Thứ Hai, 12/06/2023 08:10

Áp lực đáo hạn trái phiếu quay lại rất nhanh với doanh nghiệp

Sau khi Nghị định 08 được ban hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận một số hoạt động cơ cấu lại nợ theo hướng kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Tuy nhiên những khoản nợ trái phiếu đến hạn vẫn nối nhau để tạo áp lực cho doanh nghiệp, khoản này được đẩy ra xa thì khoản khác lại đến rất nhanh. Nhiều báo cáo cho thấy khối lượng trái phiếu đến hạn sẽ đạt đỉnh trong tháng 6 này và khối lượng chậm thanh toán của doanh nghiệp sẽ lên cao trào vào tháng 9.

Đợt “sóng” đáo hạn đang trở lại

Số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, tháng 6 là thời điểm có giá trị trái phiếu đáo hạn cao nhất năm với hơn 35.500 tỉ đồng. Con số này tăng gấp đôi so với tháng trước, dù đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn, tính đến ngày 23-5.

Tính đến cuối tháng 5 có khoảng 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp, theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 157.700 tỉ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ toàn thị trường.

Khoảng hơn 45.200 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Trong khi đó, việc phát hành tiếp tục ảm đạm. Tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ phát hành trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 26.100 tỉ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ. Ngược lại, hoạt động đàm phán giữa các tổ chức phát hành và trái chủ diễn ra tích cực, nhiều doanh nghiệp đạt được thỏa thuận gia hạn. Tổng hợp cho thấy đã có 30 đơn vị đạt được thỏa thuận với trái chủ, có báo cáo chính thức trên HNX.

Lượng trái phiếu đáo hạn đang ở thời điểm cao nhất trong năm. Ảnh minh họa: DNCC

Nếu khối lượng trái phiếu đến hạn được xác định đạt đỉnh vào tháng 6 này thì khối lượng chậm thanh toán cũng được xác định cao trào ở tháng 9.

Trong báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu vừa phát hành, Công ty Chứng khoán HSC cho biết, có 110 doanh nghiệp phát hành có nguy cơ không trả được gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Những trường hợp trên là mất khả năng thanh toán theo tiêu chuẩn quốc tế, cho dù nhiều doanh nghiệp phát hành trong số này chưa chính thức thông báo mất khả năng thanh toán đúng hạn.

Khối lượng trái phiếu chậm thanh toán là 43.900 tỉ đồng. Một phần trong số trái phiếu chậm thanh toán đã được tái cơ cấu giãn thời hạn trả nợ hoặc thay đổi điều kiện trái phiếu. Nếu loại bỏ số trái phiếu được tái cơ cấu này, khối lượng trái phiếu chậm thanh toán còn lại là 23.900 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 4.

Từ tháng 5 đến cuối năm nay, 20.800 tỉ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành đã từng chậm thanh toán sẽ đáo hạn. Trong đó có 4.300 tỉ đồng trái phiếu đã chậm thanh toán lãi trước đó. Ngoài ra sẽ có 57.700 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn trong thời gian trên cũng có thể sẽ chậm thanh toán, đỉnh điểm có thể sẽ rơi vào tháng 9 năm nay.

Trong kịch bản cơ sở, HSC dự kiến khối lượng trái phiếu chậm thanh toán có thể lên đến 77.400 tỉ đồng vào cuối năm nay.

Lượng phát hành mới suy giảm liên tiếp trong những tháng qua, lượng trái phiếu đáo hạn khổng lồ cũng đến đang tạo áp lực rất lớn đến “sức khỏe” tài chính của nhiều doanh nghiệp. Có thể thấy kể từ đầu tháng 5 đến nay, đã có hàng chục công ty thông báo chậm trả gốc, lãi trái phiếu hoặc gia tăng thêm kỳ hạn trái phiếu.

Chia sẻ tại một diễn đàn đầu tư mới đây, ông Đỗ Bảo Ngọc, Tổng giám đốc nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock, cho rằng gia hạn trái phiếu là cách duy nhất mà doanh nghiệp hiện nay có thể làm. Bởi nếu tính đến phương án hoán đổi tài sản sẽ không dễ dàng khi chính tài sản lại đang bị chôn chặt tại các ngân hàng. Nếu hoán đổi được thì sẽ không phải mức giá thị trường hiện nay do mức định giá của ngân hàng thời điểm trước rất cao.

“Gia hạn trái phiếu sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Trái chủ sẽ phải chấp nhận rủi ro vốn bị chiếm dụng lâu hơn, trong khi doanh nghiệp sẽ có thời gian để xoay xở về mặt tài chính, còn nếu không sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Nếu gia hạn mà không phải tăng lãi suất thì sẽ là phương án tốt đẹp nhất”, ông Ngọc đánh giá.

