Nikkei Asia đưa Thaiholdings vào “cuộc đua vũ trụ” khu vực dù ThaiSpace đã đổi tên thành… Bãi Thơm Phú Quốc?
Trong bài viết gần đây, Nikkei Asia đã đánh giá cuộc đua vào vũ trụ tại Đông Nam Á đang nóng lên với sự góp mặt của Việt Nam và Thái Lan. Đáng chú ý, bài viết có nhắc đến tên ThaiHoldings (HNX: THD) bất chấp dự án ThaiSpace từng gây xôn xao ngày nào đã có rất nhiều biến động xảy ra.
Cụ thể theo Nikkei Asia, Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia đang ôm tham vọng hướng đến vũ trụ, nhắm tới mảng công nghệ vệ tinh và du lịch không gian.
Trang này sau đó đề cập đến ThaiHoldings, cụ thể: “HĐQT Tập đoàn bất động sản ThaiHoldings của Việt Nam đã thông qua dự án xây dựng một sân bay vũ trụ vào năm 2026, với kế hoạch đầu tư 30 ngàn tỷ đồng.”
“Cơ sở này (sân bay vũ trụ) sẽ được xây dựng tại phía nam đảo Phú Quốc, mục tiêu khởi động chuyến bay đầu tiên vào năm 2030. ThaiHoldings đang phát triển khu nghỉ dưỡng quy mô lớn trên đảo, hướng đến việc biến nó thành một trung tâm du lịch, bao gồm cả du lịch vũ trụ”, trích bài viết.
Lý do Nikkei Asia nhắc đến Thaiholdings có thể hiểu vì ThaiSpace, dự án từng gây xôn xao mà ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã công bố vào cuối năm 2021. Nhưng trên thực tế, câu chuyện xảy ra với ThaiSpace của bầu Thụy có thể khiến nhiều người cảm thấy hoài nghi với nhận định từ Nikkei Asia.
Hoài bão vũ trụ nhưng vốn giảm sốc, công ty đổi tên sau 1 năm
Những ngày cuối năm 2021, HĐQT CTCP Thaiholdings bất ngờ thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thaispace. Ngày 31/12/2021, Thaispace được thành lập với số vốn điều lệ lên tới gần 26.7 ngàn tỷ đồng, hoạt động chính trong mảng dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không. Người đại diện pháp luật lúc này là bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh (2001), sau đó chuyển cho ông Trịnh Văn Thiệm (1978) theo giấy thay đổi đăng ký kinh doanh ngày 18/02/2022.
Hoài bão của Thaispace khi ấy, theo Thaiholdings công bố, thực sự có thể khiến nhiều người giật mình với mục tiêu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ từ Phú Quốc, Việt Nam.
Nhưng chưa đầy nửa năm sau, vào ngày 13/05/2022, Thaispace bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống 2.27 ngàn tỷ đồng, bằng 1/10 so với khi mới thành lập. Trong đó, vốn từ bầu Thụy chiếm hơn 83% (gần 1.89 ngàn tỷ đồng), còn lại là từ Thaiholdings. Công ty cũng chuyển từ hình thức doanh nghiệp cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn.
Sau đó tròn 1 tháng, tại ngày 13/06/2022, bầu Thụy hoàn tất bán hết cổ phần (hơn 87 triệu cp) tại Thaiholdings. Đến ngày 14/06/2022, Thaispace đổi sang một cái tên khác hẳn: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bãi Thơm – Phú Quốc. Trong danh sách thành viên, Thaiholdings vẫn nắm gần 17% tỷ lệ góp vốn, nhưng không còn bóng dáng của bầu Thụy. Thay vào đó là bà Phạm Thu Hằng (gần 910 tỷ đồng, chiếm 40%) và ông Nguyễn Chí Kiên (978.6 tỷ đồng, chiếm 43%).
Được biết, ông Nguyễn Chí Kiên hiện là Chủ tịch HĐQT của Thaiholdings.
Ông Nguyễn Chí Kiên (Ảnh: THD)
|
Đến tháng 10/2022, Thaiholdings cũng chính thức "rút chân" khỏi Bãi Thơm – Phú Quốc, khi số vốn góp được chuyển sang cho ông Trịnh Văn Thiệm, cũng là Tổng Giám đốc của Bãi Thơm – Phú Quốc.
Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bãi Thơm – Phú Quốc vẫn hoạt động chính trong mảng dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không giống như ThaiSpace.
Châu An (Tổng hợp)
FILI
|