Dầu tăng 1% sau khi Mỹ đạt được thoả thuận trần nợ
Giá dầu tăng vào ngày thứ Hai (29/5), sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ đạt được thoả thuận trần nợ và giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ ở nền kinh tế và quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 66 xu (tương đương 0.9%) lên 77.61 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 75 xu (tương đương 1%) lên 73.42 USD/thùng. Giao dịch hạn chế vào ngày thứ Hai vì Anh và Mỹ nghỉ lễ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vào ngày thứ Bảy (27/05) đã hoàn tất một thoả thuận về nguyên tắc để đình chỉ trằn nợ và giới hạn chi tiêu của chính phủ trong 2 năm tới. Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ sự tin tưởng vào ngày Chủ nhật (28/05) rằng các thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà sẽ bỏ phiếu ủng hộ thoả thuận này.
Việc đạt được thoả thuận trần nợ đã khơi dậy cho nhà đầu tư sự hấp dẫn của các tài sản rủi ro hơn như hàng hoá.
Tuần trước, dầu Brent và dầu WTI đều tăng hơn 1%, ghi nhận 2 tuần leo dốc liên tiếp.
Giá dầu tăng khi các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ cho thấy tiến triển và sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Abdulaziz bin Salman, cảnh báo những người bán không đặt cược giá dầu sẽ giảm “coi chừng” chịu tổn hại.
Lời cảnh báo của ông Bin Salman được cho là tín hiệu rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gồm Nga, được gọi chung là nhóm OPEC+, có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng khi nhóm họp vào ngày 04/06.
Tuy nhiên, những nhận định từ các quan chức và nguồn tin dầu mỏ từ Nga, bao gồm cả Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, cho thấy nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới đang nghiêng về việc giữ nguyên mức sản lượng.
Các chuyên gia phân tích xem việc giá dầu tăng nhờ thoả thuận trần nợ là diễn biến trong ngắn hạn.
Tính bền vững của đà tăng giá dầu đang bị nghi ngờ vì có nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất vào tháng 6, sau khi chỉ số lạm phát được ưa thích của cơ quan này tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 4. Lãi suất Mỹ cao hơn là một rào cản đối với nhu cầu dầu thô.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|