Những vệt tối đầu tiên trong bức tranh lợi nhuận quý 1/2023
Đối mặt với nhiều sức ép từ cả trong lẫn ngoài nước, nhiều doanh nghiệp Việt ghi nhận kết quả kém khả quan trong quý 1/2023. Một số lãnh đạo doanh nghiệp cho biết tình hình thực tế còn ảm đạm hơn dự báo lúc họ đề ra kế hoạch cho năm 2023.
Trong 3 tháng đầu năm, hoạt động kinh tế tại Việt Nam chậm lại đáng kể, với GDP tăng trưởng 3.32% (thấp nhất trong 13 năm), kim ngạch xuất khẩu – vốn là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt – giảm 13.3%, thậm chí có nhiều ngành hàng giảm 20-30%. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ mức lãi suất cao, tình trạng thắt chặt tín dụng và sự trì trệ của thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh đó, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp Việt cũng mang màu ảm đạm.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của một số doanh nghiệp
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VH tổng hợp
|
Đến nay, một số doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023. Trong đó nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm hơn 40% so với cùng kỳ, chẳng hạn như VCS, VDS, VCA, KIS, VCI…
Khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu
Dù đã chuẩn bị cho kịch bản không khả quan trong những quý đầu năm 2023, song, tình hình thực tế diễn ra còn tệ hơn kỳ vọng của doanh nghiệp xuất khẩu như Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Đặng Triệu Hoà, Tổng Giám đốc STK, cho biết, có thể tới quý 3/2023 thị trường mới bắt đầu phục hồi, tức chậm 1 quý so với kế hoạch đề ra tại cuối năm 2022.
Khi thị trường chưa hồi phục, kết quả kinh doanh quý 1/2023 của STK cũng không khả quan. Ông Hòa ước doanh thu khoảng 270 tỷ đồng và lãi sau thuế chỉ vài tỷ (thấp hơn nhiều so với kế hoạch 20 tỷ đồng). Các nhà máy của STK chỉ hoạt động với 65% công suất.
Với ngành dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, tình hình đang rất khó khăn khi lượng tồn kho của các nhãn hàng vẫn ở mức cao và phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiệp hội cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam quý 1/2023 ước đạt 8.7 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là quý 1 giảm sâu nhất trong quý 1 kể từ năm 2019.
Vitas chia sẻ các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, căng thẳng Nga – Ukraine và đặc biệt là lạm phát gia tăng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, sức mua hàng dệt may giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng. Hiệp hội dự kiến tới tháng 7-8/2023, thị trường mới ấm trở lại.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở công ty đồ gỗ xuất khẩu Gỗ Đức Thành. Chủ tịch Lê Hải Liễu cho biết: "Tình hình đơn hàng vẫn chưa lạc quan, khách hàng vẫn khá dè dặt và nếu đặt, cũng sẽ đặt với thời gian giao hàng rất xa". Bà nói thêm việc nhận đơn hàng hiện tại chỉ để cầm chừng công ăn việc làm cho công nhân viên.
Sức mua kém ở thị trường thiết bị di động
Ở nhóm doanh nghiệp bán lẻ, phân phối thiết bị di động, hoạt động kinh doanh vẫn chưa khả quan khi sức mua suy giảm từ nửa cuối năm 2022 đến nay.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 gần đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG phụ trách chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh, chia sẻ: "Tình hình kinh doanh trong quý vừa qua và vài quý tới tiếp tục khó khăn".
Ông Hiểu Em cho biết, sức mua điện thoại và điện máy đang giảm mạnh hơn dự báo, trong đó tập trung ở phân khúc tầm trung trở xuống khi nhóm khách hàng thu nhập thấp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay tiêu dùng mua trả góp. Theo thông tin tại đại hội, doanh số mua trả góp chỉ còn dưới 10% tổng doanh thu của MWG, trong khi trước đây lên tới 35%.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở doanh nghiệp phân phối thiết bị di động, laptop Digiworld.
Qua 3 tháng đầu năm 2023, ban lãnh đạo Digiworld nhận thấy lượng tiêu dùng yếu hơn dự báo, kéo theo việc Công ty phải giảm lợi nhuận để ưu tiên giữ thị phần, ổn định kênh phân phối cũ và xây dựng kênh phân phối cho các sản phẩm mới.
Ngoài ra, sự kiện khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ khiến Digiworld bi quan hơn về triển vọng của ngành. Công ty dự báo sự kiện khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ “sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát gia tăng trong thời gian tới gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng. Theo đó, dự báo 6 tháng cuối năm sẽ không phục hồi đáng kể”.
Vì thế, Digiworld phải giảm kế hoạch lợi nhuận xuống còn 400 tỷ đồng, tức giảm gần 50% so với kế hoạch thông qua hồi tháng 2/2023.
Ngành chứng khoán gặp khó
Tình hình kinh doanh của ngành chứng khoán cũng được dự báo kém tích cực khi thanh khoản thị trường chưa phục hồi.
Mới đây, CTCK KIS báo lợi nhuận sau thuế 79 tỷ đồng trong quý 1/2023, giảm 43% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu môi giới, lãi cho vay và lãi tự doanh đều giảm so với năm trước.
Với CTCK Rồng Việt (HOSE: VDS), Chủ tịch Nguyễn Miên Tuấn ước lợi nhuận trước thuế quý 1 khoảng 78 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ.
Ở trường hợp của Chứng khoán Bản Việt (nay là Chứng khoán Vietcap, HOSE: VCI), ban lãnh đạo chia sẻ trong 3 tháng đầu năm, công ty mới lãi chưa tới 100 tỷ đồng, tức mới đạt 10% kế hoạch lợi nhuận và giảm hơn 80% so với cùng kỳ). Với kết quả này, Tổng Giám đốc VCI Tô Hải đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2023 hiện rất “mong manh”.
Kế hoạch năm 2023 của nhiều doanh nghiệp vẫn "khá lạc quan"?
Theo SGI Capital, phần lớn các doanh nghiệp đang đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 tăng trưởng chậm so với năm 2022 với kỳ vọng kinh tế và nhu cầu sẽ phục hồi vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này cho rằng con số kế hoạch vẫn “khá lạc quan”, nhất là với nhóm ngân hàng.
"Với quyết tâm hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng này là có cơ sở. Tuy vậy, với nhu cầu trong nước suy yếu, tỷ lệ vay nợ cao, tín dụng khó tăng trưởng, và khả năng kinh tế thế giới đi vào suy thoái trong nửa sau 2023, chúng tôi thấy cần thận trọng với kỳ vọng này", SGI Capital cho biết.
Vũ Hạo
FILI
|