Hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản thay đổi ra sao?
Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản đã công bố BCTC trong quý 1/2023 ghi nhận còn gần 456.5 ngàn tỷ đồng, giảm chưa đầy 1% so với đầu năm. Điều này phản ánh phần nào các giao dịch trầm lắng của thị trường bất động sản trong ba tháng đầu năm nay.
Hàng tồn kho được xem là tài sản kinh doanh bởi đây là nguồn hàng cơ bản tạo ra doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai.
Hàng tồn kho giảm chưa đầy 1%
Theo thống kê từ VietstockFiance, 100 doanh nghiệp công bố BCTC quý 1/2023 thuộc nhóm BĐS bao gồm nhà ở và khu công nghiệp (trên HOSE, HNX và UPCoM) tổng giá trị hàng tồn kho tính đến 31/03/2023 là 456,482 tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm. Trong đó, 52 doanh nghiệp tăng, 22 doanh nghiệp không thay đổi và 26 doanh nghiệp giảm hàng tồn kho so với đầu năm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Đầu tư Đức Trung (UPCoM: DTI) hàng tồn kho giảm mạnh nhất 58%, còn 13 tỷ đồng. Tiếp đến là Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (UPCoM: PXA) 73 tỷ đồng, giảm 56% so với đầu năm. Tập đoàn Khải Hoàn Land (HOSE: KHG) cũng giảm 54%, còn 211 tỷ đồng hàng tồn kho.
Đứng cuối bảng top 10 là BV Land (UPCoM: BVL) 541 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trái ngược, Xây dựng Số 3 Hải Phòng (UPCoM: HC3) tăng đột biến gần 7 lần so với đầu năm, lên 2 tỷ đồng; trong đó, 1.9 tỷ đồng đến từ chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang. CTCP ANI (HNX: SIC) 65 tỷ đồng, mức tăng 214%. Khu Công nghiệp Cao su Bình Long (UPCoM: MH3) 220 triệu đồng là tên cuối cùng trong top tăng trên 100% với mức tăng 126%.
Hàng tồn kho của các ông lớn bất động sản
Số liệu từ VietstockFiance cho thấy có 15 doanh nghiệp bất động sản hàng tồn kho chiếm từ 50% tổng tài sản tính đến cuối quý 1, phần lớn là doanh nghiệp bất động sản nhà ở.
Nguồn: VietstockFinance
|
Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) là doanh nghiệp có tỷ lệ hàng tồn kho lớn nhất trong ngành, chiếm 76% trên tổng tài sản, tương đương gần 2 ngàn tỷ đồng. Phần lớn là chi phí sản xuất và kinh doanh dở dang chiếm 98%; trong đó, dự án 23ha Bãi Muối, TP. Hạ Long là 727 tỷ đồng, chiếm hơn 60%, đây cũng đang là dự án chủ đạo mang lại doanh thu chính cho NTL trong năm 2023.
Tiếp đến là Đầu tư và Xây dựng HUD4 (UPCoM: HU4) và Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) với hàng tồn kho so với tổng tài sản lần lượt là 74% và 73%. Đứng cuối cùng trong top này là Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) với tỷ lệ hơn 50%.
Nguồn: VietstockFinance
|
Xét theo tổng tài sản thì không thể không nhắc tới họ nhà “Vin” khi có 2/3 Công ty đứng đầu ngành có trên hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đây cũng là hai doanh nghiệp có quy mô tài sản đứng đầu ngành bất động sản.
Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC) có tổng giá trị tài sản 596,877 tỷ đồng tăng 4%; trong đó, hàng tồn kho 91,911 tỷ đồng chiếm 15% tổng tài sản và giảm 7% so với đầu năm.
Kế đến trong họ nhà “Vin” là Vinhomes (HOSE: VHM) 377,622 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 4%; trong đó, 60,947 tỷ đồng là hàng tồn kho giảm 5% so với đầu năm và chiếm 16% so với tổng tài sản. Hàng tồn kho VHM đến từ việc đầu tư các dự án như khu đô thị sinh thái Dream City, dự án khu đô thị Đại An, Grand Park, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City…
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) là doanh nghiệp có quy mô tài sản đứng thứ ba với giá trị 256,194 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm. NVL là doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho lớn nhất 136,905 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Chủ yếu đến từ việc đầu tư các dự án Aqua City, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm nhận chuyển nhượng các dự án mới. Chiếm 91% là các dự án bất động sản đang xây dựng 125,107 tỷ đồng.
Ngoài ra, ở chiều ngược lại, Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) giảm 19% còn 1,120 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản đạt 14,749 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 1/2023, tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở loại bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án. Hàng tồn kho vào khoảng 18,808 căn, nền (bao gồm chung cư, riêng lẻ, đất nền); trong đó, chung cư 2,572 căn, nhà ở riêng lẻ 9,123 căn và đất nền 7,113 nền. |
Thanh Tú
FILI
|