Nếu được nâng hạng thị trường, 3.5-4 tỷ USD sẽ chảy vào chứng khoán Việt Nam?
Theo ước tính của CTCK BSC, trong trường hợp MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi, sẽ có khoảng 3.5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.
Nâng hạng thị trường là điều được nhiều nhà đầu tư mong chờ từ rất lâu và gần đây được Chính phủ ưu tiên thúc đẩy.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi trước năm 2025.
Ngân hàng thế giới (WB) và tổ chức FTSE Russell đã làm việc, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nâng hạng và gần nhất vào tháng 5/2022, UBCKNN đã ký văn bản hợp tác với SGDCK New York (NYSE) về việc hỗ trợ nâng hạng.
Điều gì chờ đợi TTCK Việt Nam nếu được nâng hạng?
Trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung có thể được hưởng lợi ở một số khía cạnh như: (1) Tăng tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm TTCK Việt Nam và vị thế quốc gia, (2) doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, (3) tăng tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với các nhà đầu tư và (4) đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF - tham chiếu các bộ chỉ số của MSCI và FTSE - được kỳ vọng đổ vào TTCK Việt Nam với quy mô lớn.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, tính đến hết ngày 31/03/2023, có 470 quỹ với tổng quy mô 890 tỷ USD, bao gồm 155 quỹ ETF (quy mô 338 tỷ USD) và 315 quỹ mở (quy mô 552 tỷ USD), đang đầu tư vào thị trường mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE, trong đó tỷ trọng các quỹ tham chiếu theo MSCI (88%) nhiều hơn FTSE (12%).
- TTCK Philippines có 34 quỹ đầu tư tham chiếu bộ tiêu chí của FTSE. Quy mô đầu tư các quỹ mở, quỹ ETF tại các TTCK mới nổi khu vực ASEAN quy mô 1.5 tỷ USD, theo MSCI là 185 quỹ với tổng quy mô 2.1 tỷ USD;
- TTCK Malaysia: Với tổng quy mô đầu tư các quỹ hiện tại là 8.4 tỷ USD, trong đó theo tiêu chí FTSE là 42 quỹ với tổng quy mô 3.5 tỷ USD và MSCI là 196 quỹ với quy mô 4.8 tỷ USD;
- TTCK Indonesia và Thái Lan: Đây là 2 thị trường có quy mô vốn hoá lớn hơn, mặc dù TTCK Indonesia hiện đang được FTSE xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp nhưng với tiềm năng tăng trưởng lớn, các quỹ đầu tư nước ngoài đã rót 12 tỷ USD - tương đương quy mô của TTCK Thái Lan (đã được FTSE xếp hạng TTCK mới nổi tiên tiến).
Theo ước tính của BSC, trong trường hợp MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi, sẽ có khoảng 3.5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Ước tính dựa trên giả định tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0.7% - tương đương tỷ trọng của các cổ phiếu TTCK Philippines (được FTSE xếp hạng TTCK mới nổi sơ cấp) trong danh mục đầu tư các quỹ hiện tại.
Hiện, Việt Nam hiện vẫn chưa có trong danh sách nâng hạng của MSCI và đã trong danh sách theo dõi của FTSE. Theo ước tính của BSC, nếu được FTSE chính thức nâng hạng lên TTCK mới nổi sơ cấp, thị trường dự kiến đón nhận khoảng 1.5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu bộ chỉ tiêu của FTSE - tương đương quy mô mà TTCK Philippines hiện tại.
TTCK Việt Nam được FTSE đưa vào danh sách theo dõi xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp từ tháng 9/2018 nhưng mới đây, FTSE đã cảnh báo về quá trình nâng hạng thị trường Việt Nam khi việc cải tổ vẫn chưa rõ ràng đồng thời FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng.
Mặt khác, Việt Nam cũng chưa có tên trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI, do đó, để TTCK Việt Nam tiếp tục có bước chuyển mình mới, hội nhập sâu rộng với sự phát triển chung trong khu vực và thế giới, rất cần sự chỉ đạo, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan quản lý, sự chung tay của các thành viên tham gia trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường nhằm đạt mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025 mà Bộ Tài chính đặt ra.
TTCK Việt Nam cần gì để nâng hạng?
Theo các báo cáo đánh giá gần nhất của MSCI và FTSE, Việt Nam còn thiếu nhiều tiêu chí và cần cải thiện để sớm được nâng hạng thị trường.
Nhìn chung, một số vấn đề chính cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện, điều chỉnh bao gồm: (1) Thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường, (2) nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, (3) hoàn thiện cơ chế chính sách, (4) vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài, (5) tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và (6) tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.
Với FTSE Russell, Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging). Tuy nhiên, đối với tiêu chí nâng hạng khắt khe hơn của MSCI, Việt Nam chỉ mới đáp ứng 8/17 tiêu chí. Một số tiêu chí như: Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, cho vay chứng khoán và bán khống là những vấn đề cần thời gian để cải thiện, mặc dù vậy, đây chưa phải là các yếu tố bắt buộc cần có để được nâng hạng.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đưa hệ thống giao dịch mới (KRX) vận hành trong năm 2023 sẽ là điểm đáng lưu ý đối với 2 tổ chức xếp hạng cho các kỳ đánh giá còn lại trong năm đối với TTCK Việt Nam.
Vũ Hạo
FILI
|