Dragon Capital: Nợ xấu vẫn đáng lo ngại nhưng rủi ro hệ thống đã giảm đáng kể
Theo Dragon Capital, kinh tế giảm tốc, cùng xu hướng chốt lời và giảm tỷ trọng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài đã làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được từ đợt phục hồi giữa tháng 3.
Trong bản tin thị trường mới nhất, quỹ Dragon Capital cho biết chỉ số VN-Index đã giảm 1.5% trong tháng 4/2023, chủ yếu do sự suy giảm của nhóm cổ phiều có vốn hóa lớn, với nhiều yếu tố khác nhau tác động đến quan điểm thận trọng của các nhà đầu tư.
Quỹ đầu tư này cho rằng Kinh tế giảm tốc, cùng xu hướng chốt lời và giảm tỷ trọng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài đã làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được từ đợt phục hồi giữa tháng 3.
“Thêm vào đó việc khối ngoại bán ròng 118 triệu USD, tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn càng khiến cho thị trưởng thêm gánh nặng và làm giảm tâm lý các nhà đầu tư nhỏ lẻ”, Dragon Capital cho biết.
Tuy vậy, điểm tích cực là Chính phủ đã đưa ra nhiều cải cách về chính sách, trong đó có việc xem xét tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho 7 dự án tại tỉnh Đồng Nai của các chủ đầu tư lớn bao gồm NVL, DIG và NLG.
Và nhà đầu tư cũng phản ứng tích cực với thông tin trên, thể hiện qua đà tăng mạnh của một loạt cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ.
“Nhà đầu tư bắt đầu mạnh dạn lựa chọn những cổ phiếu có thiên hướng chu kỳ và mức beta cao hơn thị trường chung, đặc biệt các công ty được coi là đang hồi phục từ đáy, giúp cho hiệu quả tăng trưởng của nhóm này vượt qua nhóm cổ phiếu lớn với mức chênh đáng kể là 6.6%”, quỹ đầu tư này cho biết.
Rủi ro hệ thống đã giảm đáng kể
Ngoài ra, việc ban hành bổ sung Thông tư 02 nhằm hỗ trợ thị trường vốn cùng với việc giảm lãi suất, tái cơ cấu lại nợ và tỷ lệ LDR sẽ là chất xúc tác cho triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng.
“Nợ xấu tuy vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhưng rủi ro hệ thống đã giảm đáng kể. Giống như sự phục hồi của ngành bất động sản phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu các ngân hàng tư nhân, vốn được hưởng lợi hơn rất nhiều từ chính sách này so với các ngân hàng quốc doanh, cũng có mức tăng giá tốt hơn”, Dragon Capital cho biết.
Trong quý 1/2023, lợi nhuận ròng của 80 doanh nghiệp hàng đầu sau khi được điều chỉnh theo tỷ lệ lưu hành đã giảm 28% so với cùng kỳ, với doanh thu giảm 6%. Trong đó, ngành ngân hàng, đóng góp 64% tổng lợi nhuận.
Với ngành bất động sản, doanh số lớn từ VHM và KBC đã giúp lợi nhuận ngành tăng 2%. Trong khi đó ngành Công nghệ thông tin và Năng lượng có kết quả tăng trưởng khả quan từ 6%-20%.
Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ giảm 60% lợi nhuận trong quý 1
Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã giảm tới 60% lợi nhuận, trong khi doanh thu giảm 15%, chủ yếu do những thách thức trong lĩnh vực hóa chất, kim loại, bán lẻ,thực phẩm và đồ uống do giá cả hàng hóa lao dốc và nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm.
“Kết quả quý 1/2023 đã hoàn thành 22% dự báo cho năm 2023 của chúng tôi, phù hợp với kỳ vọng ngoại trừ lĩnh vực tiêu dùng. Chúng tôi tin rằng quý 1/2023 sẽ đánh dấu mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước thấp nhất do mức nền cao của cùng kỳ”, Dragon Capital cho biết.
Tuy nhiên, quỹ đầu tư này dự báo khi chi phí tài chính giảm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thể cải thiện trong quý 2/2023 và sẽ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 (do so với mức nền thấp của cùng kỳ).
“Dự báo tăng trưởng năm 2023 của chúng tôi không thay đổi ở khoảng 5%-7%”, Dragon Capital cho biết.
Sản xuất khó cải thiện đáng kể trong vài tháng tới?
Về kinh tế, độ mở thương mại lớn khiến cho Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu bất lợi thì nền kinh tế sẽ dễ bị ảnh hưởng.
Trong đó, thặng dư thương mại đạt 1.5 tỷ USD nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và nhập khẩu đều giảm 2 con số. Trong đó điện tử, may mặc và sản phẩm gỗ là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Sự sụt giảm đơn hàng mới đã tác động đến các hoạt động sản xuất công nghiệp, thể hiện ở mức tăng trưởng khiêm tốn chỉ 3.6% so với tháng trước và 0.5% so với cùng kỳ.
“Với việc môi trường lãi suất cao tiếp tục tạo áp lực lên nhu cầu hàng hóa toàn cầu, chúng tôi kỳ vọng sẽ chưa có nhiều cải thiện đáng kể trong một vài tháng tới đây. Đáng chú ý, chỉ số PMI tiếp tục giảm còn 46.7 trong tháng 4 so với mức 47.7 của tháng trước, đánh dấu lần thu hẹp thứ 5 trong vòng 6 tháng vừa qua”, Dragon Capital cho biết.
Điểm tích cực là chi tiêu du lịch tăng mạnh nhờ dịp lễ cuối tháng 4/2023. Tổng doanh số bán lẻ tăng 11.5% so với cùng kỳ, nhờ mức tăng 16.6% và 21.1% tương ứng với ngành du lịch và dịch vụ lưu trú. Đóng góp phần lớn vào sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch là sự trở lại của nhóm du khách Trung Quốc, với mức tăng mạnh 70% so với tháng 3, thời điểm mà quốc gia này chính thức mở cửa.
Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP về mức 5.5-6% trong năm 2023.
“Chúng tôi hy vọng rằng trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào ngày 22/05 sắp tới sẽ có thêm nhiều chính sách mới được đưa ra nhằm hồi phục và phát triển kinh tế, bao gồm cả các giải pháp với mục tiêu gia hạn và tạm hoãn việc gia hạn các loại thuế, phí và tiền sử dụng đất trong năm 2023, giải ngân đầu tư côngvà giảm thuế VAT”, Dragon Capital cho biết.
Họ nói thêm tốc độ và hiệu quả thực thi của những biện pháp hỗ trợ trên sẽ là một trong những yếu tố quyết định ảnh hưởng tới kết quả tăng trưởng của kinh tế của cả năm 2023.
Vũ Hạo
FILI
|