Quỹ đầu tư theo chân Warren Buffett đến Nhật Bản
Tuần trước, huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã đến Tokyo lần thứ hai trong đời và mang tới một thông điệp cho giới đầu tư toàn cầu: Nhật Bản đang có những “món hời” dành cho họ.
Quỹ phòng hộ đổ xô tới Nhật Bản
Nhà tiên tri xứ Omaha không phải là người duy nhất có đánh giá này.
Tháng 3/2023, Citadel, quỹ phòng hộ của Mỹ do nhà đầu tư tỷ phú Ken Griffin đứng đầu, đã quyết định mở lại văn phòng ở Tokyo. Trước đó, họ đã đóng cửa cơ sở này sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tới tháng này, Steve Cohen, nhà đầu tư tỷ phú khác, cho biết quỹ phòng hộ Point72 Asset Management của ông sẽ tăng quy mô nhân viên tại Nhật Bản trong năm nay.
Các lãnh đạo khác trong giới đầu tư tư nhân cũng bắt đầu “hành động”. Stephen Schwarzman, Giám đốc điều hành của Blackstone, đã đến thăm Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào ngày 30/03. Cùng ngày, đối thủ lâu năm của ông là Henry Kravis của KKR có mặt tại Nhật Bản để gặp gỡ các giám đốc điều hành tại Hitachi.
Các nhà phân tích cho biết việc các lãnh đạo nổi tiếng Phố Wall tới Nhật Bản cho thấy mức độ quan tâm ngày càng lớn đối với thị trường tài chính này, nơi mà nguồn tiền giá rẻ vẫn dồi dào và tài sản rẻ hơn nhiều so với các thị trường lớn khác.
Jeremy Schwartz, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại WisdomTree, một nhà quản lý tài sản, cho biết: “Các quỹ phòng hộ và các công ty đầu tư tư nhân đang đến Nhật Bản vì họ thấy mọi thứ trên thế giới đều đắt đỏ, còn ở Nhật Bản lại rất rẻ”.
Theo ông Schwartz, Nhật Bản cũng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc vì những biện pháp hạn chế về đầu tư và xuất khẩu mà Mỹ đặt ra. “Nếu mọi người muốn tận dụng đà tăng trưởng của châu Á cũng như xu hướng tiêu dùng dài hạn ở một số nền kinh tế châu Á đang phát triển nhanh, thì Nhật Bản chính là nơi có thể kết nối với phần còn lại của châu Á”, ông nói.
Tuy nhiên, Daniel Blake, Chiến lược gia cổ phiếu tại Morgan Stanley, cảnh báo rằng Nhật Bản vẫn chưa phải là điểm đến phổ biến của Phố Wall. Theo ông, nhà đầu tư đang không chạy đua để rót tiền vào Nhật Bản, đó chỉ là điều đang xảy ra trong giới quản lý danh mục đầu tư toàn cầu.
Joseph Kraft, Giám đốc điều hành của Rorschach Advisory – đơn vị tư vấn đầu tư cho các quỹ phòng hộ và quỹ hưu trí, cho biết những người như tỷ phú Buffett và Griffin có thể sẽ là những nhà đầu tư ban đầu của thị trường Nhật Bản. Ông nói: “Có vẻ như toàn bộ giới quỹ phòng hộ của Mỹ sẽ đến Nhật Bản. Những người này có thể là nhà đầu tư ban đầu của chúng tôi”.
Từng đợt sóng
Trong quá khứ, các nhà đầu tư toàn cầu có xu hướng đến Nhật Bản theo từng đợt.
Làn sóng đầu tư gần nhất diễn ra sau khi ông Shinzo Abe lên giữ chức Thủ tướng Nhật Bản và tuyên bố: “Hãy đầu tư vào chính sách Abenomics của tôi”. Chỉ số Nikkei 225 nhờ đó tăng từ 10,000 điểm lên 20,000 điểm trong giai đoạn năm 2013 đến năm 2015. Động lực lớn nhất của làn sóng đầu tư này là cuộc cải cách quản trị doanh nghiệp do ông Abe khởi xướng.
Nhưng sau đó, tốc độ cải cách đã chậm lại. Một số nhà đầu tư mất hứng thú và rời khỏi Nhật Bản.
Tới năm 2020, huyền thoại Warren Buffett, Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, đã đến Nhật Bản và đầu tư vào các công ty thương mại hàng đầu của đất nước, gồm Itochu, Mitsubishi, Mitsui & Co., Sumitomo và Marubeni. Ông Buffett cho biết Berkshire hiện sở hữu 7.4% cổ phần của mỗi công ty trên, và đây là khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn ở bên ngoài Mỹ và châu Âu.
Tuần trước, vị tỷ phú này nói với CNBC rằng các công ty thương mại Nhật Bản đang giao dịch ở mức giá mà ông nghĩ là vô lý so với lãi suất vào thời điểm đó. “Berkshire đã vay bằng đồng yên Nhật với lãi suất từ 0.17-1.1% vào năm 2019, sau đó đầu tư vào các công ty mà ông cho là có lợi tức cổ phiếu là 14%. Điều đó dẫn đến mức chênh lệch tín dụng hơn 10%, cao hơn nhiều con số phổ biến ở Mỹ là 1-1.5%”, ông Schwartz cho biết.
“Chúng tôi rất hài lòng với những khoản đầu tư này”, ông Buffett nói trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei vào ngày 11/04. “Điều khiến chúng tôi hứng thú là họ đang tạo ra nhiều tiền hơn để chia cổ tức và trong một số trường hợp là mua lại cổ phiếu”.
Các công ty thương mại Nhật Bản có tỷ suất cổ tức từ 3 - 5%. Đối với các nhà đầu tư giá trị, tỷ suất cổ tức là một thước đo yêu thích, theo Schwartz của WisdomTree, người cũng đang điều hành một quỹ giá trị. Giá cổ phiếu là không thể đoán trước, nhưng cổ tức mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Buffett đã giúp giá cổ phiếu của cả 5 công ty thương mại này tăng vọt vào tuần trước khi nói với Nikkei rằng ông dự định đầu tư thêm và sẽ sẵn sàng giàn xếp thỏa thuận với các công ty này. Ông kỳ vọng Berkshire sẽ vẫn đầu tư vào các công ty này trong 10 - 20 năm tới tính từ bây giờ.
Trong khi đó, các quỹ phòng hộ có thời hạn đầu tư ngắn hơn, thường là từ 1 - 3 năm. Họ đang tìm kiếm sự biến động để tạo ra thứ mà các nhà đầu tư gọi là “alpha”, tức là lợi nhuận vượt trội. Họ nhận thấy điều đó ở thị trường Nhật Bản.
Nếu ngân hàng trung ương Nhật Bản, dưới thời tân Thống đốc Kazuo Ueda, quyết định bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất hoặc đảo ngược chính sách lãi suất âm, thị trường có thể chứng kiến thị trường trái phiếu biến động mạnh hơn, và điều đó khả năng cao sẽ tạo ra alpha, ông Blake của Morgan Stanley dự đoán.
Trong khi đó, ông Kraft của Rorschach Advisory cho biết không phải tất cả nhà đầu tư đều sẵn sàng đón nhận những gì sắp xảy ra ở Nhật Bản, nhưng sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhân vật hàng đầu Phố Wall ở Tokyo sẽ khiến nhiều người trong số họ phải cân nhắc.
“Các quỹ đầu tư vĩ mô khác có thể không đầu tư vào Nhật Bản, nhưng tất cả đều nhận thấy rằng Warren Buffett đang tăng cường đầu tư. Họ cũng đều biết rằng Ken Griffin đang mở rộng văn phòng của mình, vì vậy họ sẽ xem xét”, ông nói.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)
FILI
|