậy, tổng hạng mục đầu tư năm 2023 dự kiến đạt 84.1 tỷ đồng, tăng 27% so với kế hoạch năm 2022.

Thực tế năm 2022, TCL đầu tư chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng, bằng 15.29% so với kế hoạch (66.35 tỷ đồng). 

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   ANV: Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Giám đốc Tài chính (15/06/2023)

>   SBT: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua giao dịch với người có liên quan (15/06/2023)

>   SAV: Nghị quyết HĐQT về việc thực hiện chi trả cổ tức (15/06/2023)

>   BSI: Thông báo giấy phép điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán (tên công ty) (15/06/2023)

>   PGS: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (15/06/2023)

>   BSG: Ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023 (15/06/2023)

>   HOT: Nghị quyết Hội đồng quản trị (15/06/2023)

>   PEG: Nghị quyết Hội đồng quản trị chấp thuận cho CTCP Cà phê PETEC vay vốn tại Ngân hàng BIDV năm 2023 (15/06/2023)

>   TOS: Nghị quyết Hội đồng quản trị (15/06/2023)

>   AAV: Nghị quyết Hội đồng quản trị (15/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật