Giá dầu lao dốc 4%, chứng khoán Mỹ giằng co trước khi Fed ra quyết định
Giá dầu nới dài đà giảm trong ngày 03/05 sau cú lao dốc 5% trong phiên trước đó, khi nhà đầu tư lo ngại về tình hình sức khỏe của kinh tế Mỹ và chờ đợi quyết định chính sách của Fed.
Tính tới lúc 21h35 ngày 03/05 (giờ Việt Nam), hợp đồng dầu WTI tương lai giảm 4.1% xuống 68.5 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent giảm 4% xuống 72.3 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng đều khép phiên ngày 02/05 ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2023 và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ đầu tháng 1/2023.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính rơi vào thế giằng co, với Dow Jones giảm nhẹ, còn S&P 500 tăng nhẹ.
"Fed được kỳ vọng nâng thêm 25 điểm cơ bản trong hôm nay như một phần của cuộc chiến chống lạm phát", Stephen Brennock, Chuyên viên phân tích tại PVM Oil, nhận đinh. Ông nói thêm mối lo ngại về tình hình ngành ngân hàng Mỹ và dữ liệu việc làm ảm đạm "không thể xua tan nỗi sợ về khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ.
Fed được kỳ vọng nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, còn NHTW châu Âu nhiều khả năng cũng sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp ngày 04/05.
Việc nâng lãi suất có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và tác động tiêu cực tới nhu cầu năng lượng.
Trước đó, các cơ quan chức trách Mỹ đã tiếp quản ngân hàng First Republic và bán phần lớn tài sản cho JPMorgan. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ở Australia, NHTW gây sốc khi nâng lãi suất chuẩn trong ngày 02/05 và cảnh báo có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Trong khi đó, mối lo ngại về nhu cầu diesel trong vài tháng qua đã kéo giảm hợp đồng tương lai dầu sưởi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Giá năng lượng cũng chịu áp lực sau khi dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất bất ngờ giảm trong tháng 4/2023. Trung Quốc đang là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và cũng là bên mua dầu thô hàng đầu.
Việc Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế sẽ tạo bước ngoặt cho châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết. Tuy vậy, họ cảnh báo rủi ro từ lạm phát cao kéo dài và sự biến động mạnh của thị trường toàn cầu vì rắc rối của lĩnh vực ngân hàng ở phương Tây.
Trong khi đó, dự trữ dầu thô Mỹ ghi nhận chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022, giảm khoảng 3.9 triệu thùng trong tuần trước, theo dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|