Thép SMC có lãi trở lại sau 2 quý lỗ nặng
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) đã có lãi trở lại trong quý 1/2023, qua đó ngắt mạch thua lỗ của 2 quý trước đó và là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp này đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất. Tuy vậy, áp lực công nợ vẫn còn đó.
Trong quý 1/2023, SMC ghi nhận doanh thu thuần gần 3.9 ngàn tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Điều này diễn ra trong bối cảnh giá thép thấp hơn so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ cũng thấp hơn.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ giảm 18% so với cùng kỳ, ở mức 159 tỷ đồng, khi biên lãi gộp hồi phục lên 4.1%.
Góp phần kéo lợi nhuận giảm mạnh là sự gia tăng của áp lực lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 53% lên 96 tỷ đồng, chủ yếu là lãi vay. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 3 lần cùng kỳ, ở mức 40 tỷ đồng.
Kết quả, SMC lãi ròng 21 tỷ đồng trong quý 1/2023, lao dốc 74% so với cùng kỳ. Tuy vậy, đây là kết quả khả quan hơn rất nhiều so với mức lỗ hơn 500 tỷ đồng của quý trước, đồng thời xác nhận cho kỳ vọng ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn nhất.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của SMC
Đvt: Tỷ đồng
Theo giải trình từ SMC, ngành thép vẫn còn khó khăn khi thị trường tiêu thụ nội địa còn trầm lắng và bối cảnh vĩ mô biến động. Tuy vậy, nhờ bước hồi phục của giá thép và sự chủ động quản lý hàng tồn kho của Công ty, kết quả quý 1 đã khả quan hơn so với quý 4/2022.
Không còn ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho, vẫn còn áp lực về công nợ
Hiện SMC vẫn còn chịu áp lực lớn khi ngành thép vẫn còn khó khăn. Cuối quý 1/2023, doanh nghiệp sở hữu 6.5 ngàn tỷ đồng, trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn là gần 1.4 ngàn tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 1.86 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.56 ngàn tỷ tại thời điểm đầu năm. SMC không còn ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Khoản phải thu mới là thứ gây "đau đầu" cho SMC. Cuối quý 1, khoản mục này ghi nhận ở mức 2.9 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong báo cáo, SMC không thuyết minh rõ về các khoản phải thu.
Tuy nhiên, theo báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2022, SMC có hơn 1.1 ngàn tỷ đồng đến từ các doanh nghiệp thuộc Novaland và Hòa Bình. Đây đều là hai doanh nghiệp đang gặp khó về thanh khoản.
Ở bên đối ứng, nợ ngắn hạn ở mức 6.15 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, gần một nửa là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Vũ Hạo
FILI
|