Thứ Năm, 18/05/2023 11:05

Chuyên gia IFC Việt Nam: Cần có khung pháp lý phát triển thị trường mua bán nợ xấu

Ông Darryl Dong - chuyên gia cấp cao của IFC Việt Nam cho rằng, hiện nay vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC. Việt Nam vẫn chỉ nằm ở vạch xuất phát trong việc ở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.

Hội thảo vấn đề xử lý nợ xấu trong dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi - Ảnh: VGP/HT

Sức ép nợ xấu tăng nếu không có đủ công cụ mạnh

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 416,000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42; trung bình khoảng 6.3 ngàn tỷ đồng/tháng.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu.

Mặc dù, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp suy giảm, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Theo NHNN, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2.91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Còn tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ.

Trong khi đó, Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" đã đề ra mục tiêu: Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%.

Đây là mục tiêu đầy thách thức và để đạt được, đòi hỏi phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ, mang tính đột phá và thực tiễn cho vấn đề xử lý nợ xấu.

Để đáp ứng yêu cầu này và không tạo khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Cụ thể, chương XI trong dự thảo Luật sửa đổi gồm các điều liên quan đến các nội dung: Khái niệm nợ xấu; bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai…

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn về việc một số nội dung của Nghị quyết 42 đã không được đưa vào dự thảo Luật TCTD như: Xử lý tài sản đảm bảo là dự án bất động sản, bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên, phân bổ lãi dự thu, quy định về áp dụng thủ tục xét xử rút gọn…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) thẳng thắn nhận định: Thực trạng nợ xấu của các TCTD hiện nay là đáng lo ngại. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu.

Các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, dù mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN. Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại (NHTM) gặp nhiều khó khăn… Việc xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.

Ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích thêm: Việc thu giữ tài sản đảm bảo là trách nhiệm của người vay và người cho vay. Hiện nay, người cho vay đang yếu thế. Bởi vì họ không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, và giải quyết ra tòa. Có trường hợp người vay cố tình không trả nợ thì xử lý ra sao hiện cũng không có quy định và trong thực tiễn, khách hàng, người vay có tiền, có tài sản bảo đảm cũng không trả nợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) phát biểu - Ảnh: VGP

Cần có khung pháp lý phát triển thị trường mua bán nợ xấu

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, có vướng mắc tranh chấp liên quan đến việc chủ tài sản bảo đảm tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý tài sản bảo đảm của TCTD. Đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, lẩn trốn, không xuất hiện, không hợp tác với cơ quan chức năng nhằm mục đích để kéo dài thời gian xử lý nợ, trốn tránh nghĩa vụ, coi thường sự nghiêm minh của luật pháp, cần tạo thành án lệ về việc xét xử vắng mặt các đối tượng này, hoặc áp dụng các biện pháp rút gọn tại tòa để rút ngắn thời gian khởi kiện, nhanh chóng xử lý có kết quả thu hồi của khoản nợ.

Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự.

"Nếu như xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng thì xử lý rất khó, còn khi nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ", ông Hùng nhận định.

NHNN cũng cần nghiên cứu kỹ Luật về ngân hàng của các nước trong khu vực và trên thế giới để các quy định tại Luật Các TCTD (sửa đổi) phù hợp với đặc thù Việt Nam nhưng cũng phải tiệm cận và phù hợp thông lệ quốc tế.

Chia sẻ kinh nghiệm dưới góc nhìn quốc tế, ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia cao cấp, IFC Việt Nam cho rằng: Bàn tới thị trường mua bán nợ là không chỉ bàn tới một thị trường đóng mà cần nói tới giải pháp một thị trường mở. Đây là điều Việt Nam cần và phải có nếu muốn xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

"Cần xác định, nợ xấu là phát sinh khó tránh cùng hoạt động ngân hàng nhưng cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa", ông Darryl Dong nêu quan điểm.

Chuyên gia IFC cho rằng, vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC. Việt Nam vẫn chỉ nằm ở vạch xuất phát trong việc ở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.

"Luật lệ Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường. Hiện quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa. Đây là lúc chúng ta xử lý nợ xấu thông qua việc mở cửa thị trường. Khi Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình. Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài tới giải quyết hỗ trợ nợ xấu, thu hút vốn của các nhà đầu tư này. Hiện nay VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường mà chỉ trên sổ sách kế toán", chuyên gia IFC nhấn mạnh.

Về lo ngại nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản, ông Darryl Dong cho rằng: Việt Nam có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước. Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng, còn Philippines còn có khuyến khích bằng tiền trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu.

"Ở Việt Nam có thể không cần công cụ đặc thù kiểu như vậy nhưng cần mở cửa thị trường. Nếu chúng ta cho phép điều này, xây dựng khung pháp lý hiệu quả, công bằng, nhà đầu tư sẽ tới", ông Darryl Dong nhấn mạnh.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Nam Á cho rằng: Cần mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, không chỉ dừng lại ở các khoản nợ xấu mà áp dụng cho cả các khoản nợ nhóm 2 nhưng thuộc trường hợp phải thu hồi nợ trước hạn nhằm giảm rủi ro cho TCTD.

Cần cụ thể hóa trong dự thảo các biện pháp xử lý nợ và trình tự thủ tục thực hiện, cần hướng dẫn thêm việc thực hiện biện pháp nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp… để TCTD được chủ động lựa chọn cách thức thực hiện và phương thức xử lý.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   SHB tặng hàng chục ngàn mã ưu đãi Grab dành cho chủ thẻ tín dụng (18/05/2023)

>   Nộp hồ sơ đăng ký vay trả nợ nước ngoài đúng hạn để hạn chế sai phạm phát sinh (17/05/2023)

>   UOB: Hoàn tất mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại 4 thị trường ước tính tạo ra thêm 1 tỷ SGD doanh thu trong năm 2023  (17/05/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân lãi suất cho vay cao (17/05/2023)

>   Tiền gửi vào ngân hàng tăng không đuổi kịp tốc độ cho vay (17/05/2023)

>   PVcomBank ra mắt Dịch vụ chấp nhận thanh toán đa kênh (17/05/2023)

>   TP Hồ Chí Minh: Không có chuyện các ngân hàng sắp hết room tín dụng (16/05/2023)

>   Đi tìm lãi suất thực cho vay (15/05/2023)

>   Chủ tịch HDBank phản hồi gì về kỳ vọng của cổ đông trong năm 2023? (15/05/2023)

>   Ngân hàng quốc doanh gia nhập làn sóng giảm lãi suất tiền gửi (15/05/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật