Thứ Bảy, 27/05/2023 14:02

Kỳ vọng giải pháp thiết thực gỡ khó dòng tài chính cho doanh nghiệp

Nợ xấu đang dần trở thành vấn đề lớn khi khả năng trả nợ của doanh nghiệp và người dân đều suy giảm. Thông tư 02 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ dòng tiền trong ngắn hạn, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại về tính hiệu quả.

Ngành ngân hàng đang có rất nhiều gói chính sách hỗ trợ và khách hàng kỳ vọng đi vào thực tế nhiều hơn. Ảnh minh họa: L.Vũ.

Doanh nghiệp trông mong dòng tài chính

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường hoạt động tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023 ban hành ngày 23-4.

Tăng trưởng GDP thấp trong mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao không phải là môi trường kinh doanh tốt đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế, Thông tư 02 được kỳ vọng sẽ giúp thị trường vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.

Thông tư 02 quy định về việc các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản vay sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; đồng thời điều chỉnh cách trích lập dự phòng đối với các khoản vay trên.

Chính sách cơ cấu nợ này không mới. Đứng trước rủi ro nợ xấu vì dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cũng đã ban hành Thông tư 01/2020, sau đó bổ sung bằng thông tư 03/2021 và Thông tư 14/2021, kết thúc đợt cơ cấu vào tháng 6 năm ngoái.

Tuy nhiên, cũng có điểm mới trong lần này được nhắc đến là cơ cấu cả nợ vay tiêu dùng. “Việc bổ sung nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống vào đối tượng xem xét cơ cấu lại cho thấy động thái kích cầu thị trường, gián tiếp hỗ trợ thanh khoản phía cầu của bất động sản khi thị trường nhà ở diễn ra tương đối ảm đạm từ nửa cuối 2022”, nhóm phân tích của FiinRatings, công ty phân tích dữ liệu tài chính, đánh giá.

Trên thực tế, chính sách cơ cấu nợ trước đây được các ngân hàng thương mại đánh giá cao. Theo đại diện Ngân hàng OCB, sau dịch Covid-19, các khách hàng được cơ cấu nợ đều thanh toán đầy đủ các khoản nợ đã cơ cấu. Đến cuối năm 2022, OCB đã thu hồi 87% tổng nợ đã cơ cấu, còn dư nợ gốc cơ cấu còn lại 0,35% tổng dư nợ vay. Tương tự, đại diện VPBank ghi nhận khoảng 85% trở lại trạng thái trả nợ bình thường sau đại dịch.

Thông tư 02 ra đời vì thế đều nhận được đánh giá tích cực từ các bên tham gia thị trường. Khách hàng giảm áp lực trả nợ, giữ khả năng tiếp cận vốn nhờ giữ nguyên nhóm nợ, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh và cả tiêu dùng đều đang gặp khó khăn.

Với các ngân hàng, áp lực trích lập dự phòng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong hai năm. Ngoài ra, theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, chính sách này đồng thời sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư, tháo gỡ phần nào vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Với các doanh nghiệp, khó khăn hiện nay đã “thấm” sâu vào hoạt động kinh doanh và kỳ vọng sớm được hỗ trợ, ít nhất là dòng tiền duy trì hoạt động. “Đây là chính sách kịp thời cần phải triển khai ngay, vì hiện tại rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đánh giá.

Trước đó, đầu tháng 4, trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất cho phép các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quí 1 và 2, đồng thời tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh xuất khẩu giảm. Mục tiêu là để doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quí tiếp theo.

Bên cạnh việc đẩy nhanh đầu tư công, các giải pháp khác của chính sách tài khóa được nhiều chuyên gia góp ý để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm tải phần nào cho hệ thống TCTD. Ảnh: Minh Hoàng

Kỳ vọng chính sách sớm đi vào thực tế

Trong một cuộc trả lời báo chí, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết Thông tư 02 là một trong những giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có hướng dẫn nội bộ, quy trình, thủ tục đơn giản, thuận lợi. Theo ông, các tổ chức tín dụng phải coi việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải đảm bảo chính sách này được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan.

Với thời hạn kéo dài cho những khoản nợ đến hạn và kéo dài thời gian được cơ cấu tối đa là một năm, chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp có thêm nguồn lực, điều kiện tái tạo quay vòng nguồn vốn kinh doanh. Doanh nghiệp cũng có thêm điều kiện tài chính để đảm bảo việc chưa giải quyết được đơn hàng tồn kho, vượt qua khó khăn.

Ghi nhận của KTSG Online từ thực tế cho thấy các ngân hàng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Thông tư 02 nêu trên. Đại diện VPBank cho biết ước tính quy mô ban đầu cơ cấu khoảng 8-10.000 tỉ đồng, chủ yếu là khách hàng lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, con số cụ thể sẽ còn phụ thuộc khi triển khai trong quí 2 và quí 3.

Tương tự, đại diện OCB cho biết ngân hàng đã chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, đồng thời tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

“Việc chuẩn bị các kịch bản này đem lại hiệu quả tốt không chỉ cho ngân hàng mà cả cho khách hàng, giúp khách hàng chủ động trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn và sắp xếp dòng tiền trả nợ đúng hạn”, ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư, Ngân hàng OCB, cho biết tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 diễn ra hồi giữa tháng 5.

Trong Chỉ thị 02 mới đây, NHNN yêu cầu các TCTD nhanh chóng ban hành quy định nội bộ và thực hiện ngay việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02; đồng thời không được gây khó khăn khi ban hành thêm các điều kiện, thủ tục khác. Tuy nhiên, việc cơ cấu nợ vẫn phải “đảm bảo chất lượng tín dụng, đảm bảo khách quan, đúng bản chất của nợ xấu”.

Theo lãnh đạo VPBank chia sẻ tại buổi trao đổi với nhà đầu tư mới đây, Thông tư 02 cho phép ngân hàng chủ động quản trị rủi ro nợ xấu nhưng vẫn phải có những điều kiện nhất định, do đó ngân hàng sẽ cân nhắc thực hiện ở mức độ hợp lý để vừa hỗ trợ khách hàng, vừa đảm bảo an toàn hoạt động.

Theo nhóm phân tích của FiinRatings, sự hiệu quả của Thông tư còn tùy thuộc vào việc đánh giá và phân loại của từng tổ chức tín dụng, trong đó đặc biệt là tiêu chí xác định tính khả thi của việc trả nợ trong thời gian cơ cấu. “Chúng tôi cho rằng các tổ chức tín dụng sẽ tập trung ưu tiên các khoản vay lớn hoặc khách hàng lớn, thay vì áp dụng đại trà cho toàn bộ khách hàng trong khoảng thời gian ngắn như quy định cho phép”, báo cáo của FiinRatings bình luận.

Thị trường bất động sản suy giảm cũng tạo áp lực lớn đến các rủi ro khoản vay. Ảnh minh họa: L.V.

Bản thân các ngân hàng cũng đứng trước thách thức cơ cấu nợ, đối diện với nhiều quy định pháp lý liên quan. Áp lực cơ cấu là chưa bao giờ dễ dàng, thực tế việc triển khai Thông tư cơ cấu nợ giai đoạn dịch Covid-19 cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lãnh đạo nhà băng đã chia sẻ trước đó. Một ví dụ gần đây nữa là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chưa hiệu quả, trong bối cảnh các bên cũng không mặn mà khi lo ngại về điều kiện hỗ trợ.

Bên cạnh những lo ngại của thị trường về điều kiện hỗ trợ khó khăn mà các tổ chức tín dụng có thể đặt ra, Thông tư 02 thực tế cũng có những khó khăn riêng. Theo đó, chính sách này là để kéo dài thời gian cho nền kinh tế phục hồi, nhưng bối cảnh kinh doanh và bức tranh vĩ mô năm 2023 đã khác hoàn toàn với thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện.

Bản chất các khoản nợ được cơ cấu vẫn là nợ xấu, nên vẫn có thể nhảy nhóm nợ nếu môi trường kinh doanh và tình hình doanh nghiệp không cải thiện sau khi quy định này hết hiệu lực (12 tháng), theo FiinRatings.

Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng Thông tư 02 không thể đứng riêng lẻ, mà chỉ nên được hiểu là một trong những giải pháp cộng thêm nhằm giúp tháo gỡ khó khăn trên thị trường. Việc đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, hay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng và nhiều chính sách khác đang được kỳ vọng triển khai đồng thời và đi vào thực tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cũng cho rằng hiện nhóm TCTD đang hỗ trợ nền kinh tế trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, thay vì dồn hết mọi khó khăn của nền kinh tế lên các ngân hàng thương mại, cần phải đẩy mạnh các giải pháp khác đến từ chính sách tài khóa, như giảm thuế, và giải quyết các vấn đề của thị trường vốn.

Dũng Nguyễn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thanh toán không tiền mặt ‘phủ sóng’ ngày càng mạnh (26/05/2023)

>   Giảm lãi suất cho vay chờ ‘thẩm thấu’ chính sách (24/05/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước giảm các mức lãi suất điều hành thêm 0,5% từ ngày 25-5 (24/05/2023)

>   Đề nghị tăng hơn 17.000 tỉ đồng vốn điều lệ cho Agribank (23/05/2023)

>   Ngân hàng nào hưởng lợi sau khi đỉnh lãi suất qua đi? (21/05/2023)

>   Chuẩn hóa ’kho vàng’ dữ liệu góp phần đẩy nhanh tiến độ số hóa ngân hàng (20/05/2023)

>   Triển vọng kinh tế Việt Nam và khu vực châu Á: Vẫn tiếp tục phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định (18/05/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM: không có chuyện hết ‘room’ tín dụng (17/05/2023)

>   Hai điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh quí 1 của các ngân hàng! (11/05/2023)

>   Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt giữa nhiều biến số bất định (10/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật