Doanh nghiệp 'không biết vay tiền để làm gì'
Nếu cuối năm ngoái, đầu năm nay, doanh nghiệp còn liên tục kêu khó tiếp cận vốn vay thì giờ ngược lại, tiếp cận vốn không khó nhưng doanh nghiệp không biết nên làm gì cho hiệu quả nên chưa có nhu cầu vay tiền.
DN không muốn vay vì không hiệu quả
Trao đổi với PV bên lề họp báo Diễn đàn Kinh tế TP.HCM chiều 11/5, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) cho biết, tình hình kinh tế đang thay đổi quá nhanh.
Doanh nghiệp không xuất hàng được, cầu cả trong và ngoài nước đều bị thu hẹp. Tâm trạng chung của doanh nghiệp là cầm cự, giữ đơn hàng. Một số doanh nghiệp còn phải bán bớt tài sản để trả nợ khi đáo hạn, nếu không muốn xếp vào nhóm nợ xấu, bị mất uy tín trong vấn đề thanh toán.
Theo ông, cuối năm ngoái, đầu năm nay, doanh nghiệp còn liên tục kêu khó tiếp cận vốn vay, giờ thì ngược lại, tiếp cận vốn không khó nhưng doanh nghiệp không biết nên làm gì cho hiệu quả. Họ chưa có nhu cầu vay tiền. Ở chiều ngược lại, ngân hàng cũng rất cần bơm vốn ra nền kinh tế, nếu ôm tiền nhiều sẽ mắc kẹt. Ngân hàng buộc phải hạ lãi suất xuống nữa.
“Khoảng 50% doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đang gặp khó khăn. Họ thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng. Doanh nghiệp giảm lao động, giảm giờ làm”, ông Hòa thông tin thêm.
Thị trường thu hẹp, doanh nghiệp không biết vay vốn để làm gì. (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)
|
Tại “Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ” diễn ra chiều 11/5, đại diện NHNN cho biết, cơ quan này đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm thấp.
Nguyên nhân chủ yếu do cầu tín dụng của nền kinh tế giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý như nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Ngoài ra, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả. Điều này khiến các ngân hàng rất khó đưa ra quyết định cho vay, do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Giảm thêm thuế, các chu kỳ chính sách phải kéo dài
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, NHNN kiến nghị, chính sách tài khóa cần mở rộng để hỗ trợ cải thiện thanh khoản cho nền kinh tế theo hướng: đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, cần điều tiết giảm lượng tồn ngân quỹ nhà nước, tăng lượng tiền đưa ra lưu thông trong nền kinh tế.
Về chính sách thương mại, cần có các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng các đơn hàng, từ đó tạo công ăn việc làm và gia tăng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng.
Cùng với đó, xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh cả 2 phía cung - cầu tín dụng.
Còn Chủ tịch Huba cho hay, cần xem xét các sắc thuế có thể miễn, giảm giai đoạn này, đơn cử như giảm thuế trước bạ. Kinh tế khó khăn nhưng vẫn có những nhóm khách hàng có đủ điều kiện mua nhà, mua xe, cần kích cầu họ.
Chính sách giảm thuế VAT là rất tốt, tác động cụ thể, kích cầu nội địa. Ví dụ, một sản phẩm có giá 10 đồng, khi được giảm thuế thì giá bán ra chỉ còn 7-8 đồng, sản phẩm đó được tiêu thụ thì Nhà nước sẽ thu được thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, giảm thu thuế VAT còn hơn doanh nghiệp không bán được hàng, đóng cửa, Nhà nước mất nguồn thu thuế doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, chu kỳ chính sách nên kéo dài hơn để tăng độ lan tỏa. Chính sách ban hành có độ trễ, cần thời gian để chính sách thẩm thấu vào giá thành sản phẩm, giá bán hàng hóa. Nếu được, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% nên kéo dài qua Tết Nguyên đán 2024, thời điểm đó, cầu tiêu dùng nội địa tăng.
Ngoài ra, khi đầu tư tư nhân bị đang thu hẹp, đầu tư công cần đẩy mạnh hơn, như đầu tư hạ tầng đường sá, giáo dục, y tế... thì các ngành sắt, thép, xi măng… sẽ ăn theo, tạo việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, 60% thị trường xuất khẩu của Việt Nam là sang Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới như các quốc gia Nam Mỹ, Trung Đông...
Để cụ thể hóa thông tin về các thị trường, lĩnh vực tiềm năng cho doanh nghiệp định hướng, TP.HCM sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế thành phố lần thứ 4 năm 2023 (HEF 2023) với chủ đề “Tăng trưởng xanh -hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” từ ngày 13-17/9.
Sự kiện được kỳ vọng giúp TP.HCM tiếp nhận được ý kiến đóng góp thẳng thắn từ giới chuyên gia trong nước và quốc tế về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ông Hòa chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp TPHCM vẫn giữ quy mô hoạt động trong năm 2023
Thống kê từ Viet Analytics (đơn vị thực hiện dự án khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, quận/huyện tại TP.HCM) cho thấy, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2022 là rất khó khăn. Số doanh nghiệp có doanh thu giảm, sản xuất ít đi chiếm hơn 50%; lợi nhuận các công ty cũng giảm 55%.
Tuy nhiên, về quy mô kinh doanh năm 2023, các doanh nghiệp vẫn có cái nhìn tích cực, gần 50% dự kiến tăng quy mô hoạt động, gần 30% doanh nghiệp vẫn duy trì quy mô như hiện tại.
|
Trần Chung
Vietnamnet
|