Ông lớn ngành bán lẻ ICT tìm cách “vượt bão” 2023
Nhu cầu sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp chuyên phân phối hàng ICT phải hy sinh lợi nhuận để kích cầu cũng như đẩy mạnh các mảng khác để bù đắp.
Khó khăn hơn dự báo
Cùng với sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn như đơn hàng xuất khẩu giảm, lãi suất duy trì ở mức cao, thị trường bất động sản đóng băng… Những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến thu nhập và sức mua, người tiêu dùng ưu tiên mặt hàng thiết yếu, hoãn thay thế hoặc mua mới các sản phẩm không thiết yếu như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng (hàng ICT)…
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ hàng ICT cho biết, kết quả kinh doanh không khả quan trong những tháng đầu năm, tình hình khó khăn hơn dự báo.
Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) công bố doanh thu hai tháng đầu năm giảm 25%, xuống còn 19,101 tỷ đồng. Trong đó, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh giảm doanh thu đến 32% do sức mua sản phẩm công nghệ (ICT) và điện máy nói chung giảm mạnh ở hầu hết nhãn hàng; giảm mạnh nhất là điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay và ti vi.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo FPT Retail cũng tiết lộ doanh thu mảng ICT quý 1 giảm 20%; nhờ mảng dược phẩm vẫn tăng trưởng 50%, giúp tổng doanh thu tương đương cùng kỳ năm trước. Ban lãnh đạo khẳng định không bị lỗ quý đầu năm.
Với 80% doanh thu từ hàng ICT, Digiworld (HOSE: DGW) dự báo doanh thu quý đầu năm giảm 43%, xuống còn 4,000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 38%, xuống 130 tỷ đồng.
Đồng thời, sau các tháng đầu năm, ban lãnh đạo Digiworld nhận thấy cầu tiêu dùng yếu hơn dự báo. Trong tháng 3, khủng hoảng ngành ngân hàng ở Mỹ có thể làm tình trạng lạm phát gia tăng, khiến tiêu dùng nửa cuối năm không phục hồi đáng kể. Do vậy, doanh nghiệp giảm kế hoạch doanh thu 20% và lợi nhuận 50% so với trước đó, xuống lần lượt 20,000 tỷ đồng và 400 tỷ đồng.
Hy sinh lợi nhuận để giữ thị phần, đẩy mạnh các ngành hàng khác
Để vượt khó khăn, các doanh nghiệp đều linh hoạt đưa ra nhiều giải pháp như tăng khuyến mãi, giảm giá để kích cầu, ngưng mở mới cửa hàng, bán thêm mặt hàng khác, quản trị hàng tồn kho, dòng tiền...
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Hoàng Trung Kiên - Tổng giám đốc FRT chia sẻ, trong bối cảnh sức mua hàng công nghệ giảm sút, Công ty ngưng mở mới cửa hàng FPTShop và chủ động giảm biên lợi nhuận khi đưa ra nhiều chính sách, chương trình khuyến mãi, trợ giá kích cầu.
Cùng với đó, đơn vị mở bán thêm hàng gia dụng trong các cửa hàng FPTShop để bù đắp doanh thu giảm mảng ICT. Lãnh đạo FPT Retail cho biết thêm, mảng gia dụng năm 2022 đóng góp 2,5% doanh thu cho FPTShop với mức lãi gộp 20 - 25% và mục tiêu trong ba năm tới tăng tỷ trọng lên 15%. Công ty đã triển khai bán hàng gia dụng trong khoảng 300 cửa hàng FPTShop và dự kiến nâng lên 600 đến cuối năm.
Một cửa hàng FPTShop trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh. Ảnh: Tiến Vũ
|
Ở mảng dược phẩm, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail, đánh giá cũng bị ảnh hưởng do thu nhập giảm, nhưng thuốc là mặt hàng thiết yếu, người dân có bệnh vẫn cần thuốc. Do vậy, Công ty tiếp tục lên kế hoạch mở mới 400 cửa hàng để nâng lên 1,400 nhà thuốc trong năm nay.
Nhờ việc liên tục mở rộng, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đang tăng tích cực. Quý 1 tăng 50% và dự kiến năm nay tăng trưởng hai chữ số. Lợi nhuận mục tiêu gấp đôi năm trước, đạt 100 tỷ đồng.
Tương tự, “ông lớn” ngành bán lẻ MWG cũng tạm ngưng mở mới cửa hàng ở hầu hết chuỗi như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, AVAKids, TopZone, An Khang. Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT cho biết, năm nay Công ty tạm ngưng mở rộng các chuỗi, không đặt mục tiêu số cửa hàng mở mới cho từng chuỗi và sẽ cân nhắc mở rộng khi tình hình thị trường khá hơn vào nửa cuối năm. Song, chuỗi bán hàng thực phẩm tiêu dùng Bách Hóa Xanh vẫn tiếp tục mở mới sau năm 2022 tái cấu trúc toàn diện.
Như vậy, cả hai doanh nghiệp đầu ngành MWG và FRT đều khá thận trọng trong việc mở rộng ở năm nay, chỉ thúc đẩy với những mặt hàng thiết yếu có thế mạnh. Với MWG là chuỗi Bách Hóa Xanh, còn FRT là Long Châu.
Ngoài ra, lãnh đạo cả hai doanh nghiệp đều đặt nặng vấn đề quản trị hàng tồn kho và dòng tiền. Với MWG, doanh nghiệp giảm mạnh lượng hàng tồn kho để tránh nguy cơ giảm giá cũng như giảm chi phí tài chính, giá trị hàng tồn kho tính đến cuối tháng 2 giảm khoảng 30% so với đầu năm. Công ty cũng hoàn tất thu hồi vốn và lãi với khoản đầu tư trái phiếu.
Lãnh đạo FRT cho biết, nợ vay của doanh nghiệp chủ yếu là nợ vay ngắn hạn để đảm bảo vốn lưu động. Công ty áp dụng công nghệ để tối ưu hóa vòng quay hàng tồn kho, dòng tiền với mục tiêu đảm bảo thanh khoản cũng như đáp ứng nguồn vốn cho việc mở rộng chuỗi Long Châu. FRT đặt mục tiêu mỗi cửa hàng Long Châu mở mới phải có lãi trong vòng 6 tháng, nhằm giảm gánh nặng tài chính.
Với DGW, lãnh đạo công ty cho biết sẽ cố gắng duy trì tăng trưởng cho các mảng khác như thiết bị văn phòng (15%), thiết bị gia dụng (65%) và hàng tiêu dùng (157%). Công ty chấp nhận hy sinh lợi nhuận để ưu tiên giữ thị phần, ổn định kênh bán hàng cũ và xây dựng kênh phân phối cho các sản phẩm mới.
Cuối năm trước, DGW đã gia nhập hai ngành hàng mới là thiết bị công nghiệp, bảo hộ lao động và ngành hàng đồ uống với các sản phẩm bia như Budweiser, Corona, Becks… Cụ thể, DGW hợp tác với Công ty Achison để phân phối thiết bị công nghiệp và bảo hộ lao động bên cạnh việc trở thành nhà phân phối độc quyền cho AB InBev - tập đoàn bia lớn nhất thế giới ở kênh phân phối hiện đại, bao gồm siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Ngân Hà
FILI
|