Nhiều hỗ trợ nhưng thanh khoản không cải thiện

Cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành liên tiếp hai thông tư gồm Thông tư 02 quy định về cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, và Thông tư 03 điều chỉnh hoạt động mua, bán trái phiếu của tổ chức tín dụng. Tuy vậy, tác động của chính sách này chỉ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian cơ cấu nợ, còn ở chiều ngược lại thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như chưa được cải thiện.

Về thanh khoản, hiện chỉ có số liệu giao dịch của trái phiếu doanh nghiệp niêm yết chiếm chưa đến 5% tổng thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù đã hồi phục hơn 7% kể từ đáy thiết lập vào cuối năm 2022, thời gian đỉnh điểm của sự hoảng loạn trên thị trường, chỉ số giá trái phiếu doanh nghiệp vẫn thấp hơn 3-4% so với mặt bằng trước khi xảy ra khủng hoảng trước tháng 10-2022 và đã giảm một chút vào cuối tháng 4.

Không quá ngạc nhiên khi thanh khoản đã giảm ngay sau khi chỉ số giá trái phiếu hồi phục. Giá trị giao dịch bình quân ngày vẫn dưới 200 tỉ đồng so với mức 300 tỉ đồng trong năm ngoái trong khi khối lượng lưu hành của trái phiếu doanh nghiệp niêm yết chỉ là 57,9 nghìn tỉ đồng. Thanh khoản giảm ở tất cả các trái phiếu, bao gồm trái phiếu có thanh khoản và xếp hạng cao nhất.

Lượng trái phiếu đáo hạn đang ở thời điểm cao nhất trong năm. Ảnh minh họa: DNCC

Theo nhận định của Fiingroup mới đây, Thông tư 03 tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ổn định tâm lý từ tổ chức phát hành và nhà đầu tư khi dòng vốn tạm thời được đảm bảo trước áp lực đáo hạn lớn sắp tới. Bên cạnh đó, giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân, đưa thị trường về trạng thái cân bằng và ổn định hơn khi tài sản được nắm giữ bởi nhà đầu tư tổ chức.

Tuy nhiên, quy định doanh nghiệp có trái phiếu được mua lại phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của tổ chức tín dụng sẽ thách thức lớn cho thanh khoản. Bởi vì, phần lớn các tổ chức phát hành có sức khỏe tín dụng hoặc xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp không đủ để đáp ứng quy định. Đồng thời, các ngân hàng thương mại sẽ cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn để tránh việc áp dụng sai.

Bên cạnh đó, hiệu lực của thông tư chỉ kéo dài đến hết năm nay, nên đây chỉ là giải pháp tạm thời ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nói chung, hiện trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên kém hấp dẫn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi cao và số trường hợp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu đang tăng lên. Mặc dù vậy, ở mức bình quân, trái phiếu vẫn được giao dịch ở mệnh giá.

Sự trầm lắng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong hai tháng đầu của quí 2-2023 với hai đợt phát hành đều rơi vào tháng 4 cho thấy thị trường vốn này vẫn còn nhiều vấn đề. Nhìn lại giá trị 24.700 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp huy động trong tháng 3-2023 không hẳn là dấu hiệu của sự tan băng mà chỉ phản ứng tâm lý tốt hơn khi được củng cố bởi rất nhiều chính sách hỗ trợ và cam kết của doanh nghiệp.

Nghị định 08/2023 cho các doanh nghiệp thêm thời gian để cơ cấu lại khoản nợ trái phiếu, thương lượng lại thời điểm đáo hạn, mức lãi suất, và nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt điều này. Thế nhưng, không phải vì thế mà bức tranh có thêm nhiều nét màu tươi sáng. Hồi trung tuần tháng 5, thông tin một doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu hơn 1.000 tỉ đồng đang làm thủ tục giải thể đã cảnh báo cho những rủi ro của thị trường này vẫn chưa qua trong ngắn hạn.

V.Dũng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chính phủ yêu cầu trình báo cáo về thị trường TPDN năm 2022 - 2023 trước ngày 15/6 (10/06/2023)

>   Gia cố niềm tin trái phiếu: Hiệu ứng vận động từ việc cấy trách nhiệm vào bối cảnh... (09/06/2023)

>   VBMA: Gần 25.6 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trong tháng 05/2023 (08/06/2023)

>   Phó Thủ tướng: Sẽ tiếp tục gỡ vướng cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp (08/06/2023)

>   Vingroup sắp phát hành 2 lô trái phiếu 10,000 tỷ đồng cho Vinfast  (08/06/2023)

>   Hoạt động đàm phán gia hạn trái phiếu diễn ra ồ ạt sau Nghị định 08 (08/06/2023)

>   BCM lên kế hoạch phát hành 1,000 tỷ đồng trái phiếu để hoán đổi nợ (05/06/2023)

>   Đất Xanh Miền Nam chậm trả 5 kỳ lãi trái phiếu (03/06/2023)

>   TCBS muốn dùng 7,000 tỷ đồng đầu tư hoạt động tự doanh (02/06/2023)

>   Vietjet muốn phát hành riêng lẻ 2,000 tỷ đồng trái phiếu (31/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật