Thứ Tư, 07/06/2023 07:42

Cần nhiều chính sách đồng bộ để kích cầu tiêu dùng

Các chuyên gia cho rằng chính sách kích cầu chi tiêu đòi hỏi phải dài hơi, đủ để doanh nghiệp có thể xoay xở trong thời gian chờ kinh tế phục hồi.

Từ đầu năm đến nay sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trì trệ, xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới. Thị trường nội địa được kỳ vọng giúp DN vượt qua khó khăn nên các DN nỗ lực đưa ra các giải pháp kích cầu bằng những chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên, tình hình cũng không được cải thiện do người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chủ yếu mua hàng hóa thiết yếu.

Nhiều giải pháp kích cầu nhưng không hiệu quả

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, chia sẻ từ đầu năm đến nay sức mua thực phẩm chế biến rất thấp, giảm 30%-40% so với cùng kỳ năm 2022. “Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu nhưng tình hình không cải thiện” - ông An nói.

Năm tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 2.527 tỉ đồng; tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng nhìn nhận trên, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, thông tin từ đầu năm đến nay sức mua của ngành nước mắm nhìn chung giảm 20%-30%.

Theo ông Diệp, riêng DN như 584 vừa sản xuất vừa bán sản phẩm cho người tiêu dùng thì vẫn có đầu ra. Tuy nhiên, những đơn vị bán nước mắm nguyên liệu nói chung vô cùng khó khăn, không thể bán được hàng. “Thời điểm này đang vào mùa cá nhưng năm nay lại mất mùa, nguyên liệu thiếu, giá lại không tăng. Các DN lo ngại tình hình này sẽ ảnh hưởng đến cuối năm, giá cả sẽ tăng cao trong dịp tết” - ông Diệp nói.

Theo ông Diệp, trước tình hình này công ty cũng đưa ra nhiều biện pháp để đẩy mạnh tiêu thụ như tăng cường các chương trình khuyến mãi, đầu tư đội ngũ nhân viên thị trường… nhưng sức mua vẫn không cải thiện.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM, cho biết những tháng đầu năm tình hình sức mua không khả quan. Tính chung cả quý I chỉ số tiêu thụ LTTP ước giảm 4,07%.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: T.UYÊN

Điều này cho thấy các DN ngành LTTP vẫn đang hết sức khó khăn, mặc dù DN đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kết nối xúc tiến… nhưng hiện sức mua của thị trường vẫn yếu.

Ở góc độ nhà phân phối, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết đơn vị cũng đang đứng trong “vòng xoáy” khó khăn và cần chia sẻ với người tiêu dùng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, để làm được, trước hết các nhà bán lẻ phải “đứng vững” trên thị trường.

Theo đó, Saigon Co.op tập trung vào các giải pháp kích cầu mang tính chất khác biệt so với những giai đoạn trước bởi lúc này nếu hàng hóa được giảm chưa chắc người tiêu dùng đã mua mà phải chọn đúng đối tượng để kích cầu.

Cần sự vực dậy của nền kinh tế chung

Ông Nguyễn Ngọc An cho biết hiện nay DN đã làm hết cách nên cần các giải pháp đồng bộ của Nhà nước. Chẳng hạn, nhằm phần nào kích cầu hiệu quả, trước mắt Nhà nước cần có chính sách giảm 2% thuế VAT. Thậm chí Nhà nước có thể giảm nhiều hơn và kéo dài cả năm 2024 chứ không dừng lại trong thời gian ngắn ngủi sáu tháng.

Đặc biệt, Nhà nước cần thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để vực dậy các ngành kinh tế. Cạnh đó, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản bởi đây là ngành tác động đến nhiều ngành nghề khác, nhất là giúp tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động. Từ đó, có thể giúp sức mua thị trường khởi sắc.

Ông Nguyễn Đặng Hiến cũng cho rằng: “Chính sách giảm 2% VAT sẽ tạo ra hàng hóa dịch vụ rẻ để kích thích tiêu dùng. Lúc đó, DN cũng có cơ hội cung cấp sản phẩm dịch vụ ra thị trường” - ông Hiến nói.

Sở Công Thương TP.HCM sẽ tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung vào tháng 6 và tháng 11-2023. Ảnh: T.UYÊN

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm, xuất khẩu khó khăn, DN sẽ trông chờ vào thị trường trong nước để được tiếp nội lực. Từ đó, có thể duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững một phần nhịp cung hàng hóa ra thị trường… Do đó, chính sách giảm thuế VAT 2% là một giải pháp hữu hiệu. Đối với hàng hóa thiết yếu, thuế VAT cần được giảm tối đa và nên kéo dài đến hết năm 2024.

Ông Hiển cho rằng nếu chính sách giảm thuế chưa đủ lâu, sức mua không tăng, Nhà nước không thể thu ngân sách. “Trong một quốc gia, sản xuất chi tiêu, tiêu dùng nội địa là căn cơ. Chính sách kích cầu chi tiêu đòi hỏi tầm nhìn dài hơi (hơn năm tháng), đủ để DN ứng phó với mọi biến động bên ngoài nếu xuất khẩu chưa thể phục hồi” - ông Hiển nhấn mạnh.

Theo chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, hiện nay ngành bất động sản đóng băng, chứng khoán diễn biến khó lường, đối tượng khách hàng trung lưu bị ảnh hưởng nên họ tiết kiệm. Riêng phân khúc cao cấp, thu nhập cao vẫn chi tiêu bình thường.

“Tuy nhiên, kinh tế càng khó khăn hàng hóa nào càng giảm giá được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa. Do đó, khuyến mãi sẽ tác động nhất định trong kích cầu tiêu dùng” - ông Dũng nhấn mạnh.

Nhiều điểm mới khuyến mãi tập trung trong năm 2023

Theo Sở Công Thương TP.HCM, từ đầu năm đến nay tại TP có hơn 33.000 hồ sơ các DN trên địa bàn đăng ký các chương trình khuyến mãi.

Nhằm hỗ trợ DN quảng bá, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng mua hàng hóa chất lượng, giá phù hợp, năm 2023 Sở Công Thương TP.HCM sẽ tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung. Chương trình chia thành hai đợt, đợt 1 vào tháng 6 và đợt 2 vào tháng 11.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết điểm mới của chương trình khuyến mãi tập trung năm nay là sở sẽ đẩy mạnh làm việc với các DN sản xuất lớn, nhà nhập khẩu hàng tiêu dùng đầu mối. Từ đó xây dựng những chương trình khuyến mãi tại gốc.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đề xuất phát triển chương trình khuyến mãi theo gói. Chẳng hạn, người tiêu dùng đi siêu thị mua hàng hóa bằng dịch vụ xe công nghệ sẽ được hưởng khuyến mãi của dịch vụ này. “Trước đây, chúng tôi làm việc với từng DN đề nghị khuyến mãi nhưng năm nay sở làm cầu nối phối hợp với nhiều DN liên kết, tạo thành gói khuyến mãi và nhân rộng mô hình này để kích thích tiêu dùng hơn” - đại diện Sở Công Thương nói.

TÚ UYÊN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngưng trệ vì thiếu điện (06/06/2023)

>   Từ Quy hoạch Điện VIII, Đồng Nai sẽ có 3 dự án năng lượng tái tạo "khủng" (06/06/2023)

>   Người Việt lạc quan nhất châu Á về tương lai kinh tế (06/06/2023)

>   Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năng suất lao động Việt Nam không thấp hơn Lào, Campuchia (06/06/2023)

>   Vì sao thiếu điện? (06/06/2023)

>   Xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi vào cuối năm 2023 (05/06/2023)

>   Bốn thách thức của ngành giao thông vận tải (05/06/2023)

>   Đề xuất giảm 50% hàng chục loại phí, lệ phí đến hết năm (04/06/2023)

>   Tập đoàn Singapore có thể đầu tư 500-800 triệu USD để xây dựng dự án ở Hưng Yên (03/06/2023)

>   Địa phương chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của các đơn vị đăng kiểm (02/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật