Kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh có thể đạt 7 tỷ USD trong năm 2023
Với lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh quý I đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước, Ngân hàng Nhà nước dự kiến kiều hối về thành phố năm 2023 có thể đạt 7 tỷ USD.
Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
|
Theo thông tin được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng khá, dự kiến có thể đạt 7 tỷ USD trong năm 2023, tăng khoảng 6-7% so với năm 2022.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh tăng liên tục trong 5 năm gần đây; trong đó, năm 2021 đạt cao nhất, hơn 7,1 tỷ USD. Mặc dù năm 2022, lượng kiều hối có giảm về mức 6,6 tỷ USD, nhưng đây vẫn là mức cao.
Các con số trên được ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia ngành tài chính về xây dựng Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố tổ chức chiều 22/5.
Theo đó, với lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh trong quý I đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước, ông Nguyễn Đức Lệnh dự kiến kiều hối về thành phố có thể đạt khoảng 7 tỷ USD trong năm 2023, tăng 6-7% so với năm 2022.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sở dĩ thành phố Hồ Chí Minh thu hút lượng lớn kiều hối vì thành phố luôn có cơ chế chính sách thông thoáng. Chẳng hạn, thân nhân không phải trả thuế thu nhập, có thể nhận trực tiếp hoặc chuyển khoản cùng với hệ thống điểm giao dịch, đại lý, tổ chức chi trả rộng khắp để đáp ứng tốt nhất việc chi trả kiều hối…
Nói thêm về lý do Việt Nam vẫn thu hút lượng lớn kiều hối chuyển về trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh nhận định nguyên nhân là do tỷ giá, lạm phát trong nước ổn định. Ngược lại, dòng kiều hối liên tục tăng trong thời gian vừa qua cũng đã hỗ trợ rất lớn đối với điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Để thu hút kiều hối, Phó giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Đức Trung cho rằng, cơ quan quản lý cần có dự báo tiềm năng tối đa kiều hối về thành phố Hồ Chí Minh, để từ đó có các chính sách thu hút cụ thể.
Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy các lợi thế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, logistics và du lịch để kiều bào thấy được đây là thành phố đáng sống. Khi đó thành phố mới có thể thu hút lượng kiều hối cao hơn.
Dưới góc độ của người Việt tại nước ngoài, ông Bùi Việt Khôi, Tham tán Khoa học Công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia cho biết, nguồn lực từ kiều bào Việt Nam đang sống tại Australia là rất lớn. Do vậy, cần nghiên cứu các chính sách phù hợp với kiều bào tại các nước phát triển; trong đó có Australia, để thu hút kiều hối.
Theo ông Bùi Việt Khôi, ngoài giúp gia đình, kiều bào cũng kỳ vọng nguồn tài chính nhàn rỗi của họ được đầu tư mang lại hiệu quả cho tương lai như mong muốn sở hữu nhà, bất động sản ở quê nhà.
Nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ thì nguồn tiền sẽ được họ đầu tư ngay ở nước sở tại, mà không chuyển về nước. Do đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, có chính sách cụ thể, phù hợp với thực tế để thu hút lượng kiều hối về Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để tiếp tục mở rộng và thu hút nguồn kiều hối, thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục khai thác tốt yếu tố trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục hàng đầu của cả nước.
Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư, nguồn kiều hối chuyển về để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lĩnh vực công nghệ; phát triển kinh tế xanh… ./.
H.Chung
Vietnamplus
|