Các ngân hàng ASEAN mắc kẹt vì rủi ro tín dụng, lãi suất
Các nhà băng ở Đông Nam Á đang chuẩn bị đón những “cơn gió ngược” từ rủi ro tín dụng tiềm ẩn và thu nhập từ lãi giảm trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu tăng không đồng đều, mặc dù phần lớn không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng ngân hàng ở phương Tây.
Tại Mỹ và châu Âu, các tổ chức tài chính từ Silicon Valley Bank (SVB) đến Credit Suisse đã bị phá sản do dòng vốn tháo chạy hoặc giá cổ phiếu sụt giảm trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát toàn cầu.
Nhưng tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cho đến nay vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu rõ ràng cho thấy giới nhà băng gặp tình trạng khó khăn tương tự, dù họ cũng đang đối mặt một số vấn đề, bộ phận nghiên cứu của HSBC cho biết.
“Ví dụ, Thái Lan chứng kiến các khoản nợ xấu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên bằng thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, nợ hộ gia đình tăng cao. Tại Philippines, tổng nợ xấu vẫn cao nhất trong ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn chậm trong cải cách ngân hàng”, theo báo cáo.
Các ngân hàng của Singapore, bao gồm cả DBS Group Holdings và United Overseas Bank, đều không gặp khó khăn. Những ngân hàng này, thuộc hàng lớn nhất Đông Nam Á, đã thu về mức lợi nhuận kỷ lục khi lãi suất tăng. Tuy nhiên, nhìn về phía trước, họ vẫn có lý do để lo lắng.
DBS, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á tính theo tổng tài sản, vào đầu tháng 05/2023 đã báo cáo lợi nhuận ròng quý 1 năm nay đã tăng 43% so với một năm trước đó lên 2.57 tỷ đô la Singapore (tương đương 1.92 tỷ USD).
Tuy nhiên, tỷ suất lãi ròng (NIM) có thể giảm nhẹ trong những tháng tới, ông Piyush Gupta, giám đốc điều hành của DBS, gần đây cho biết. Chi phí tiền gửi tăng lên trong khi một phần khoản vay sẽ tiếp tục được định giá lại. Các ngân hàng Singapore thường tuân theo chính sách lãi suất của Fed trong việc định giá khoản vay của họ.
Fed vào đầu tháng 5 năm nay đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, nhưng thị trường kỳ vọng rằng đây sẽ là đợt tăng cuối cùng. Các ngân hàng Singapore đang nỗ lực cạnh tranh để giành được người gửi tiền. Do phạm vi tăng lãi suất cho vay hạn chế, nên NIM của họ có thể giảm xuống.
UOB, đối thủ của DBS, dường như cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngân hàng này báo cáo lợi nhuận ròng 1.51 tỷ đô la Singapore trong quý 1/2023, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, NIM của họ đã giảm 8 điểm cơ bản so với quý trước đó, xuống còn 2.14%.
“Chúng tôi nghĩ rằng NIM sẽ ở mức vừa phải”, giám đốc tài chính của UOB Lee Wai Fai cho biết vào tháng trước. “Chúng tôi cho rằng tăng trưởng cho vay sẽ không mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay”.
Tại nơi khác ở Đông Nam Á, mối lo ngại về nợ xấu đã quay trở lại khi môi trường lãi suất tăng cao gây áp lực lên những người đi vay đang cố gắng trả nợ.
Tại Thái Lan, mặc dù các chuyên gia kỳ vọng du lịch phục hồi sẽ hỗ trợ biên lãi suất, song rủi ro tín dụng đang phủ bóng đen nên triển vọng tăng trưởng.
Công ty nghiên cứu tài chính CreditSights vào tháng 04/2023 nhấn mạnh rằng khoản dự phòng tại các tổ chức cho vay của Thái Lan trong quý đầu tiên đã tăng từ 14% đến 48% so với một năm trước đó.
Báo cáo của CreditSights cho biết: “Chúng tôi dự đoán tăng trưởng kinh tế Thái Lan được cải thiện trong năm nay nhờ vào nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, khả năng thanh toán nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn mong manh, điều này hạn chế khả năng tăng lãi suất cho vay đối với các phân khúc này mà không ảnh hưởng đến chất lượng tài sản”.
Tại Việt Nam, chuyên gia phân tích Quản Trọng Thành từ Maybank Securities, lưu ý rằng các nút thắt trong quy định và tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đẩy lĩnh vực bất động sản địa phương vào tình trạng căng thẳng, tạo ra áp lực đáng kể đối với chất lượng tài sản của ngân hàng.
“Trong trung hạn, chúng tôi nhận thấy các ngân hàng trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại, do nhu cầu tín dụng và thu nhập từ phí chậm lại, cũng như áp lực đối với NIM và trích lập dự phòng”, ông Thành viết trong báo cáo.
Tại Malaysia, công ty nghiên cứu Fitch Solutions trong một báo cáo hồi tháng 04/2023 cho thấy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sẽ giảm nhẹ trong năm nay xuống 4.3%, từ mức 4.5% vào năm 2022, do triển vọng kinh tế yếu hơn và chi phí vay cao hơn.
Báo cáo cho biết: “Chi phí đi vay cao hơn cũng như tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ tiếp tục đè nặng lên nhu cầu vay vốn”.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)
FILI
|