Thứ Hai, 24/04/2023 09:22

Nữ Chủ tịch SMC tạ lỗi trước cổ đông, sẽ tập trung vào các khách hàng mang về dòng tiền nhanh

Ngày 22/04, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) được tổ chức tại Phú Mỹ sau một năm đầy thách thức của ngành thép.

Tại đại hội, ban lãnh đạo xin nhận trách nhiệm vì kết quả thua lỗ của năm 2022, Chủ tịch Nguyễn Thị Ngọc Loan cũng tạ lỗi trước những người tham gia đại hội.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của SMC ở Phú Mỹ. Ảnh: Vương Đông

Năm lỗ kỷ lục của SMC

Mở đầu đại hội, ông Đặng Huy Hiệp, Tổng Giám đốc SMC, đã chia sẻ lại bối cảnh kinh doanh đầy biến động của năm 2022.

"Đầu năm, chúng tôi kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi sau đại dịch. Lúc đó, tâm trạng rất phấn khởi", ông Hiệp nhớ lại.

Nhưng rồi những thách thức bắt đầu ập đến, khởi đầu là cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra trong tháng 2/2022. Kế đó, lạm phát trên toàn cầu tăng rất nhanh và các NHTW bắt đầu chiến dịch thắt chặt tiền tệ được đánh giá là mạnh nhất trong 15 năm qua. Điều này gây nhiều áp lực lên kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó là việc Trung Quốc cũng kéo dài chính sách Zero COVID đến hết năm 2022.

Tổng Giám đốc Đặng Huy Hiệp chia sẻ tại đại hội. Ảnh: Vương Đông

Về phần Việt Nam, rất nhiều khó khăn xuất hiện trong nửa cuối năm 2022, đáng chú ý nhất là thị trường bất động sản đột ngột thiếu thanh khoản trầm trọng. Lãi suất tăng mạnh và tín dụng bị thắt chặt. "Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi cũng khó tiếp cận với tín dụng", vị Tổng Giám đốc SMC cho hay.

Với ngành thép, giá thép bắt đầu rớt sâu từ mức đỉnh 950 USD/tấn xuống còn 500 USD/tấn trong vòng 2 quý. "Chúng tôi nhận thấy hầu hết doanh nghiệp thép đều giảm sút trong năm 2022, do giảm giá bán và cạnh tranh thị phần", ông Hiệp nói.

Trong môi trường đó, SMC lỗ ròng kỷ lục gần 579 tỷ đồng trong năm 2022, với sản lượng tiêu thụ thép đạt 1.25 triệu tấn. Để ứng phó, SMC đã chủ động giảm mạnh hàng tồn kho trong giai đoạn cuối năm.

Chủ tịch và Tổng Giám đốc nhận trách nhiệm vì kết quả thua lỗ

"Về năm 2022, tuy có nhiều yếu tố khách quan, không thuận lợi, nhưng với tư cách là Tổng Giám đốc phụ trách điều hành, tôi xin nhận trách nhiệm về hoạt động kinh doanh. Tôi xin gửi lời xin lỗi vì kết quả năm 2022 không được như kế hoạch đề ra", TGĐ Hiệp cho biết.

Chủ tịch Nguyễn Thị Ngọc Loan cũng đứng ra nhận trách nhiệm bằng hành động cúi đầu tạ lỗi trước những vị khách tham gia đại hội.

Chủ tịch Nguyễn Thị Ngọc Loan chia sẻ tại đại hội. Ảnh: Vương Đông

"Với góc độ là người đứng đầu của SMC sau 35 năm xây dựng và phát triển, tổn thất năm 2022 là tổn thất vô cùng lớn. Ở vị trí Chủ tịch Công ty, tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm trước cổ đông và nhà đầu tư về thiệt hại của năm 2022", bà cho biết. "Chúng tôi đã có những bài học rất lớn và rất mong sự thấu hiểu, chia sẻ từ phía cổ đông, nhà đầu tư và đối tác khách hàng".

Như để thể hiện cho tinh thần trách nhiệm, HĐQT, ban kiểm soát và ban điều hành sẽ không nhận thù lao trong năm 2022 và 2023.

Kế hoạch năm 2023 thận trọng

Nhìn về phía trước, vị Tổng Giám đốc SMC dự báo khó khăn vẫn còn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi, tín dụng vẫn còn thắt chặt và bối cảnh vĩ mô còn bất ổn.

Vì thế, SMC đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2023, với doanh thu 20,350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mức 150 tỷ đồng. Sản lượng kỳ vọng ở mức 1 triệu tấn, giảm 25% so với năm trước.

Theo chia sẻ của TGĐ Hiệp, kế hoạch này là kết quả của nhiều cuộc họp đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam lẫn thế giới.

"Chúng tôi đặt mục tiêu hết sức thận trọng do kinh tế có nhiều rủi ro bất định. Với kế hoạch giảm, có thể người ngoài sẽ nghĩ sức chiến đấu của chúng tôi yếu. Nhưng đến lúc này, chúng tôi vẫn nghĩ đây là mục tiêu mà phải hết sức nỗ lực mới đạt được", ông Hiệp cho biết.

Về quý 1/2023, SMC lãi ròng 21 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch. Sản lượng tiêu thụ khoảng 204 ngàn tấn, đạt 20.4% kế hoạch, nhưng chỉ bằng 56% so với cùng kỳ. "Quý 1, Việt Nam vướng nghỉ tết. Giai đoạn này, hoạt động luôn đình trệ. Hy vọng từ quý 3/2023, tình hình sẽ chuyển biến tốt hơn", TGĐ Hiệp nhận định.

Năm lạ lẫm của ngành thép

Với Chủ tịch Loan, năm 2023 thật lạ lẫm. "Trong hơn 35 năm hoạt động trong ngành thép, đây là năm lạ nhất", bà cho biết.

"Thông thường, cao điểm của ngành thép thường rơi vào tháng 3-4 hàng năm. Nhưng năm nay lại khác. Tháng 3 năm nay tuy có nhu cầu, nhưng không phải cao điểm. Lực cầu có đỡ hơn tháng 2/2023, nhưng vẫn không cao".

Với ngành thép, khó khăn không chỉ đến từ chu kỳ xấu của ngành thép mà còn là sự chững lại của kinh tế toàn cầu.

"Nếu đây chỉ là trường hợp chu kỳ xấu của ngành thép thì sẽ đỡ khó khăn hơn với SMC", Chủ tịch Loan nói, đồng thời chỉ tới kết quả tăng trưởng 0.7% của Tp.HCM và mức 3.32% của Việt Nam như minh chứng cho những thách thức hiện tại.

Ngoài ra, việc thị trường bất động sản đình trệ cũng sẽ tác động tiêu cực với ngành thép. "Chúng tôi hay nói ngành bất động sản, xây dựng và thép là 3 ngành anh em. Bất động sản khó khăn chắc chắn xây dựng sẽ khó khăn và kéo theo ngành thép", bà Loan chia sẻ.

Dừng tất cả khoản đầu tư mới, tập trung bán hàng thu tiền nhanh

Trong bối cảnh đó, SMC sẽ dừng tất cả các khoản đầu tư trong thời gian tới và tập trung khai thác những khoản đầu tư hiện có. Đồng thời, doanh nghiệp chủ trương giảm tỷ lệ tồn kho, tăng cường kiểm soát công nợ và tăng tính thanh khoản cho Công ty.

SMC hiện hoạt động trong 3 lĩnh vực: Gia công chế biến, thương mại và sản xuất thép. Trong đó, mảng thương mại thép đang chiếm tỷ trọng 50% và là mảng kinh doanh cốt lõi nhất của doanh nghiệp.

Theo bà Loan, mảng này đang gặp rất nhiều khó khăn vì tỷ trọng thép xây dựng cho công trình chiếm tới 40%. "Hiện nay nhiều công trình đã bị đứng. Với tình hình hiện nay, công nợ rất khó khăn. Đồng thời, mảng bán buôn cũng bị giảm sản lượng", bà nói.

Do đó, SMC phải gia tăng bán hàng cho những khách hàng có thể thu về dòng tiền nhanh để cân đối dòng tiền. "Trong điều kiện cầu yếu như hiện nay, điều này sẽ rất vất vả và cần có nỗ lực", bà nói.

Với sản xuất thép, SMC sẽ cố gắng đa dạng hóa đầu vào, tìm thêm những nguồn hàng giá rẻ, đồng thời nghiên cứu những sản phẩm mới để gia tăng lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn đa dạng hóa khách hàng, từ cả trong lẫn ngoài nước.

Kỳ vọng nhà máy thiết bị tự động có lãi trong năm đầu hoạt động

Với mảng gia công chế biến, SMC hướng tới đầu tư lâu dài cho giai đoạn 5-10 năm.

SMC Phú Mỹ. Ảnh: Vương Đông

"Với các nhà máy cũ, chúng tôi đầu tư không mang tính quy hoạch, làm tới đâu tính tới đó vì lúc đó SMC còn khó khăn. Nhưng với các nhà máy mới (PV: như nhà máy cơ khí chính xác, thiết bị tự động), SMC đều đã có quy hoạch và tính toán cho 5 năm tới", Chủ tịch Loan chia sẻ.

Theo bà Loan, những nhà máy mới sẽ xây dựng theo các chuẩn mực quốc tế.

"Chúng tôi ao ước xây dựng các nhà máy theo chuẩn mực quốc tế. Nhờ đó, sau 5-10 năm nữa, nhà máy sẽ không lỗi thời hoặc ít nhất cũng bằng thế giới. Việt Nam đã hội nhập sâu, nếu cứ mãi theo sau thế giới thì buồn quá", bà nói.

"Các đối tác nước ngoài đến đây đều bất ngờ với nhà máy khang trang và nghiêm túc của SMC. Đó là niềm vui của chúng tôi".

Hiện SMC đang có một nhà máy cơ khí chính xác đang tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.

"Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. SMC cũng là doanh nghiệp thép đầu tiên tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và đã bắt đầu nhận đơn hàng từ tháng 2/2022. Sau hơn 1 năm hoạt động, SMC đều đáp ứng được các tiêu chí mà Samsung đề ra và đơn hàng đang tăng dần theo tháng", vị Chủ tịch chia sẻ, đồng thời kỳ vọng sẽ tiếp tục tham gia chuỗi cung ứng của 1-2 đơn vị khác.

Bên cạnh đó, SMC còn có một nhà máy thiết bị tự động đã đi vào hoạt động từ tháng 4/2023, tập trung vào hoạt động bảo dưỡng, duy tu và sửa chữa lớn tại các nhà máy. Lúc đầu, nhà máy này sẽ ưu tiên bảo dưỡng, sửa chữa cho nội bộ của SMC, sau đó là các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Phú Mỹ và đến các khu vực lân cận.

"Kỳ vọng của chúng tôi là nhà máy thiết bị tự động phải có lãi trong năm đầu tiên hoạt động. Vì ngành thép đang khó quá thì từng đơn vị thành viên phải hết sức cố gắng, riêng nhà máy thiết bị tự động phải có lãi từ năm đầu tiên dù chỉ còn 9 tháng hoạt động", bà nhấn mạnh.

Dù kế hoạch là thế, nhưng với bà, điều quan trọng nhất ngay lúc này là niềm tin SMC sẽ vượt qua khó khăn.

"Lịch sử đã chứng minh SMC đã nhiều lần vượt qua khó khăn. Khó khăn càng ngày càng lớn dần lên theo quy mô của doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi hoàn toàn có niềm tin. Chúng tôi xây dựng SMC trên nền tảng rất cứng cáp và không đánh đổi, quyết tâm làm sao xây dựng thương hiệu Việt được mọi người kính trọng", bà chia sẻ.  

Vương Đông

FILI

Các tin tức khác

>   Vincom Retail lãi kỷ lục trong quý 1/2023 (23/04/2023)

>   SSC sẽ chuyển hướng từ gạo sang ngô, rau màu và hoa (22/04/2023)

>   Chủ tịch Bùi Dương Hùng: Giai đoạn càng làm càng lỗ đã qua, LCG sẽ tham gia nhiều dự án hạ tầng  (23/04/2023)

>   Chủ tịch Haxaco: "Thời điểm này càng bán càng lỗ" (22/04/2023)

>   IFS: Báo cáo tài chính quý 1/2023 (20/04/2023)

>   BGW: Báo cáo tài chính quý 1/2023 (20/04/2023)

>   TCB: Báo cáo thường niên năm 2022 (20/04/2023)

>   VPB: Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 (20/04/2023)

>   DPR: BCTC quý 1 năm 2023 (20/04/2023)

>   NHH: Thống kê tài liệu họp ĐHĐCĐTN năm 2023 bổ sung, điều chỉnh (20/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật