Chủ tịch Trương Sỹ Bá: BAF giữ được đàn heo lúc dịch bệnh ở mức tốt nhất thị trường
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF), Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá đã có những chia sẻ về tình hình dịch tả heo châu Phi (ASF) ảnh hưởng ra sao với tổng đàn ở Việt Nam và tình hình BAF nói riêng.
Ảnh hưởng từ tình hình dịch tả Châu Phi, Chủ tịch Trương Sỹ Bá nhận định đây là dịch bệnh đã hoành hành tại Việt Nam từ cuối năm 2019 tới nay. Trên thế giới dường như vẫn chưa có vaccine, chính xác hơn là chưa kiểm nghiệm đủ, ít nhất theo tiêu chuẩn của BAF, nên Doanh nghiệp không làm. Thay vào đó, BAF đi theo tiêu chuẩn an toàn – phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Chủ tịch Trương Sỹ Bá (giữa) trả lời câu hỏi của cổ đông
|
Chủ tịch chia sẻ, rất nhiều công ty đã thử nghiệm thuốc (vaccine), nhưng vẫn dính dịch và chết cả đàn. Như vậy, phải sống chung với dịch, và những đơn vị nào giữ được tổng đàn trong giai đoạn này là thành công. Nói về chăn nuôi, đây là yếu tố quan trọng nhất. Khi giá cao có đàn (heo), thấp cũng có đàn, như vậy mới có giá bình quân lúc nào cũng cao hơn giá thành sản xuất. Đây cũng là câu chuyện nhiều năm nay của ngành chăn nuôi.
Trên truyền thông vẫn nói về chuyện nông dân thua lỗ phải bỏ đàn, bỏ trại, điều này cũng hợp lý vì họ kinh doanh nhỏ lẻ, không đủ nguồn lực, kiểm soát không tốt. Lúc có đàn gặp rủi ro, khi giá rẻ phải bán lỗ, lúc giá cao lại không có đàn để bán. Vì vậy họ không có giá bình quân, thường gặp nạn ở dưới vùng đáy.
“Chiến lược BAF về dịch bệnh, chúng tôi không mong nó đến, nhưng đã đến thì buộc phải sống chung. Đây là thách thức với các công ty chăn nuôi, và phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ chắc chắn sẽ đi xuống. Trước, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 70%, giờ chỉ còn 50% và tương lai có thể chỉ xuống 20 - 30%, và đó là cơ hội để chăn nuôi công nghiệp phát triển”, Chủ tịch BAF cho biết.
“Trong khi đó, BAF đang xây dựng trang trại để đón sóng sụt giảm của chăn nuôi nhỏ lẻ. Chúng ta không cạnh tranh với phân khúc trên là các doanh nghiệp FDI. Chúng tôi lấy thị phần của chăn nuôi nhỏ lẻ dự báo sụt giảm, sau đó mới cạnh tranh lên trên".
Cũng tại đây, Chủ tịch BAF thông báo Doanh nghiệp đã bảo vệ được đàn heo, ở mức tốt nhất hiện nay theo tiêu chuẩn ngành trên bối cảnh có những đơn vị mất tới 50% đàn. Ông Sỹ Bá cho biết năm 2022, BAF chỉ bị dịch ở 1 trại nhỏ, không đáng kể và đã sớm dập tắt, còn các trại khác vẫn duy trì rất tốt.
Tổng đàn heo đến 2024 - 2025 lọt top 3 thị trường, Siba Food là mắt xích quan trọng
Về tính hiệu quả của chuỗi Siba Food phân phối thịt heo từ BAF, ông Sỹ Bá cho biết với những trang trại đang triển khai trong năm 2023 và đầu năm 2024, dự kiến tổng đàn heo nái rơi vào khoảng 90,000 con, và hơn 2.2 triệu heo thương phẩm trong giai đoạn năm 2024-2025.
“Đến thời điểm này, tôi khẳng định chắc chắn sẽ nằm trong top 3 (về tổng đàn)”, ông Bá nói thêm.
Theo ông Bá, dư địa phát triển tổng đàn vẫn còn trên bối cảnh các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sụt giảm trong tương lai. Lúc này sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt về heo hơi giữa nhóm chăn nuôi công nghiệp. Bởi vậy ông cho rằng, để cạnh tranh, trong tương lai phải hướng đến “Food” – nằm trong mô hình khép kín 3F của BAF: Feed (thức ăn chăn nuôi) – Farm (chăn nuôi) – Food (cung cấp thực phẩm).
Ông chia sẻ, mảng “Feed” là mảng dễ làm, trước đây phát triển rất tốt nhưng hiện tại đang “chết” vì đã đến giai đoạn bão hòa. Các nhà máy dần phải cơ cấu sang "Farm" để tồn tại, nhưng nếu dừng ở đây thì lại tiếp diễn câu chuyện cạnh tranh. Do đó, mảng “Food” từ Siba Food, theo Chủ tịch BAF, là mảng quan trọng.
Siba Food là chuỗi thực phẩm do Tập đoàn Tân Long (ông Bá là Chủ tịch Tập đoàn) xây dựng, và BAF tham gia khoảng 10%. Nhìn chung theo ông, bán lẻ không thể sớm có hiệu quả, không thể 1-3 năm mà hoà vốn. Nhưng khi chuỗi này phát triển, sẽ phục vụ mảng đầu ra của BAF, hình thành chuỗi khép kín.
“Siba Food sẽ là mắt xích quan trọng để cạnh tranh cho 10 năm kế tiếp, để Công ty có thể bứt phá trên thị trường. Nếu chỉ bán heo hơi thì không ổn”, ông nói thêm.
Hồng Đức
FILI
|