Thứ Năm, 18/05/2023 21:30

Thứ trưởng Công Thương: “Mỗi lần lọc dầu Nghi Sơn trục trặc, chúng tôi mất ăn mất ngủ”

Bộ Công Thương khẳng định việc tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc bộ máy và vận hành an toàn, ổn định là vấn đề nội tại của doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm giải quyết của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và các đơn vị góp vốn.

Chiều 18-5, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ.

Vấn đề nhà máy lọc dầu Nghi Sơn báo cáo việc có nguy cơ dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính được báo chí quan tâm, đặt câu hỏi.

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ dầu khí và than, cho biết trong 4 tháng đầu năm Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng, dầu các loại. Trong đó, riêng tháng 4 sản xuất được 670.000-680.000 tấn.

Đến giữa tháng 5 nhà máy vẫn vận hành ổn định. Trong tháng 6 và cả Quý III, Quý IV theo kế hoạch, nhà máy đã triển khai toàn bộ công tác để đảm bảo kế hoạch vận hành đã đăng ký với Bộ Công Thương.

Kể từ khi hoạt động, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn liên tục xảy ra các trục trặc, sự cố. Ảnh: BCT

Về vấn đề thiếu dòng tiền, Phó Vụ trưởng Vụ dầu khí và than cho biết, ngày 19-4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi nhà máy, các bên góp vốn và Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) về tái cấu trúc nhà máy.

Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định việc tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc bộ máy và vận hành nhà máy an toàn ổn định là vấn đề nội tại của doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm giải quyết của Nghi Sơn và các đơn vị góp vốn.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn, PVN và các nhà đầu tư nước ngoài phải chủ động, cùng phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà máy này, đảm bảo hoạt động hiệu quả, cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Phân tích thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn là liên doanh của PVN, Cô - Oét và Nhật Bản. Phía Việt Nam tức là PVN chỉ chiếm 25,1% vốn góp, theo luật doanh nghiệp thì với tỷ trọng này, tiếng nói của PVN chỉ “có mức độ”.

Thứ trưởng Hải khẳng định, vấn đề cần giải quyết của Nghi Sơn là vấn đề nội tại, Chính phủ và các Bộ ngành chỉ có thể tham gia theo đúng các quy định và theo thoả thuận mà các bên cam kết.

Thứ trưởng Hải cho hay: “Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần xăng dầu trong nước nên mỗi khi nhà máy này xảy ra sự cố, chúng tôi cũng mất ăn mất ngủ”.

Trước những khó khăn trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Bộ Công Thương đã và tiếp tục quyết liệt bám sát và theo dõi hoạt động của nhà máy, đồng thời làm tốt nhất đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong tình huống khó khăn hiện nay”.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết trước diễn biến tình hình giá, nguồn cung xăng dầu thế giới, trong nước còn tiềm ẩn nhiều yếu tố biến động khó lường, trong đó có vấn đề hoạt động của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thiếu ổn định, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong Quý II-2023 và các tháng tiếp theo của năm 2023, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp.

Đó là theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong trường hợp cần thiết quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để thương nhân đầu mối thực hiện.

Theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.

Chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng. Chủ động nguồn hàng từ nguồn trong nước và nhập khẩu để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới...

AN HIỀN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương: Tăng giá điện 3% là mức thấp nhất, không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô (18/05/2023)

>   Chính phủ: Đã có doanh nghiệp lớn 'bán mình' vì khó khăn dòng tiền (18/05/2023)

>   Phó Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (18/05/2023)

>   Vinatex: Xuất khẩu dệt may sang các thị trường chính đều đi xuống (17/05/2023)

>   Doanh nghiệp khó khăn đến mức nào? (17/05/2023)

>   Đà Nẵng đặt mục tiêu đóng góp của logistics vào GRDP đạt 11 – 12% (17/05/2023)

>   Mỹ gia hạn điều tra lẩn tránh thuế với gỗ dán và pin năng lượng mặt trời Việt Nam (17/05/2023)

>   Quy hoạch điện VIII tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các dự án truyền tải (17/05/2023)

>   Bán tràn lan tôm hùm đất dù bị cấm (17/05/2023)

>   Vì sao lại tăng giá điện ngay cao điểm nắng nóng? (16/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật