SIP thoái xong vốn tại công ty liên kết
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) chính thức thoái hết vốn tại công ty liên kết - CTCP Xây dựng và Phát triển Thế Hệ Mới (viết tắt là Công ty Thế Hệ Mới) sau khi bán toàn bộ 8.5 triệu cổ phần (tỷ lệ 18.9%).
Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong thời gian từ 24-26/05/2023. Giá trị giao dịch và bên nhận chuyển nhượng không được nêu cụ thể. Sau giao dịch, Thế Hệ Mới không còn được ghi nhận là công ty liên kết của SIP.
Tính tới ngày 31/03/2022, SIP ghi nhận giá trị gốc đầu tư vào Công ty Thế Hệ Mới hơn 296 tỷ đồng, tương ứng 34,855 đồng/cp.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2023 của SIP
|
Không dừng lại tại đó, SIP còn giao người đại diện vốn của 2 công ty con là CTCP Phát triển Dịch Vụ Sài Gòn VRG và CTCP Xây dựng Incontec triển khai phương án thoái vốn đầu tư tại Thế Hệ Mới.
Kết quả, cùng khoảng thời gian từ 24-26/05/2023, Phát triển triển Dịch Vụ Sài Gòn VRG đã bán toàn bộ 900,000 cổ phần (tỷ lệ 2%) tại Thế Hệ Mới, qua đó không còn là cổ đông tại đây. Còn Xây dựng Incontec thoái 4.1 triệu cổ phần tại Thế Hệ Mới, giảm tỷ lệ sở hữu từ 28% (12.6 triệu cp) xuống còn 8.5 triệu cp (18.9%).
Kết quả thoái vốn đầu tư tại Công ty Thế Hệ Mới
Nguồn: SIP
|
Như vậy, tổng cộng nhóm cổ đông trên đã thoái 13.5 triệu cổ phần tại Công ty Thế Hệ Mới, giảm tỷ lệ sở hữu từ 48.9% (22 triệu cp) xuống còn 18.9% (8.5 triệu cp).
CTCP Xây dựng và Phát triển Thế Hệ Mới được thành lập ngày 17/08/2017, có địa chỉ tại số 212 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng dân dụng với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập gồm ông Lư Thanh Nhã, ông Nguyễn Trường Khôi và Vũ Thị Mỹ Lynh.
Trong chưa đầy 1 tháng sau khi thành lập (12/09/2017), Công ty Thế Hệ Mới tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng. Hiện, người đại diện theo pháp luật là ông Lê Dương Anh Tuấn kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thế Hệ Mới.
Kế hoạch chia cổ tức 2022 với tổng tỷ lệ 145%
Trong diễn biến khác, SIP vừa bổ sung tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến tổ chức ngày 29/05 bằng hình thức trực tuyến.
Cụ thể, Công ty điều chỉnh tờ trình chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 90%, gồm 45% bằng tiền và 45% bằng cổ phiếu. Theo kế hoạch ban đầu, SIP dự kiến trình cổ đông cổ tức tỷ lệ 96%, gồm 16% bằng tiền và 80% bằng cổ phiếu.
Bên cạnh đó, SIP cũng điều chỉnh tỷ lệ chia cổ phiếu thưởng từ 20% lên 55%.
Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2022 được nâng lên 145%, gồm 45% bằng tiền và 100% bằng cổ phiếu. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ SIP sẽ tăng gấp đôi, từ 909 tỷ đồng lên 1,818 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2023, SIP đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất gần 5,313 tỷ đồng và lãi sau thuế 755 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 25% so với thực hiện năm 2022. Tỷ lệ cổ tức 2023 dự kiến 10% bằng tiền (1,000 đồng/cp).
Hiện, SIP đã có BCTC hợp nhất quý 1/2023, ghi nhận doanh thu thần 1,394 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế hơn 179 tỷ đồng, giảm 24%, thực hiện 24% kế hoạch lợi nhuận năm. Lãi ròng gần 166 tỷ đồng, thấp hơn 28% so với cùng kỳ.
Theo giải trình, doanh thu giảm cộng thêm Công ty phát sinh khoản chi phí lỗ từ hoạt động thoái vốn tại công ty con và chi phí lãi vay tăng tới 219% khiến lợi nhuận quý 1 giảm.
Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất của SIP |
|
Gần đây, giá cổ phiếu SIP tương đối khởi sắc và đang giao dịch qanh mức 101,800 đồng/cp (phiên sáng 29/05), tăng hơn một nửa so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu SIP từ đầu năm 2023 đến nay |
|
Thế Mạnh
FILI
|