Thứ Hai, 22/05/2023 13:00

Ngành điện quý 1: Buồn của thủy điện

Không còn hưởng lợi từ La Lina, quý 1/2023 đối với các doanh nghiệp thủy điện trở nên hết sức u ám khi đánh rơi hết những thành quả đạt được ở cùng kỳ. Điểm đáng nói là nhóm nhiệt điện cũng không khả quan hơn, bất chấp được dự báo sẽ hưởng lợi từ điều kiện thời tiết năm nay.

Thống kê từ VietstockFinance cho thấy trong số 53 doanh nghiệp công bố kết quả quý 1/2023, có 32 doanh nghiệp báo lãi ròng sụt giảm so với cùng kỳ, 5 doanh nghiệp thậm chí báo lỗ. Số doanh nghiệp tăng lãi chỉ có 16, trong đó có 1 doanh nghiệp chuyển từ lỗ thành lãi.

Theo số liệu của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), sản lượng điện toàn quốc trong quý 1/2023 đạt 61.83 tỷ kWh, giảm 1.6% so với cùng kỳ, chủ yếu do nhu cầu điện nhóm ngành công nghiệp giảm. Nhu cầu điện giảm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của các công ty ngành điện, khi phần lớn ghi nhận kết quả sụt giảm hoặc thua lỗ so với cùng kỳ.

Thủy điện lao dốc

Trong số các doanh nghiệp giảm lãi hoặc thua lỗ, đa số là nhóm thủy điện . Như 5 doanh nghiệp báo lỗ trong kỳ thì có tới 3 doanh nghiệp thuộc nhóm thủy điện.

Trong nhóm doanh nghiệp điện giảm lãi hoặc thua lỗ trong quý 1/2023, đa phần là thủy điện

Đơn cử là Thủy điện Sử Pán 2, giảm 56% doanh thu (còn 17 tỷ đồng), lỗ ròng 11.6 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 7 tỷ đồng). Thủy điện Bắc Hà (BHA) cũng lỗ 15 tỷ đồng trong quý 1/2023, trong khi cùng kỳ lãi 1.2 tỷ đồng. Doanh thu cũng ghi nhận giảm mạnh 43%, còn 33 tỷ đồng.

BHA nằm trong số các doanh nghiệp thủy điện thua lỗ trong quý 1

Nguyên nhân chung được cả 2 doanh nghiệp đưa ra là do thủy văn bất lợi, lượng mưa ít, lưu lượng nước trung bình về hồ quý 1/2023 giảm nên sản lượng điện sản xuất ra giảm khiến doanh thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Với nhóm giảm lãi, đa phần cũng là nhóm thủy điện, dẫn đầu là DTE (Đại Trường Thành Holdings). Doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy thủy điện này dù báo doanh thu tăng trưởng 58%, đạt 93 tỷ đồng, nhưng đánh rơi gần như toàn bộ lợi nhuận khi lãi ròng chỉ khoảng 200 triệu đồng.

Thủy điện Miền Nam (SHP) ghi nhận mất 39% doanh thu (còn 84 tỷ đồng), trong khi lãi ròng hụt tới 75%, chỉ còn 15.3 tỷ đồng trong quý 1/2023. Một số doanh nghiệp nhóm thủy điện khác như Sông Ba Hạ (SBH), Xuân Minh (XMP), Nậm Mu (HJS), hay Cần Đơn (SJD)… cũng đều ghi nhận doanh số sụt giảm, lợi nhuận rơi trên 30%.

Lý do đưa ra đa phần cũng đều vì lưu lượng nước về hồ trong kỳ thấp, dẫn đến sản lượng điện thấp, doanh thu sụt giảm.

Dù vậy, vẫn có một số doanh nghiệp thủy điện báo lãi tăng, như Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) tăng 18% lên gần 477 tỷ đồng; Thủy điện A Vương (AVC) tăng 57%, đạt hơn 155 tỷ đồng; Thủy điện Miền Trung (CHP), đạt gần 108 tỷ đồng; Thủy điện Sông Ba (SBA) tăng lãi 15%, đạt 51.5 tỷ đồng…

Kỳ “trăng mật” của VSH với La Lina dường như vẫn còn dư âm

Có lẽ với các doanh nghiệp trên, kỳ trăng mật với La Lina vẫn còn lại chút dư âm. Bởi trái ngược với nhóm giảm lãi hoặc thua lỗ, lý do nhóm này đưa ra lại là… điều kiện thủy văn thuận lợi, lượng nước về hồ tăng cao.

Nhóm các doanh nghiệp điện tăng lãi trong quý 1/2023

Nhiệt điện không khá hơn

Những tưởng khi thủy điện lao dốc sẽ là cơ hội cho nhiệt điện, giống như các dự báo gần đây của nhiều chuyên gia về cơ hội cho ngành này. Nhưng không, nhóm này cũng không khá hơn khi nhiều cái tên lớn ghi nhận lãi giảm mạnh, đa phần vì nguyên nhân giá nhiên liệu đầu vào tăng cao.

