Thế giới ngày càng bất định, vàng hấp dẫn giới thượng lưu
Giá vàng thế giới được dự báo tiếp tục sức hấp dẫn, đặc biệt đối với giới thượng lưu khi mà đồng USD khó tránh xu hướng giảm trong khi thế giới ngày càng bất định.
Cơn sốt gom vàng
Trong vài năm gần đây, cơn sốt gom vàng bùng lên trên phạm vi toàn cầu với người mua là ngân hàng trung ương (NHTW) các nước. Đây cũng là đại diện cho nhu cầu của giới thượng lưu.
Đầu tháng 5/2023, giá vàng thế giới tăng vọt lên trên ngưỡng 2.050 USD/ounce, vùng cao lịch sử.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), thị trường vàng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ NHTW các nước. Nhiều quốc gia không ngừng tăng lượng vàng dự trữ trong các tháng đầu năm 2023.
Trung Quốc tiếp tục là nước mua vàng lớn nhất kể từ đầu năm tới nay. Trong tháng 4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã mua ròng 8,1 tấn vàng. Đây là tháng mua ròng thứ 6 liên tiếp. Tổng lượng vàng Trung Quốc mua ròng hơn 64 tấn, nâng dự trữ vàng của nước này lên 2.076 tấn.
Trong quý I/2023, NHTW các nước đã mua ròng 228 tấn - mức cao kỷ lục. Năm 2022, nhóm này đã mua 1.078 tấn vàng. Đây là mức mua vàng hàng năm cao nhất kể từ năm 1950 và cao hơn gấp đôi so với mức 450 tấn năm 2021.
Theo Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, nhu cầu vàng của các NHTW toàn cầu có thể sẽ vẫn mạnh ngay cả sau lượng mua kỷ lục trong năm 2022. Ước tính họ sẽ mua khoảng 700 tấn vàng trong năm nay, giảm so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 500 tấn kể từ năm 2010.
Vàng tiếp tục được lựa chọn là kênh trú ẩn an toàn trong xu hướng phi USD hóa toàn cầu, lạm phát lên cao và bất ổn địa chính trị ở nhiều nơi.
Con sốt mua vàng của giới thượng lưu toàn cầu đang được thể hiện ở ngay động thái của các NHTW tại những thị trường mới nổi. Cơn sốt này đã kéo dài vài năm qua.
Thực tế, từ lâu, vàng được xem là kênh trú bão trong thời kỳ thế giới có nhiều bất ổn. Điều này càng được khẳng định khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra, lạm phát toàn cầu tăng vọt, nợ các nước liên tục tăng cao và hệ thống ngân hàng toàn cầu bất ổn…
Ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh mua vàng trong vài năm qua. (Ảnh: KC)
|
Tại Mỹ, lạm phát tháng 4 đã giảm xuống còn 4,9%. Nhưng đây vẫn là mức rất cao, so với mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Trên Financial Times, CEO của một công ty quản lý kho két vàng tại London cho biết, giới thượng lưu đang ngày càng cảnh giác với “trật tự thế giới mới”.
Gần đây, nhiều nước cảnh giác với sức mạnh của đồng bạc xanh khi nợ công của Mỹ tăng mạnh. Phương Tây trừng phạt Nga bằng cách đóng băng hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối của nước này. Sức cầu đối với vàng liên tục gia tăng.
Vàng được dự báo còn tăng
Ngân hàng UBS cho rằng, xu hướng mua mua ròng của NHTW có thể sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng và lạm phát tăng. Quyết định của Mỹ đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga sau xung đột Nga-Ukraine có thể tác động lâu dài đối với hành vi của các NHTW.
Trước đây, USD là đồng tiền chính trong dự trữ của NHTW các nước. Tuy nhiên, những diễn biến mới cùng với sức cầu tăng vọt đối với vàng được xem là một dấu hiệu của quá trình phi USD hóa.
Những nước mua vàng mạnh nhất trong thời gian gần đây hầu hết đang tìm cách thay thế sự thống trị của đồng USD trong nền tài chính toàn cầu, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong những nước mua ròng vàng, có 3 thành viên của khối các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Ngày càng có nhiều giao dịch thương mại toàn cầu được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Một số nhà dự báo cho rằng, vàng có thể sớm tăng lên mức kỷ lục 3.300 USD/ounce, tương đương năm 1980 khi lạm phát tăng phi mã do ảnh hưởng của giá dầu và bất ổn ở Trung Đông.
Sự bất ổn của hệ thống ngân hàng trên thế giới gần đây, trong đó có Mỹ (với 4 vụ sụp đổ trong vài tháng đầu năm 2023), cũng góp phần kéo vàng tăng nhanh.
Đại diện Ngân hàng Saxo dự đoán, căng thẳng trên thị trường tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế Mỹ nhận những tác động từ các chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Fed.
Vàng được dự báo sẽ còn tăng tiếp và đạt kỷ lục cao mới trong năm 2023 khi Fed sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất và đảo chiều chuyển sang giảm. USD yếu và lạm phát vẫn còn cao sẽ hỗ trợ giá vàng.
Một số quỹ vàng cũng nhận định, vàng sẽ bước vào một "thị trường giá lên mới" sẽ bắt đầu, với mức giá sẽ vượt quá 2.100 USD/ounce ngay trong năm 2023.
Theo đó, các điều kiện thị trường hiện tại rất giống với những năm 2001 và 2008. Trong các năm đó, vàng đã tăng rất mạnh. Trong năm 2008, vàng đã tăng từ 600 USD lên 1.800 USD trong thời gian ngắn.
Gần đây, vàng cũng được hỗ trợ bởi cuộc đàm phán nâng trần nợ công của Mỹ gặp rất nhiều khó khăn. Chính phủ Mỹ có thể đối mặt với tình trạng hết tiền vào đầu tháng 8.
Các nhà đàm phán cảnh báo, giai đoạn đàm phán cuối cùng về nâng trần nợ xấu có thể sẽ nhạy cảm và khó khăn nhất đối với cả 2 đảng tại Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết hôm 25/5 không đạt được thỏa thuận nào về trần nợ. Ông nói rằng đã có sự trao đổi qua lại với Nhà Trắng nhưng việc đạt được một thỏa thuận không hề dễ dàng.
Mạnh Hà
Vietnamnet
|