Nhà kho, nhà xưởng ở Việt Nam nhiều tiềm năng do nhu cầu thuê cao
Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ trống của thị trường nhà kho, nhà xưởng cao tầng Việt Nam duy trì ở mức khá thấp, với tỷ lệ trống trung bình ghi nhận được 20% ở miền Bắc và 23% ở miền Nam.
Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
|
Nhu cầu thuê nhà kho, nhà xưởng hiện khá lớn. Tính đến nay, tỷ lệ trống của bất động sản công nghiệp trên phạm vi cả nước đang ở mức tương đối thấp, với đất công nghiệp là 8% và nhà kho, nhà xưởng là 10%.
Mặt khác, quỹ đất công nghiệp hạn chế có thể gây ra sự mất cân đối cung-cầu và thực trạng này thúc đẩy sự phát triển của mô hình nhà kho, nhà xưởng cao tầng.
Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo chuyên đề về mô hình nhà kho, nhà xưởng cao tầng tại Việt Nam do Công ty CBRE Việt Nam hợp tác cùng BW Industrial Development (BW) công bố vào đầu tháng 5/2023 vừa qua.
Nhu cầu ngày càng lớn
Theo báo cáo này, Việt Nam nổi lên là một trong những trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới trong suốt hơn một thập kỷ qua. Những bất ổn địa chính trị tại nhiều nơi khiến các tập đoàn trên thế giới bắt đầu hình thành xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nhiều quốc gia Đông Nam Á; trong đó, có Việt Nam, hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất của các "ông lớn" này.
Bên cạnh đó, sức mua hàng hóa tại thị trường nội địa đang tăng mạnh và tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng trong vài năm tiếp theo, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Giai đoạn 2016-2021, lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam bứt phá ngoạn mục và tăng trưởng ấn tượng ở mức 25%/năm. Nhiều gã khổng lồ ngành bán lẻ cũng lên kế hoạch mở rộng và tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, theo ghi nhận của Công ty CBRE Việt Nam, nhu cầu thuê kho, xưởng khá cao, trong khi quỹ đất dần thu hẹp và giá thuê đất liên tục lập đỉnh mới. Nhu cầu dịch vụ giao hàng nhanh cũng tăng mạnh nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, tuy nhiên sự khan hiếm diện tích thuê lớn gần khu vực dân cư đặt ra bài toán khó về quản lý và vận hành chuỗi cung ứng.
Nhờ khả năng tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất, nhà kho, nhà xưởng cao tầng trở thành lựa chọn phù hợp giúp doanh nghiệp thích nghi với sự vận động của thị trường và đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Tính đến quý 4/2022, thị trường nhà xưởng cao tầng Việt Nam ghi nhận tổng nguồn cung 513.957m2, với 70% số này tập trung tại khu vực miền Nam; nguồn cung nhà kho cao tầng đạt 457.479m2 và tất cả dự án đều ở các tỉnh thành khu vực phía Nam.
Theo dự báo của CBRE, trong 5 năm tới, thị trường dự kiến chào đón thêm khoảng 1.000.000m2. Nguồn cung tương lai chủ yếu ở khu vực nằm trong bán kính một giờ lái xe từ hai trung tâm đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ trống của thị trường nhà kho, nhà xưởng cao tầng Việt Nam duy trì ở mức khá thấp, với tỷ lệ trống trung bình ghi nhận được 20% ở miền Bắc và 23% ở miền Nam.
Nhờ sự bật tăng của lĩnh vực thương mại điện tử, cộng thêm lợi thế thiết kế hiện đại và được xây dựng ở vị trí mang tính chiến lược, các dự án nhà kho, nhà xưởng cao tầng thường được chào thuê ở mức cao hơn từ 18-20% so với nhà kho, nhà xưởng truyền thống.
Một số dự án mới đi vào hoạt động từ năm 2019 và được quản lý bởi đơn vị phát triển và vận hành bất động sản công nghiệp uy tín ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao chỉ trong vòng 1-2 năm; trong đó, dự án nhà kho cao tầng Tân Đông Hiệp B của BW tại Dĩ An (Bình Dương) đã nhanh chóng lấp đầy 75% chỉ sau 6 tháng đưa vào vận hành.
Về cơ cấu khách thuê, mô hình nhà xưởng cao tầng phù hợp với các ngành công nghiệp nhẹ (sản phẩm hướng đến phục vụ khách hàng tiêu thụ cuối cùng) hơn là các ngành công nghiệp hỗ trợ (sản phẩm làm yếu tố đầu vào cho những ngành công nghiệp khác). Ngành công nghiệp nhẹ thường ít thâm dụng vốn và chú trọng nhiều hơn vào người tiêu dùng.
Do đó, nhóm khách thuê kinh doanh ngành này có xu hướng tìm mặt bằng thuê sản xuất gần khu dân cư - nơi tập trung khách hàng tiềm năng của họ. Tại Việt Nam, xét về nhu cầu thuê theo ngành nghề, các nhóm ngành chiếm phần lớn cơ cấu phải kể đến là thực phẩm và đồ uống (20%), theo sau đó là ngành nhựa (19%), in ấn (18%) và điện tử (13%).
Xét về diện tích thuê, nhu cầu thuê mặt bằng nhà kho, nhà xưởng cao tầng với diện tích từ 1.000-5.000 m2 khá phổ biến. Diện tích này nhỏ hơn khá nhiều so với diện tích thuê nhà kho, nhà xưởng truyền thống, thường dao động ở mức từ 5.000-10.000 m2.
Nhà kho cao tầng vừa giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, vừa giúp cắt giảm lượng lớn khí thải nhà kính nhờ rút ngắn khoảng cách giữa khu vực trữ hàng và khu dân cư.
Bà Fion Ng, Giám đốc điều hành BW Industrial Development, nhận định: “Nhà kho cao tầng cung cấp giải pháp cho thuê hiệu quả, rút ngắn thời gian giao hàng và tối ưu hóa quỹ đất công nghiệp gần khu dân cư, nhờ vậy giảm thiểu tác động đến môi trường. Sự nở rộ mô hình này mặt khác dễ dẫn đến lưu lượng giao thông tăng cao tại các khu đô thị hiện hữu, và theo đó cần nâng cấp cơ sở hạ tầng phụ trợ để tạo trợ lực phát triển trong dài hạn. Khách thuê sẽ vẫn ưu tiên mặt bằng thuê nằm tại vị trí kết nối thuận tiện với hệ thống đường cao tốc nhằm giảm áp lực thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa xuyên suốt quá trình vận hành chuỗi cung ứng của mình.”
Cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp
Với thiết kế hiện đại, nhà xưởng cao tầng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu thuê của các ngành công nghiệp nhẹ. Ngoài ra, với thiết kế cao tầng cung cấp đa dạng diện tích thuê, mô hình này cũng thích hợp với các doanh nghiệp áp dụng chiến lược tối ưu hóa vốn đầu tư ban đầu, gồm công ty vừa và nhỏ hoặc những công ty mới đang thăm dò nhu cầu thị trường.
Thi công nhà xưởng Công ty TNHH Global Running trong Cụm công nghiệp Gia Thuận I. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
|
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành, CBRE Việt Nam, nhận định: “Tại thị trường Việt Nam, mô hình nhà kho, nhà xưởng cao tầng chưa thể nhanh chóng thay thế hoàn toàn nhà kho, nhà xưởng truyền thống.
Tuy nhiên, có thể thấy, mô hình này đang ngày càng phổ biến với nhiều dự án hiện đang được triển khai xây dựng tại các khu vực tỉnh, thành lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hải Dương và Bắc Ninh. Với triển vọng tích cực của ngành thương mại điện tử và nhu cầu giao hàng nhanh tiếp tục tăng cao, chúng tôi tin rằng mô hình nhà kho, nhà xưởng cao tầng sẽ sớm trở thành xu hướng không thể tách rời của thị trường bất động sản công nghiệp.”
Nhận định các loại hình bất động sản công nghiệp ghi nhận nhu cầu cao trong năm 2023, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội cho biết, nhà xưởng xây sẵn vẫn đang dẫn đầu về nhu cầu, các doanh nghiệp hiện tại hay các doanh nghiệp mới gia nhập đều đang tích cực tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội tại các tỉnh, thành trọng điểm, mới nổi.
Một lĩnh vực cũng ghi nhận được nhu cầu trong thời gian qua là kho lạnh. Việt Nam có thị trường thủy sản cực kỳ tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn cung thực tế của dự án kho lạnh vẫn ở mức thấp do mức đầu tư cho kho lạnh là rất cao bởi các yêu cầu cao về hạng mục kỹ thuật, cơ khí, điện, hệ thống ống, phòng lạnh, phòng cháy chữa cháy. Chi phí cao dẫn tới việc chỉ có số ít nhà đầu tư lớn mới có thể đáp ứng.
Về loại hình, một số nhóm ngành có nhu cầu cao đối với bất động sản công nghiệp có thể kể đến như linh kiện điện tử, hoặc như dệt may đang tăng trưởng trở lại ở miền Bắc. Ngoài ra thị trường cũng ghi nhận nhu cầu từ các nhà sản xuất thiết bị biến tần năng lượng mặt trời và pin mặt trời đến từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Để Việt Nam có thể tiếp tục thu hút và nâng cao nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp, ông Thomas Rooney cho rằng trong thời gian qua, có thể thấy rõ các nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp tạo giá trị cao thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do, ưu đãi thuế, ưu đãi xuất khẩu và cải cách giáo dục để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Ngoài ra, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng làm tăng giá trị khi xem xét sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng. Trong tương quan với các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước đã chi khá lớn để phát triển cơ sở hạ tầng (5,8% tổng GDP), tuy nhiên các dự án về đường cao tốc, cảng nước sâu và cảng dịch vụ cần được cải thiện thêm.
Trước những biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu, đầu tư luôn là một yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận một số thương vụ đầu tư lớn, đặc biệt về sản xuất công nghiệp có thể kể đến như Samsung, LG, Foxconn...
Trong tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Quanta Computer - đối tác của Apple - đã ký thỏa thuận với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định phát triển dự án sản xuất máy tính tại khu công nghiệp Mỹ Thuận.
Đây là nhà máy thứ 9 trên thế giới của Quanta Computer với vốn đầu tư ước tính 120 triệu USD. Dự án Boltun Việt Nam do hai nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) Boltun Corporation và QST International Corporation cũng đã nhận được chứng nhận đầu tư trị giá 165 triệu USD tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (tỉnh Quảng Ninh).
Về lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, mặc dù hiện nay chi phí nhân công tại Việt Nam có xu hướng tăng, song mức tăng này vẫn ở mức không đáng kể. Trong tương quan với các thị trường khác tại khu vực, thì chi phí này vẫn ở mức trung bình. Song, dù Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhiều khoản đầu tư sản xuất mới và nền kinh tế đang tiến lên chuỗi giá trị nhưng vẫn thiếu nguồn cung lao động có tay nghề cao.
Vì vậy, theo các chuyên gia của Savills Việt Nam, khi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Chính phủ cần đảm bảo chất lượng và số lượng lao động có tay nghề cao không quá chênh lệch so với các thị trường trong khu vực.
Đến nay, Việt Nam đã vạch ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 đến năm 2030 nhằm cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo, song đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều./.
Anh Tuấn
Vietnamplus
|