QTP (Nhiệt điện Quảng Ninh) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 15% trong kỳ, đạt gần 3 ngàn tỷ đồng. Nhưng bởi giá nhiên liệu đầu vào (cụ thể là than) tăng cao đã khiến chi phí sản xuất gia tăng. Hệ quả, lãi ròng chỉ còn gần 144 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 so với cùng kỳ.

So với cùng kỳ, QTP có lãi ròng chưa bằng phân nửa

Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng vậy, khi doanh thu ghi nhận tăng nhưng lợi nhuận chỉ bằng nửa cùng kỳ, đạt 50 tỷ đồng. Cũng vì nguyên nhân giá đầu vào tăng cao mà PV Power (POW) lãi ròng chỉ đạt 534 tỷ đồng, giảm 26%.

Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) thậm chí còn tăng lỗ với khoản lỗ ròng 4.9 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2.7 tỷ đồng). Tuy nhiên, lý do của NBP là vì quý 1/2023 không có sản lượng điện phát do chưa có giá bán điện và chưa ký được hợp đồng mua bán điện.

Nhơn Trạch 2 (NT2) là một trong số hiếm hoi của nhóm nhiệt điện báo lãi tăng trong kỳ, với doanh thu tăng 9% (đạt 2.18 ngàn tỷ đồng), lãi ròng tăng 47% (đạt gần 234 tỷ đồng). Doanh nghiệp cho biết, dù giá vốn bật tăng nhưng không tương xứng với mức tăng doanh thu, qua đó giúp kết quả của họ trở nên thuận lợi. Có lẽ một phần bởi NT2 sử dụng nguyên liệu chính là khí đốt và dầu DO, trong đó giá và nguồn cung khí đã được đảm bảo phần nào nhờ hợp đồng ký kết dài hạn cùng PV GAS.

NT2 có một quý kinh doanh tốt đẹp hơn so với đa số doanh nghiệp cùng ngành

Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) chuyển lỗ thành lãi (14.6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 12 tỷ đồng), nhờ việc quý 1/2023 đã có doanh thu trong khi cùng kỳ chưa tính vì chưa có giá cơ sở.

Nỗi buồn của điện gió

Việc trì hoãn ban hành Quy hoạch điện 8 (QHĐ8, đã thông qua vào ngày 15/05/2023) và giá điện chuyển tiếp thấp hơn kỳ vọng có lẽ đã phần nào gây ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp điện tái tạo, đặc biệt là điện gió.

Như Điện Gia Lai (GEG) của TTC Group – một trong những doanh nghiệp làm điện gió mạnh nhất hiện nay – đã có quý 1 tương đối ảm đạm với doanh thu giảm nhẹ, còn 549 tỷ đồng; lãi ròng 64.2 tỷ đồng, giảm hơn 55% so với cùng kỳ. Lý do đưa ra vì doanh thu bán điện giảm, trong khi giá vốn tăng. Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng mạnh vì nợ vay tăng và lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng.

REE dù báo lãi tăng nhưng như đã nêu, kết quả ấy nhờ vào thủy điện. Còn điện gió và điện mặt trời – theo BCTC hợp nhất quý 1/2023 – đều ghi nhận giảm.

Tập đoàn Hà Đô (HDG) ghi nhận doanh thu tăng 40%, lên hơn 956 tỷ đồng; lãi ròng quý đạt gần 303 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Dù là một doanh nghiệp bất động sản, nhưng chiếm 57% doanh thu quý 1 của Hà Đô lại nằm ở khoản mục thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Có điều xét đến việc 9 đơn vị thành viên của HDG chỉ có 3 công ty điện gió (trong đó có 1 công ty liên kết), còn lại là thủy điện và điện mặt trời (đều là công ty con), mảng điện gió nhiều khả năng sẽ có đóng góp không cao khi bối cảnh chung không thuận lợi.

Hồng Đức

FILI

Các tin tức khác

>   TSJ: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (19/05/2023)

>   VEA: Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chấp thuận hợp đồng giữa VEAM với FOMECO (Lần 3) (19/05/2023)

>   VTL: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (19/05/2023)

>   VTL: Phụ lục Sửa đổi, bố sung Điều lệ tổ chức và hoạt động Công ty - PL Quy chế hoạt động của HĐQT Công ty - PL Quy chế nội bộ về Quản trị Công ty - PL Quy chế hoạt động của BKS Công ty (19/05/2023)

>   DPH: Báo cáo thường niên 2022 (19/05/2023)

>   DNA: CBTT Về ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (19/05/2023)

>   EVF: Nghị quyết HĐQT bổ nhiệm Người đại diện theo pháp luật (19/05/2023)

>   EVF: Nghị quyết HĐQT bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc (19/05/2023)

>   Cổ phiếu than "nóng hực”, lợi nhuận ngành thăng hoa trong 2 quý gần nhất (19/05/2023)

>   VC9: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (19/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật