SoftBank đã bán gần hết cổ phần tại Alibaba và những tranh cãi
SoftBank đã bán gần như toàn bộ cổ phần còn lại của mình tại Alibaba, nhằm huy động tiền mặt trong bối cảnh thị trường suy thoái kéo giảm giá trị các khoản đầu tư công nghệ của tập đoàn này.
Chuyển sang chế độ phòng thủ
Tập đoàn SoftBank, do tỷ phú sáng lập Masayoshi Son đứng đầu, đã bán khoảng 7.2 tỷ USD cổ phiếu Alibaba trong năm nay thông qua các hợp đồng tương lai trả trước, sau đợt bán tháo kỷ lục 29 tỷ USD vào năm 2022. Thông tin này được tiết lộ thông qua phân tích của Financial Times dựa trên các hồ sơ được gửi qua đường bưu điện tới Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.
Động thái này sẽ khiến cổ phần của SoftBank trong “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc xuống chỉ còn 3.8%, từ mức 34% trước đó.
Giá trị cổ phần tại Alibaba của SoftBank (đvt: tỷ USD)
Đợt bán tháo của SoftBank diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với tập đoàn này. SoftBank đang lên kế hoạch IPO bom tấn cho công ty thiết kế chip Arm của Anh, một nỗ lực nhằm tìm cách phục hồi sau hàng loạt khoản đầu tư thất bại và thua lỗ chưa từng có.
Trong năm 2022, SoftBank bán tháo cổ phiếu của Alibaba khi cổ phiếu của tập đoàn Trung Quốc này giảm mạnh xuống mức thấp nhất 6 năm. Từng là một trong những khoản đầu tư công nghệ thành công nhất của ông Son, khi đó nó trở thành màn đặt cược đáng thất vọng nhất. Người đứng đầu của SoftBank đã chi 20 triệu USD để mua phần lớn cổ phần của SoftBank tại Alibaba vào hơn hai thập kỷ trước, sau khi ông gặp người sáng lập Jack Ma.
Trong 14 tháng qua, SoftBank đã thu về trung bình 92 USD trên mỗi cổ phiếu từ việc bán hợp đồng tương lai của 389 triệu cổ phiếu Alibaba. Mức lợi nhuận này thấp hơn nhiều so với mức cao nhất mọi thời đại là 317 USD một cổ phiếu, theo hồ sơ do The Washington Service cung cấp.
Theo tài liệu trên, SoftBank gần đây đã huy động được khoảng 4.5 tỷ USD vào tháng 02/2023 từ việc bán hợp đồng tương lai của 46 triệu cổ phiếu Alibaba, sau khi bán 30 triệu cổ phiếu với giá 2.7 tỷ USD vào cuối tháng 12/2022. SoftBank cho biết đợt bán thứ hai sẽ chưa thể hoàn tất trước cuối tháng 12 năm nay và sẽ được hạch toán trong báo cáo tài chính cho quý 1/2023 (hiện chưa được công bố).
SoftBank từ chối bình luận về các hồ sơ trên. Nhưng tập đoàn cho biết giao dịch bán cổ phần tại Alibaba phản ánh chủ trương chuyển sang chế độ phòng thủ để ứng phó với một môi trường kinh doanh ngày càng không chắc chắn. “Chúng tôi đang củng cố sự ổn định tài chính của mình bằng cách tăng tính thanh khoản thông qua huy động tiền mặt”.
SoftBank bán cổ phần Alibaba ra sao?
Về quy trình bán hợp đồng tương lai của cổ phiếu Alibaba, SoftBank cho một bên môi giới vay cổ phiếu Alibaba của mình để bán số cổ phiếu đó ra thị trường trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần. Bên môi giới thu một khoản phí trước khi trả lại số tiền thu được cho tập đoàn Nhật Bản này.
Khi các hợp đồng đến hạn, SoftBank có thể từ bỏ hoàn toàn quyền sở hữu cổ phần của mình hoặc trả cho bên môi giới một khoản tiền bằng giá thị trường khi đó để thay họ mua lại số cổ phiếu trên.
Hồ sơ cho thấy hầu hết giao dịch gần đây đều được xử lý bởi Barclays, Mizuho Securities và SMBC Nikko Securities. Những công ty này sẽ nhận về chưa tới 1% số tiền thu được dưới dạng phí, theo một nhân viên ngân hàng quen thuộc với các giao dịch trên. Cơ cấu của họ cho phép SoftBank trì hoãn nộp thuế trên thặng dư vốn cho đến khi giao dịch hoàn tất.
Vào cuối tháng 02/2023, SoftBank chỉ còn 98 triệu cổ phiếu của Alibaba để bán, theo ước tính của FT. Vào ngày 30/03, tập đoàn đã thay đổi cách nắm giữ 22.3 triệu cổ phiếu Alibaba khác để có thể sử dụng chúng cho mục đích huy động vốn trong tương lai”, SoftBank cho biết trong một tuyên bố.
Lý do thực sự?
Mặc dù SoftBank nói rằng việc bán cổ phần tại Alibaba là để củng cố tài chính, song một số nhà đầu tư coi động thái này là một biện pháp cuối cùng để cải thiện con số lợi nhuận của họ. Giới phân tích đang dự đoán SoftBank sẽ có năm thua lỗ nặng nề thứ hai liên tiếp.
SoftBank đã chuyển số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu Alibaba vào Vision Fund II, để trả nợ và mua lại cổ phiếu. Theo một nguồn tin thân cận với SoftBank, khoản tiền mặt trị giá hàng tỷ đôla cũng đang chất đống trên bảng cân đối kế toán của tập đoàn, ở mức 5.8 ngàn tỷ yên (43 tỷ USD) tính đến cuối tháng 12/2022, dẫn đến một cuộc tranh luận nội bộ ngày càng căng thẳng về cách họ sử dụng tiền.
SoftBank cho biết họ sẽ tiếp tục chọn lọc các khoản đầu tư của mình trong bối cảnh điều kiện thị trường không chắc chắn.
“Nội bộ tập đoàn xuất hiện những quan điểm khác nhau về việc liệu SoftBank có nên tiếp tục phòng thủ hơn hay không, hoặc liệu bây giờ có phải là thời điểm để quay lại đầu tư hay không”, một người thân cận với SoftBank cho biết.
Kim Dung (Theo FT)
FILI
|