CEO VNDirect Phạm Minh Hương: Vụ việc trái phiếu Trung Nam là bài học đắt giá
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức sáng 17/06, Ban lãnh đạo CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) đã nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến trái phiếu của CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).
Tổng Giám đốc VND Phạm Minh Hương phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. Ảnh: Chụp màn hình
|
Theo đó, VNDirect là một trong số các đối tác chính thu xếp phát hành trái phiếu cho Trung Nam Group. Trong khi doanh nghiệp này đã liên tục chậm trả nợ thanh toán trái phiếu suốt thời gian vừa qua.
Trả lời, Tổng Giám đốc VND Phạm Minh Hương cho biết Công ty lựa chọn các doanh nghiệp để hợp tác với mong muốn kiến tạo sản phẩm đầu tư cho nhà đầu tư cá nhân. Các ngành được ưu tiên lựa chọn như năng lượng, dịch vụ hạ tầng, giáo dục, y tế, dịch vụ du lịch, công nghệ, F&B. Đây đều là những ngành có nhu cầu về vốn và phát triển rộng lớn trong tương lai. Ngoài cung cấp nền tảng giao dịch cho nhà đầu tư, VND phải có trách nhiệm tạo hàng, tạo cơ hội cho nhà đầu tư để dẫn được dòng vốn của nhà đầu tư vào doanh nghiệp.
Trong số những doanh nghiệp mà VND đang hợp tác, Trung Nam được lựa chọn là 1 trong những doanh nghiệp đại diện cho ngành năng lượng. Việc bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Trung Nam, VND nhìn nhận đây là doanh nghiệp thực sự có tiềm năng về năng lực, thực thi phát triển dự án, tổng thầu dự án, năng lực tìm kiếm dự án đầu tư.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc VND cũng thừa nhận, cổ phiếu VND gần như gắn liền với câu chuyện của Trung Nam và mức độ rủi ro đang lớn hơn các doanh nghiệp phát hành khác. Áp lực là có thể VND đang mất lượng lớn vốn vào Trung Nam.
Từ phía Trung Nam, nếu doanh nghiệp này có được năng lực huy động vốn ngoài vốn thương mại. Đây sẽ là cơ hội để Trung Nam xây dựng nền tảng về năng lượng, và giữ an ninh năng lượng cho Việt Nam trong quá trình xã hội hóa, tư nhân hóa phát triển mảng hạ tầng năng lượng của nền kinh tế.
Với các giao dịch của VND với Trung Nam đều được nghiên cứu kỹ và đồng bảo lãnh phát hành với Ngân hàng Vietcombank trong dự án Đắk Lắk, và một số hoạt động huy động vốn của Trung Nam trong thời gian đó
Tuy nhiên cũng như các trái phiếu khác, Trung Nam chịu nhiều áp lực sau sự kiện Vạn Thịnh Phát xảy ra. Để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, VND phải mua lại khá nhiều trái phiếu, bao gồm cả Trung Nam. Không chỉ có Trung Nam, VND còn có những doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ bất động sản, hạ tầng như CTCP Tập đoàn CIENCO4 (C4G), dịch vụ du lịch (Crystal Bay). Tất cả những doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp nắm giữ được điều kiện phát triển hạ tầng của 1 ngành, và đó là lý do VND lựa chọn.
Theo quan điểm của bà Hương, rủi ro chính sách về thu mua điện, hay rủi ro của thị trường vốn như sự kiện Vạn Thịnh Phát đều là những rủi ro hệ thống. Tuy nhiên, quá trình phát triển trái phiếu của VND luôn dựa theo dòng tiền của các nhà máy phát điện, và rủi ro của Trung Nam được Công ty đánh giá chỉ là rủi ro tạm thời của thanh khoản, không phải rủi ro mô hình kinh tế. Tất nhiên, vẫn có rủi ro liên quan đến các chính sách, nhưng VND đều đánh giá trước khi quyết định tham gia bảo lãnh phát hành.
“Tuy nhiên, rủi ro khiến VND không lường được là sự bán lại của nhà đầu tư. Lúc đó kinh nghiệm xử lý của nhóm nguồn vốn chưa được tốt, chúng tôi buộc phải mua lại một lượng trái phiếu khổng lồ vào thời điểm sau sự kiện Vạn Thịnh Phát. Bên cạnh đó trong quá trình bán, việc tư vấn trái phiếu chưa đúng bản chất nên chúng tôi buộc phải mua lại bảo vệ nhà đầu tư cũng như thị trường để tránh khỏi rủi ro. Do đó, rủi ro của VND với Trung Nam tăng lên đáng kể", bà Hương chia sẻ.
Hiện nay, tài sản đảm bảo VND đang nắm giữ rất lớn toàn bộ nền tảng của mảng năng lượng. Đây vẫn là mảng tiềm năng của nền kinh tế, là nhu cầu thiết yếu, vì vậy về dài hạn VND không thấy lo ngại.
"Rủi ro hiện không đáng lo ngại và nguồn vốn chúng tôi khá lớn. Môi trường lãi suất thấp đã khiến nhà đầu tư bắt đầu tin tưởng quay trở lại mua vào nên đã giúp giảm áp lực thanh khoản ngắn hạn của nắm giữ trái phiếu" - vị Tổng Giám đốc nói thêm.
Việc làm của VND ngoài bảo vệ trạng thái trái phiếu nhà đầu tư đang nắm giữ bằng cách bảo vệ Trung Nam, đồng thời hy vọng sẽ có điều kiện hỗ trợ cho một doanh nghiệp có tiềm năng và phát triển một mảng cốt yếu của nền kinh tế, giữ được mà không phải bán cho nước ngoài.
Về kế hoạch niêm yết, Trung Nam đang tiến hành làm hồ sơ lên UPCoM, giải quyết vấn đề tái cấu trúc nợ ngân hàng. Không thể phủ nhận doanh nghiệp này đang gặp khó khăn thanh khoản, nhưng tiềm năng phát triển trong tương lai vẫn có. Bản thân doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn, liên quan đến áp lực thông tin dự án Thuận Nam khi EVN chưa có chính sách để mua lại những dự án nằm ngoài Quy hoạch điện 7.
Thời gian gần đây cả nước đang thiếu điện, tất cả các nhà máy điện của Trung Nam đều được yêu cầu chạy tối đa công suất và hầu hết các nhà máy của Trung Nam đều có dòng tiền dương. Duy chỉ có nhà máy điện gió Đắk Lắk vì đặc thù điện gió những năm đầu cần điều chỉnh kỹ thuật để tối ưu về gió nên đang được Vietcombank tái cấu trúc lại để doanh nghiệp không bị áp lực dòng tiền.
Tổng Giám đốc VND cũng nhìn nhận vụ việc trái phiếu Trung Nam là bài học đắt giá. Đây cũng là một trong những lý do công ty quyết định tăng vốn để phục vụ cho hoạt động bảo lãnh phát hành và tạo thêm sản phẩm cho nhà đầu tư.
Thế Mạnh
FILI
|