Hai cổ đông lớn thoái bớt vốn tại CVN
CTCP Vinam (HNX: CVN) vừa báo cáo thay đổi sở hữu cổ phiếu của hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Minh Cường và ông Nguyễn Minh Tuấn.
Cụ thể, vào ngày 11/05/2023, ông Nguyễn Minh Cường - cựu Thành viên HĐQT (đến ngày 21/06/2022) kiêm Giám đốc (đến ngày 01/07/2022) đã bán ra 980,000 cp.
Sau giao dịch, ông Cường giảm tỷ lệ sở hữu tại CVN từ 6.06% (1.8 triệu cp) xuống còn 2.76% (820,000 cp), qua đó không còn là cổ đông lớn của CVN.
Đến ngày 17/05, ông Nguyễn Minh Tuấn bán gần 2.2 triệu cp, hạ sở hữu từ 3 triệu cp (10.1%) xuống 838,800 cp (2.82%), và không còn là cổ đông lớn tại CVN.
Chiếu theo giá chốt các phiên tương ứng, ước tính giao dịch của ông Cường và ông Tuấn có giá trị lần lượt hơn 3 tỷ đồng và hơn 8 tỷ đồng.
Kết phiên 22/05, giá cổ phiếu của CVN chốt ở mức 3,700 đồng/cp, tăng hơn 23% so với đầu năm. Khối lượng giao dịch bình quân tính từ đầu năm đến nay gần 240 ngàn cp/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu CVN từ đầu năm 2023 đến nay |
|
Mục tiêu lãi sau thuế 2023 gấp 6 lần cùng kỳ, nhưng quý 1 lãi chưa đến 100 triệu đồng
Vinam (CVN) tiền thân là CTCP Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Việt Nam (được thành lập ngày 14/02/2007; đến tháng 12/2009, Công ty đổi tên thành CTCP Vinam). Doanh nghiệp hoạt động chuyên về lập hồ sơ, phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu, và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tiền khả thi và báo cáo đầu tư các dự án...
Về tình hình sản xuất kinh doanh, CVN vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến tổ chức vào sáng ngày 08/06 tại Hà Nội, theo danh sách chốt cổ đông ngày 10/05/2023.
Tại Đại hội tới, CVN dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu tổng doanh thu 250 tỷ đồng và lãi sau thuế 40 tỷ đồng, tương ứng gấp 2.3 lần và 5.7 lần năm trước.
Hiện tại, Công ty đã có BCTC hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh tới 118% khiến lãi gộp giảm 20%. Biên lãi gộp theo đó lao dốc từ 39% xuống 18.5%.
Cộng thêm đó, các chi phí đồng loạt tăng cao khiến lãi sau thuế quý 1 của CVN giảm tới 94% so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn 94 triệu đồng.
Kết quả kinh doanh 5 quý gần đây của CVN |
|
Không chia cổ tức 2022
Trở lại với các tờ trình, về phương án phân phối lợi nhuận, căn cứ nhu cầu nguồn lực tài chính để đầu tư các hạng mục dự án đang triển khai năm 2023, HĐQT CVN đề nghị phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế năm 2022 gần 7 tỷ đồng (không thực hiện phân chia các quỹ, không chia trả cổ tức 2022) để tái đầu tư, nâng cao năng lực tài chính cho Công ty.
Bên cạnh đó, CVN cũng công bố tờ trình báo cáo tình hình sử dụng vốn và thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 198 tỷ đồng lên gần 297 tỷ đồng.
Cụ thể, sau khi thu gần 99 tỷ đồng từ đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng (ngày kế thúc đợt chào bán là 03/08/2022), CVN đã hoàn thành giải ngân hơn 31 tỷ đồng để góp đủ vốn đã đăng ký tại CTCP Công nghệ cao Y tế và Môi trường Hạ Long Tokyo, và giải ngân gần 18 tỷ đồng góp vốn trong đợt tăng vốn của Công ty TNHH Vinam Sài Gòn.
Còn lại gần 50 tỷ đồng dự kiến bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng LPG chưa được giải ngân do CVN nhận thấy chưa phải là thời điểm thích hợp để triển khai kinh doanh khí LPG. Do đó, HĐQT trình cổ đông thông qua phương án sử dụng vốn mới để tăng tính hiệu quả sử dụng vốn, đáp ứng kịp thời nguồn tiền cần sử dụng của Công ty cho các hoạt động kinh doanh.
Tình hình sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng của CVN
Nguồn: CVN
|
Theo đó, với phương án mới, CVN dự kiến dùng gần 50 tỷ đồng còn lại để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh máy, vật tư, trang thiết bị nông nghiệp… Thời gian giải ngân dự kiến từ quý 3-4/2023.
Thế Mạnh
FILI
|